An sinh cho người hồi hương: Thích ứng trong giai đoạn mới

0:00 / 0:00
0:00
Dòng người rời các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ về quê sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Ảnh: TP
Dòng người rời các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ về quê sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Ảnh: TP
TP - Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 bộc lộ nhiều vấn đề về thị trường lao động (LĐ): Chăm lo an sinh cho LĐ trước các “cú sốc” và vấn đề nguồn cung cho giai đoạn phục hồi.

Đảm bảo nguồn cung lao động giai đoạn phục hồi

Cuộc họp triển khai chính sách hỗ trợ người LĐ và doanh nghiệp vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá: Thời gian qua, dịch COVID-19 kéo dài, phức tạp ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, việc làm, sinh hoạt của nhân dân và người LĐ. Dòng người từ thành phố, khu công nghiệp về quê với số lượng rất lớn kéo theo việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường LĐ ở một số bộ phận, lĩnh vực, địa bàn.

Theo ông Dung, bộ đang khẩn trương xây dựng Đề án khôi phục và phát triển thị trường LĐ trong chương trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Mục tiêu đề án là xây dựng giải pháp, chính sách giữ chân LĐ ở lại và thu hút người đã về quê quay lại làm việc; giải pháp hỗ trợ, điều tiết bổ sung lực lượng LĐ cho những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn cấp bách và đặc thù cần phải ưu tiên; giải quyết việc làm cho LĐ về quê chưa trở lại...

Về việc thu hút lao động trở lại làm việc, ông Phạm Minh Huân (nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) nói rằng, thị trường LĐ đang mất cân đối, do LĐ về quê tránh dịch nhiều. Hiện nay, việc đảm bảo an sinh cho LĐ về quê, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng và phục hồi sản xuất sau dịch... đang là những vấn đề cần các bộ, ngành giải quyết. Theo ông Huân, trước mắt phải sớm có chính sách thu hút LĐ trở lại làm việc. Các địa phương cần tạo điều kiện cho người dân đi lại. Các địa phương cần số lượng lớn LĐ trở lại như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai..., nên hỗ trợ tiền thuê trọ, vận động giảm tiền nhà cho LĐ. Về lâu dài, cần thực hiện tốt các chính sách đã có nhưng chưa triển khai hiệu quả như nhà ở, đảm bảo giáo dục, văn hóa giải trí, chăm sóc y tế, sinh hoạt cộng đồng... để LĐ an cư lạc nghiệp.

An sinh cho người hồi hương: Thích ứng trong giai đoạn mới ảnh 1

Gia đình chị Nguyễn Thị Gái vui mừng khi được tỉnh Phú Yên đón về quê an toàn. Ảnh: Lữ Hồ

Ông Huân cho rằng, do số LĐ về quê rất lớn thời gian qua nên nhiều địa phương sẽ gặp khó trong giải quyết việc làm cho nhóm này. Chẳng hạn, Nghệ An có tới 80.000 LĐ trở về, đa số là LĐ phổ thông. Vì vậy, các địa phương phải nắm bắt nguyện vọng của người dân để hỗ trợ, giới thiệu việc làm tại chỗ, kết nối đưa người LĐ trở lại các trung tâm công nghiệp. Dịp cuối năm, TPHCM rất cần LĐ thời vụ, nếu không kết nối tốt giữa các địa phương để đưa LĐ trở lại sẽ lãng phí cả nguồn lực con người lẫn hợp đồng kinh tế doanh nghiệp đã ký kết”, ông Huân phân tích.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến 14/10, hai gói chính sách hỗ trợ LĐ và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 của Chính phủ đã giải ngân hơn 30,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 đã giải ngân hơn 21,8 nghìn tỷ đồng hỗ trợ trên 24,2 triệu lượt đối tượng. Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 đã giải ngân gần 8,8 nghìn tỷ đồng. Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chuyển tiền hỗ trợ tới 540.100 LĐ, với số tiền trên 1,25 nghìn tỷ đồng; giảm đóng Bảo hiểm thất nghiệp tới 363.300 đơn vị với số tiền giảm gần 7,6 nghìn tỷ đồng.

Để hỗ trợ người bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thủ tướng đã có Quyết định xuất cấp hơn 137 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,41 triệu hộ (gần 9,14 triệu nhân khẩu) ở 31 tỉnh, thành phố.

Cần chính sách an sinh hiệu quả

Ông Phạm Minh Huân cho rằng, sau làn sóng người dân về quê, rất cần xem lại chính sách an sinh đối với lao động. Đây là vấn đề lâu nay ít được chú trọng. Vì thế có tình trạng còn lúng túng trong ban hành chính sách, đưa ra mức hỗ trợ không cao, thủ tục phức tạp. Vì vậy, người LĐ chọn giải pháp an toàn là về quê.

“Dòng người về quê là bài học kinh nghiệm cho các địa phương trong phòng, chống dịch và chăm lo LĐ. Về quy định, LĐ ở đâu chính quyền nơi đó phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho họ. Một số địa phương phía Nam chưa thực hiện tốt thời gian qua. Nhiều LĐ dù đã tới sống và làm việc cả chục năm tại các thành phố lớn vẫn chịu thân phận ngụ cư, khó khăn trong tiếp cận chính sách an sinh. Các địa phương cũng cần nhìn nhận lại vai trò của LĐ nhập cư, có chính sách hỗ trợ, chăm lo để họ xem thành phố như quê hương thứ 2, không đơn thuần chỉ làm việc nay đây, mai đó”, ông Huân nói.

Phú Yên lo sinh kế cho người về quê

Khi dịch COVID - 19 bùng phát mạnh, tỉnh Phú Yên đã tổ chức 30 xe khách đón hơn 1.000 người dân Phú Yên tại Bình Dương có nguyện vọng về quê. Đây là đợt đón cuối của tỉnh sau 70 ngày đêm bền bỉ đưa gần 17.000 người dân đang sinh sống, học tập, lao động tại các tỉnh, thành phố phía Nam về địa phương cách ly an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, đến nay tỉnh đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh từng bước khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống người dân. Phú Yên đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 khôi phục hoạt động sản xuất; tiếp nhận tạo được nhiều việc làm cho LĐ trở về địa phương, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Để giải quyết việc làm cho hàng nghìn LĐ trong số gần 17.000 người trở về, tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng, các địa phương khảo sát nghề nghiệp, trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật, độ tuổi, giới tính của người vừa trở về; xây dựng kế hoạch cụ thể chuẩn bị việc làm, lo an sinh xã hội. Phú Yên có định hướng mở rộng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để thu hút, giải quyết việc làm cho LĐ.

LỮ HỒ

MỚI - NÓNG