Tuy nhiên, 30 con tin khác, gồm 7 người nước ngoài và 11 kẻ bắt cóc đã thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
Tuy nhiên, số người thiệt mạng vẫn chưa được chính thức xác nhận. Hãng tin RT cho hay trong số những người thiệt mạng có 2 con tin người Anh, 2 người Nhật Bản và 1 người Pháp.
Các nguồn tin an ninh cũng cho biết ít nhất 11 chiến binh cũng thiệt mạng, trong đó có 3 người Ai Cập, 2 người Algeria, 2 người Tunisia, 2 người Libya, 1 người Pháp và 1 Mali, theo Reuters.
Bộ trưởng Thông tin Algeria Mohamed Said trước đó cũng xác nhận rằng “có một số con tin thiệt mạng. Nhiều con tin đã được giải thoát và những tên khủng bố đã bị vô hiệu hóa”.
Sau cuộc tấn công, nhiều con tin cũng bị mất tích. Chính phủ các nước có công dân của mình là con tin trong đợt khủng bố này vẫn đang đứng ngồi không yên.
Thủ tướng Anh David Cameron mô tả tình hình các con tin hiện thời là “vô cùng xấu” sau khi quân đội Algeria không kích giải cứu con tin. Ông nói: “Chúng tôi biết một công dân Anh đã thiệt mạng và tôi nghĩ rằng chúng tôi phải chuẩn bị cho những tin xấu nhất có thể”.
Công ty xây dựng JGC của Nhật Bản cũng xác nhận 1 công dân Nhật trong vụ bắt cóc này đã an toàn nhưng số phận của 14 người khác vẫn chưa được rõ.
Thủ tướng Ý Giulio Terzi gọi việc những con tin bị thiệt mạng là “hậu quả tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố”.
Ai Len xác nhận một công dân của họ đã được giải cứu an toàn, theo AP.
Theo hãng tin ABC News, 5 công dân Mỹ sống sót sau vụ tấn công đã rời khỏi Algeria. Các chiến binh Hồi giáo cho hay 5 công dân Mỹ khác cũng thiệt mạng khi quân đội Algeria tấn công vào nơi bắt giữ con tin.
Thủ tướng Algeria nói với lãnh đạo Na Uy rằng chính quyền nước này “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành tấn công” bởi các chiến binh vẫn rất ngoan cố và đang có ý định chạy trốn khỏi cơ sở sản xuất khí đốt cùng với các con tin. 12 người Na Uy được báo cáo là mất tích trong cuộc giải cứu này.
Phan Yến
Theo RT, Reuters