Theo Washington Post, ông Modi cho biết, phi thuyền có người lái đầu tiên của Ấn Độ dự kiến được phóng vào năm 2022. Trong bài phát biểu, ông Modi nêu những thành tựu khoa học nổi trội mà Ấn Độ đạt được.
“Ấn Độ tự hào về các nhà khoa học của mình, những người đã đạt được những thành tựu vượt trội trong nghiên cứu”, ông Modi phát biểu trước hàng vạn người tại New Delhi.
Nhiều tháng sau khi ông Modi trở thành thủ tướng vào năm 2014, Ấn Độ đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên phóng phi thuyền lên sao Hỏa với chi phí 74 triệu USD, ít hơn nhiều so với ngân sách của Mỹ dành cho việc chinh phục hành tinh đỏ này.
Rakesh Sharma là người Ấn Độ đầu tiên bay ra ngoài không gian trên tên lửa của Nga vào năm 1984. Từ những năm 1960, Ấn Độ đã phóng nhiều vệ tinh.
Kể từ đó, mỗi năm Ấn Độ đầu tư trung bình 1 tỷ USD cho chương trình không gian. Điều này đã giúp Ấn Độ phát triển các công nghệ vệ tinh, truyền thông và điều khiển từ xa, kiểm soát mạch nước ngầm và dự báo thời tiết cho một đất nước luôn phải đối mặt với vòng xoáy của hạn hán và ngập lụt.
Tuần trước, Cơ quan nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ thông báo, họ đã lên kế hoạch đưa phi thuyền không người lái lên Mặt trăng vào tháng 1/2019. Tàu vũ trụ The Chandrayaan-2 sẽ đưa một phi thuyền lên bề mặt của Mặt trăng để thu thập dữ liệu.
Cùng với kế hoạch chinh phục vũ trụ, Thủ tướng Modi cũng công bố một kế hoạch đột phá về mặt y tế, sẽ áp dụng từ ngày 25/9 tới. Đó là chương trình bảo hiểm y tế (được gọi là “Modicare”) nhằm đảm bảo cho khoảng 500 triệu người dân nghèo của Ấn Độ được hỗ trợ 500.000 rupee (7.200 USD)/ năm để điều trị những bệnh hiểm nghèo.