Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học và chương trình tư vấn cộng đồng “Tiến bộ trong tầm soát và điều trị ung thư đầu cổ” do Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Báo điện tử Kiến thức và Trung tâm điều trị ung thư Hy vọng (Bệnh viện FV) tổ chức.
Ung thư ở “ngã tư” ăn uống
Đầu - cổ là vùng có nhiều cơ quan trọng yếu như: não ở trong và các cơ quan khác: mắt- tai- lưỡi- mũi vừa là “ngã tư” của đường ăn, đường thở và là cửa ngõ đi vào cơ thể. Chính vì vậy, vùng đầu cổ thường xuyên phải hứng chịu những loại bệnh khác nhau từ một số bệnh viêm nhiễm, đến các khối u lành tính, ác tính.
Theo các chuyên gia ung thư, ung thư ở vùng đầu - cổ là một trong nhưng loại ung thư chiếm tỷ lệ cao trong những loại ung thư mà con người gặp phải. Nếu phát hiện sớm thì việc phẫu thuật cắt khối u phối hợp với xạ trị đem lại kết quả rất tốt, tỷ lệ sống trên 5 năm đạt trên 95%, một số trường hợp sau khi phẫu thuật có thể khỏi hoàn toàn. Nếu không được phát hiện kịp thời khi khối u đã lan ra các tổ chức lân cận hoặc di căn, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ sống trên 5 năm là rất thấp.
TS. Nguyễn Đại Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, ung thư vùng đầu cổ là loại ung thư khá phổ biến, nổi bật nhất là ung thư vòm, hạ họng - thanh quản, lưỡi, khoang miệng. Ở Việt Nam nhóm ung thư này có đặc điểm khác với phương Tây về độ tuổi mắc khá trẻ khoảng 30-40 tuổi (trong khi thế giới thường ở độ tuổi muộn 60 tuổi). Nguyên nhân gây bệnh phổ biến là do virus, đáng chú ý là các yếu tố liên quan đến uống rượu, thuốc lá, viêm nhiễm mạn tính… Hút thuốc, uống rượu, gây ung thư khoang miệng, lưỡi, hạ họng. Tập tục ăn trầu thuốc cũng là nguyên nhân gây ung thư khoang miệng do vôi mặn dễ gây bỏng niêm mạc mãn tính.
Theo TS. Bình, virus gây ung thư vòm họng có tên Eptein Barr. Đây là loại ung thư dễ phát hiện sớm nhưng thường chẩn đoán muộn mà nguyên nhân chủ yếu là là tâm lý của người bệnh. Những biểu hiện mới xuất hiện khiến người dân nhầm tưởng là viêm mũi, nhiệt miệng nên tự điều trị rất mất thời gian. Đến khi ung thư phát triển rộng, bệnh nhân lại cố giấu diếm hoặc tìm đến các loại thuốc truyền miệng, thuốc gia truyền. Một nguyên nhân nữa cũng một phần do thầy thuốc thiếu quan tâm chẩn đoán sớm bệnh để tìm hướng điều trị kịp thời.
Với ung thư vòm, đây là nhóm ung thư xuất phát từ biểu mô dạng thượng bì, càng ít biệt hóa thì phát triển càng nhanh nhưng đáp ứng tốt với hóa -xạ trị. Nhóm ung thư này hay gây chảy máu, khó thở khẩn cấp đòi hỏi cấp cứu cầm máu, mở khí quản. Tuy nhiên trong những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ điều trị ung thư vòm họng bằng liệu pháp điều trị trúng đích nhằm vào thụ thể yếu tố tăng sinh thượng bì.
Phát triển mạng lưới ung thư phát hiện sớm
ThS. Trương Lê Vân Ngọc, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ước tính từ các trung tâm ghi nhận ung thư ở nước ta có khoảng 120.000 trường hợp mới mắc, 75.000 tử vong mỗi năm. Trong những năm qua, dù đã đạt nhiều kết quả trong công tác phòng chống ung thư nhưng hoạt động này vẫn chủ yếu là hoạt động của ngành y tế. Các hoạt động cũng mới chỉ tập trung nhiều điều trị, các lĩnh vực dự phòng, tư vấn, chăm sóc giảm nhẹ chưa được quan tâm triển khai đúng mức. Trong khi đó, mạng lưới phòng, chống ung thư tập trung nhiều ở tỉnh, trung ương; sự tham gia của tuyến huyện, xã còn hạn chế. Thêm nữa, việc đào tạo nâng cao năng lực CBYT chủ yếu tập trung ở tuyến TW và các địa phương có dự án…
Do đó, ThS. Ngọc cho rằng cần củng cố chất lượng, kiểm soát chất lượng ghi nhận ung thư; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực tuyến huyện, xã; chuyển từ sàng lọc định hướng sang hình thức sàng lọc chủ động; Xây dựng, triển khai các can thiệp dự phòng các yếu tố nguy cơ của ung bướu.
Về vấn đề này, TS. Bình cũng khuyến nghị cần phát triển mạng lưới ung thư để phát hiện sớm. Cố gắng phát hiện nhiều bệnh nhân ở giai đoạn I,II. “Đất nước nghèo, bệnh nhân nghèo thì càng nên phát hiện sớm để điều trị ít tiền mà kết quả lâu dài tốt”- TS. Bình cho hay.