An sinh cho người hồi hương: Giữ đất sản xuất, nỗ lực tìm việc

0:00 / 0:00
0:00
Chị Siu H' Jú mong muốn sớm có công việc mới
Chị Siu H' Jú mong muốn sớm có công việc mới
TP - Từ khi đợt dịch lần 4 bùng phát tới nay, có khoảng 20.000 người lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê ở Gia Lai tránh dịch. Đa số là đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo, do đó việc hỗ trợ, tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương khuyến cáo bà con không nên bán hoặc cho thuê đất, phải giữ lại để trồng hoa màu, chăn nuôi, ổn định cuộc sống.

Mong có việc làm

Thấy cha mẹ lam lũ, đội nắng trên rẫy làm cỏ mì (sắn), làm thuê khắp nơi mà vẫn nghèo, đầu năm, cô gái Siu H'Jú (huyện Phú Thiện, Gia Lai) vừa tròn 18 tuổi gác lại việc học hành, vào Bình Dương làm công nhân may, lương 7 triệu đồng/tháng. Mức lương này H'Jú tiêu dè sẻn, còn dư được một khoản gửi về cho gia đình.

Vừa quen với công việc, dịch bùng phát, công ty đóng cửa, H' Jú khăn gói về quê. Trong căn nhà sàn cũ, H'Jú bùi ngùi: “Giờ em chỉ loanh quanh làm cỏ cho 4 sào mì, 3 sào lúa nước nhưng phải vài tháng nữa mới được thu hoạch. Em rất cần công việc mới ở quê nhưng giờ lên mạng tìm không thấy”.

Trước kia ở huyện Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai) người dân “phất” lên nhờ hồ tiêu. Sáu năm trước, giá hồ tiêu cao điểm khoảng 200 nghìn đồng/kg, nông dân hai huyện vay mượn đầu tư. Nào ngờ, từ năm 2018 hồ tiêu chết hàng loạt do mưa kéo dài liên tục nhiều tháng. Ai chứng kiến cảnh tượng tiêu chết ở hai huyện này đều ứa nước mắt cho nông dân khi các trụ tiêu chất đống khổng lồ, xẻ làm củi. Thanh niên hai huyện bắt đầu đổ vào các tỉnh phía Nam tìm việc làm. Giờ họ lại phải trở về địa phương khi hậu quả từ việc hồ tiêu chết chưa được khắc phục.

An sinh cho người hồi hương: Giữ đất sản xuất, nỗ lực tìm việc ảnh 1

Anh Nguyễn Văn Tài như ngồi trên đống lửa vì chưa trả hết các khoản nợ

Anh Nguyễn Văn Tài (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) vừa từ Bình Dương trở về được gần tháng nay. Anh nhớ lại, gần 5 nghìn trụ hồ tiêu bị chết, gia đình thiệt hại hơn 2 tỷ đồng, trong đó có 700 triệu đồng vay ngân hàng chưa trả được. Hồ tiêu khiến gia đình anh Tài phải tha hương, cầu thực.

Ba năm làm thuê ở tỉnh Bình Dương, 3 thành viên trong gia đình anh dành dụm, tiết kiệm được 100 triệu đồng trả bớt nợ nần. Trở về quê lần này, vợ chồng anh Tài như “ngồi trên đống lửa” vì sổ đỏ của gia đình vẫn đang thế chấp ngân hàng. Bây giờ, anh Tài cùng con trai thường xuyên tìm kiếm thông tin tuyển dụng nhưng các doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng không tuyển thêm.

“Giờ tôi chỉ biết đi làm thuê. Lúc trước tìm việc làm đã khó, giờ dịch bệnh càng khó. Tôi rất mong có một công việc sớm, dù xa tôi cũng cố gắng”, anh Tài chia sẻ.

Bài toán khó

Với hơn 2,2 nghìn lao động tự do trở về tránh dịch, huyện Chư Pưh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định cuộc sống người dân. Theo lãnh đạo huyện này, hiện đơn vị đang cho rà soát, cập nhật nhu cầu việc làm của người lao động trở về từ vùng dịch. Đặc biệt, chính quyền đã lên kế hoạch phối hợp với ngành chức năng tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề cho người lao động; thông tin về nguồn vốn vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội cho người lao động.

Bà Vũ Thị Hà - Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Chư Sê cho biết, từ tháng 6 đến nay có hơn 5.000 lao động từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương, vấn đề giải quyết việc làm rất khó khăn. Theo bà Hà, đa phần lao động là người dân tộc thiểu số, trong khi đó các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang gặp nhiều khó khăn trước đại dịch nên chưa thể nhận được số lượng lao động lớn.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai, từ đầu năm tới nay, gần 20.000 người dân từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương tránh dịch. Để giúp người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh, sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận, hướng dẫn người lao động nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm mới.

Trước tình trạng trên, bà Hà cho biết, UBND huyện đã làm việc với các xã để phát đi khuyến cáo đến bà con không nên bán, hoặc cho thuê đất giá rẻ, bởi đây là tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng. Cùng với đó, UBND huyện giao Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới, từ đó có hướng giao cho ngân hàng chính sách giúp các hộ dân vay vốn, phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch.

Chia sẻ về khó khăn của người lao động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho hay, đợt dịch này số ca dương tính đa số là người từ vùng dịch về, đến nay đã được kiểm soát chặt chẽ. Việc hỗ trợ bằng tiền cho bà con chỉ mang tính tức thời. Bởi vậy, tỉnh luôn xác định chính sách cho người lao động là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Theo bà Lịch, tỉnh đã giao các đơn vị phối hợp rà soát công dân về địa phương ai có nhu cầu vào lại các tỉnh phía Nam để có hướng hỗ trợ khi dịch được kiểm soát. Ngoài ra, đối với công dân ở lại, tỉnh cũng đang lập danh sách nhằm tìm việc làm qua các kênh cho họ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.