Khả năng sự tham gia và quay trở lại của ông Đặng Văn Thành và nhóm đầu tư ngoại cũng…mịt mờ. Và rất có thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ buộc phải trình Chính phủ một phương án lựa chọn của riêng mình.
Thử phân tích một cách logic, HĐQT Sacombank đang thiếu đi ghế trống từ sự từ nhiệm của cha con ông Trầm Bê và Trầm Khải Hoà. Như vậy, dù muốn hay không sẽ phải bổ sung thành viên HĐQT và quan trọng, phải tìm cho được ứng viên có đủ năng lực và bản lĩnh ngồi ghế chủ tịch HĐQT.
Nhìn lại thực trạng Sacombank, vấn đề “lõi” ngân hàng gặp phải đó chính là sự sụt giảm nghiêm trọng về uy tín và niềm tin. Món nợ khổng lồ từ Phương Nam bank chuyển sang khiến Sacombank đã 3 năm loay hoay trong “vũng lầy” nợ xấu. Không chỉ mất đi nhiều khách hàng thân thiết, giảm uy tín với các định chế tài chính trong và ngoài nước, Sacombank còn sụt giảm trầm trọng niềm tin với các nhà đầu tư, cổ đông đã gắn bó với ngân hàng lâu dài (không được chia cổ tức và giá cổ phiếu trồi sụt giảm dần).
Điều gì sẽ xảy ra nếu chậm tái cơ cấu Sacombank? Thực tế, 3 năm qua, cả HĐQT và ban điều hành Sacombank- đặc biệt là NHNN đã tốn không ít công sức, giấy mực tìm cách cứu vãn sức khỏe nhà băng này. Tuy nhiên, quyết sách chưa đủ mạnh và cố gắng của những người đang cầm trịch trong giới hạn đã không thể “xoay chuyển” được hòn đá tảng nợ xấu ngáng lối đi về.
Giới chuyên môn thì sốt ruột cho rằng: Đã đến lúc Sacombank cần một cơ chế đặc biệt để có thể tái cơ cấu xử lý nợ xấu đồng thời phải có một “thuyền trưởng” đủ năng lực và tài ba “chèo chống” dẫn dắt con tàu nhiều trọng tải đang chìm dần này (Trước khi xảy ra chuyện, Sacombank vốn được xem là ngân hàng cổ phần mạnh chỉ sau 4 NHTM Nhà nước).
Vậy ai sẽ là người đủ năng lực ngồi vào ghế thành viên HĐQT, thậm chí là Chủ tịch Sacombank? Phân tích tổng thể cho thấy đó phải là người hội tụ ít nhất một số điểm nổi bật như: có nghề trong lĩnh vực ngân hàng với kinh nghiệm dày dặn; có kinh nghiệm và trình độ năng lực để xử lý nợ xấu; có đủ uy tín với các đối tác; biết truyền lửa cho 20.000 CBCNV ngân hàng và các cổ đông; có tâm lo kéo và giữ chân được khách hàng. Cuối cùng, cực kỳ quan trọng, phải là người được đặc biệt tin tưởng giao đại diện với tư cách cổ đông lớn 54% phần vốn NHNN đang nắm giữ ( từ chuyển giao của gia đình ông Trầm Bê).
Chia sẻ từ một người trong cuộc, dù có là ai ngồi “ghế nóng” thì cả HĐQT và Ban điều hành vẫn phải chịu sự giám sát của NHNN trong suốt quá trình tái cơ cấu xử lý nợ xấu.
“Nhưng nhìn vào thực chất, tài sản xử lý nợ của Sacombank rất tốt. Nếu Chính phủ hay NHNN đồng ý cho giãn nợ, có cơ chế thì khả năng sau ít năm, khi thị trường bất động sản tốt lên và tìm được nhà đầu tư có năng lực, khả năng thu hồi nợ của Sacombank sẽ đạt như mong muốn”, vị này chia sẻ.
Rốt cục, bài toán tái cơ cấu Sacombank sẽ ra sao, có hay không những gương mặt mới trong HĐQT và đặc biệt ứng viên giữ ghế chủ tịch HĐQT, hãy chờ xem và hy vọng(!?)