An toàn thực phẩm “báo động đỏ” nhưng 5 năm chỉ khởi tố... 1 vụ

Nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng diễn ra trong thời gian qua nhưng lại không bị khởi tố hình sự
Nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng diễn ra trong thời gian qua nhưng lại không bị khởi tố hình sự
TPO - Mặc dù tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều nơi đã ở mức “báo động đỏ”, tuy nhiên theo thống kê, 5 năm qua, cơ quan điều tra các cấp chỉ khởi tố hình sự được 1 vụ, 3 bị can.

Ngày 3/3, Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 2 để nghe Chính phủ báo cáo về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2011- 2016 đã hình thành được hệ thống pháp luật đồng bộ để phục vụ cho công tác quản lý. Đặc biệt, lần đầu tiên lĩnh vực an toàn thực phẩm có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng, thay vì phải áp dụng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính chung trong lĩnh vực y tế.

Trong năm 2015-2016, số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% lên 23,4%, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% lên 67%; số tiền phạt trung bình một cơ sở tăng từ 3,59 triệu lên 3,73 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các năm trước...

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ và ý kiến của các thành viên đoàn giám sát tại phiên họp cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.

Ở nhiều địa phương, mặc dù tổ chức kiểm tra nhiều nhưng xử lý đạt thấp, kỷ luật không nghiêm, còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ ngành. 5 năm qua, cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 3,3 triệu cơ sở, phát hiện hơn 670 nghìn cơ sở vi phạm và mới có hơn 136 nghìn cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, chiếm khoảng 20%.

Công tác điều tra, xử lý hình sự về an toàn thực phẩm hiệu quả chưa cao. Theo thống kê, 5 năm qua, cơ quan điều tra các cấp chỉ khởi tố hình sự được 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm ở nhiều địa phương còn hình thức...

Tại phiên họp, các thành viên đoàn giám sát cho rằng, cần xác định rõ trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, trong đó có vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội Bà Ngô Thị Minh phân tích, việc truy xuất nguồn gốc, vấn đề mô hình sản xuất theo chuỗi là những kiến thức cơ bản nhưng nhìn chung nhận thức của lực lượng làm việc trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Người tiêu dùng cũng không có thông tin, điều kiện để truy xuất được nguồn gốc thực phẩm, cần có giải pháp để quản lý, tháo gỡ.

Bà Ngô Thị Minh cũng kiến nghị, cần xem lại quy định của điều 65 trong Luật an toàn thực phẩm, làm rõ hơn trách nhiệm của UBND các cấp huyện, xã trong thực hiện nhiệm vụ; sự kết nối giữa những người thực hiện nhiệm vụ với tuyến trên; vai trò đầu mối của ngành Y tế trong Ban chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phầm...

Làm rõ hơn nội dung đoàn giám sát quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, ngay từ khi Quốc hội quyết định thành lập Đoàn giám sát đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực hơn ở các bộ, ngành, địa phương. Theo Phó Thủ tướng, vệ sinh an toàn thực phẩm là hết sức quan trọng, không chỉ liên quan đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, du lịch, xuất khẩu nông sản...

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, một số địa phương đã thấy được trách nhiệm của mình, vào cuộc, tạo sự chuyển biến bước đầu trong công tác an toàn thực phẩm nhưng cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại trong quản lý an toàn thực phẩm vừa qua không phải do những hạn chế của hệ thống pháp luật mà do khâu tổ chức thực hiện. Hệ thống khung khổ pháp luật của Việt Nam về an toàn thực phẩm được quốc tế đánh giá là có nhiều tiến bộ, một trong những nước đi đầu trong khu vực, vấn đề là năng lực thực hiện.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, một trong những việc cần làm là phát huy mạnh mẽ trách nhiệm của chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để tạo sự chuyển biến vững chắc tới từng người dân. Theo ông Đam, tới đây, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần thay đổi cách tiếp cận về quản lý an toàn thực phẩm. Cần có hệ thống đánh giá rủi ro, trong đó, đặc biệt lưu ý ngoài phòng thí nghiệm cố định, cần có nhiều hơn các phòng thí nghiệm lưu động để xét nghiệm nhanh.  

Phát biểu kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành hoàn chỉnh lại báo cáo, tăng cường thêm nhận định, đặc biệt là nhận định về thực trạng của tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục phối hợp với đoàn giám sát tìm ra câu trả lời chính xác, tránh đưa ra thực trạng và giải pháp chung chung.

MỚI - NÓNG