Tái cơ cấu Sacombank và Eximbank: “Nu na nu nống”, ai được chọn?

Ai sẽ vào Sacombank, đến giờ mọi phương án vẫn là ẩn số.
Ai sẽ vào Sacombank, đến giờ mọi phương án vẫn là ẩn số.
TP - Những ngày này, “nhất cử lưỡng động” về ngân hàng Sacombank và Eximbank đều thu hút sự chú ý của cổ đông và giới đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ai sẽ tham gia vào tái cơ Sacombank và giành ghế ứng viên HĐQT của nhà băng này.  Còn tại Eximbank, cuộc đua quyền lực giữa các nhóm cổ đông lớn liệu có cơ hội kết thúc?

“Ẩn số” Sacombank

Dự kiến, ngày 28/4 diễn ra ĐHCĐ thường niên 2017 của Sacombank (mã CK: STB). Thu hút sự chú ý của dư luận là việc có hay không “biến” lớn tại ngân hàng. Trên TTCK, sau 2 tuần sốt sình sịch tăng khoảng 23%,  cổ phiếu STB giao dịch quanh ngưỡng 13.000 đồng/cp, tăng gần 50% so với thời điểm đầu năm 2017, hiện đã dừng nghe ngóng.

Việc ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT NovaGroup xác nhận xin rút, không tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank (ngày 5/4) khiến thị trường khá xôn xao. Tuy nhiên, xác nhận mong muốn trở lại Sacombank của ông Đặng Văn Thành cùng nhóm đầu tư Quỹ ngoại với cam kết sẽ rót 1 tỷ USD tiền tươi thóc thật cũng đang khiến người ta hy vọng.

Vì sao NovaGroup - một doanh nghiệp được đánh giá là tiềm lực cực lớn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản lại tự nguyện rời bỏ phương án từng rất mong mỏi?  Dù ông Bùi Thành Nhơn cảm thấy không phù hợp với việc tham gia tái cơ cấu Sacombank và chủ động xin rút hồ sơ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc “vào” Sacombank không hề dễ dàng bởi những điều kiện ngặt nghèo mà Ngân hàng Nhà nước “đòi” người chơi phải tuân thủ. Đề cập đến tái cơ cấu Sacombank, một đại diện NHNN từng thừa nhận do nợ xấu của Sacombank khá lớn nên chắc chắn cơ chế kiểm soát của NHNN sẽ rất chặt với bất kỳ nhà đầu tư nào muốn.

Cùng đó, một nhà đầu tư lớn trên thị trường chia sẻ: “Từng có người quen khuyên anh Nhơn không nên vào Sacombank. Ngân hàng đúng là còn rất nhiều tài sản tốt kể cả các vị trí đất vàng tuy nhiên đầu tư vào Sacombank lúc này khá...rủi ro. Chưa kể, sở trưởng của Novaland là bất động sản chứ không phải ngân hàng.”

Nói về hoạt động của Sacombank,  tháng 3/2017, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) từng chỉ ra kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản của STB năm 2016 vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc sáp nhập lại SouthernBank với lợi nhuận giảm gần 64% xuống còn hơn 530 tỷ đồng do chi phí hoạt động tăng; tỷ lệ nợ xấu lên tới 5,4%, mức cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết cũng như mức trung bình của toàn ngành.

Ai được chọn?

Sau 5 năm sau biến cố chuyển giao quyền lực tại ngân hàng do chính mình sáng lập và dẫn dắt phát triển, quyết định tham gia tái cơ cấu Sacombank lần này của ông Thành đến từ sự ủng hộ của các cổ đông hiện hữu và thiện chí hợp tác của nhóm các nhà đầu tư có uy tín quốc tế, cụ thể là Evercore Group, Redsun Capital Limited.  Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, đến hiện tại đề xuất của ông Thành và nhóm cổ đông mới vào tái cơ cấu Sacombank  chưa được NHNN phê duyệt và chắc chắn còn vấp phải khá nhiều rào cản cùng quan ngại. 

“Nên cân nhắc có thể sẽ xảy ra cả phương án Sacombank phải tự tái cơ cấu nếu không tìm được nhà đầu tư thực sự tin cậy. Đây có vẻ là điều một vài cá nhân  đang ngồi ghế HĐQT của nhà băng mong muốn”, một nhà  đầu tư thạo tin bật mí.

Tại Ngân hàng Xuất Nhập khẩu – Eximbank, vấn đề nhà băng này đang vấp phải đó là xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông vẫn chưa dừng. Dù đã hai lần tổ chức ĐHCĐ năm 2016 nhưng Eximbank vẫn kết thúc trong bế tắc. Tại đại hội ngày 21/4 tới đây, Eximbank tiếp tục trình bỏ phiếu bầu bổ sung thành viên HĐQT để tăng số thành viên từ 8 lên 11. Hiện danh sách 3 ứng cử viên hiện đã trình lên NHNN và cơ quan này cũng đang vào cuộc đeo bám rất sát.  HĐQT cũng đồng thời đề xuất thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Sacombank do Eximbank sở hữu trong trường hợp tổng giá trị giao dịch bán cổ phần này tại Sacombank từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của Eximbank ghi trong Báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất.

Nhóm cổ đông nào sẽ giữ thế “thượng phong” trong HĐQT Eximbank, dù danh tính các ứng cử viên vẫn đang được ém kỹ nhưng “soi” trong các nhóm cổ đông hiện tại, thấy thấp thoáng bóng dáng như đại diện của Vietcombank đang nắm giữ 8,5% cổ phần.

Đã có nhiều phỏng đoán, “ván bài” thêm ghế của ai tại HĐQT tại Eximbank sẽ phức tạp ngay cả khi NHNN đang giám sát rất chặt và có ý định can thiệp vào.

Theo công ty chứng khoán HSC, 2016 là năm khó khăn nhất của Eximbank. Lợi nhuận chỉ hoàn thành khoảng 40% kế hoạch năm. Nợ xấu tăng từ 1,86% cuối 2015 lên 2,95% cho dù ngân hàng đã xử lý được khoảng 50% nợ xấu vào nửa cuối 2016 thông qua hình thức hoán đổi trái phiếu VAMC. Trước đó, lợi nhuận năm 2014 và 2015 của Eximbank bị điều chỉnh hồi tố từ lãi xuống lỗ hơn 800 tỷ đồng.

Trong bản phân tích ngày 7/4, công ty chứng khoán HSC cho biết: hiện Sacombank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán các năm 2015 và 2016 cùng các tài liệu liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng.  Theo HSC, Sacombank sẽ phải nỗ lực để tránh ghi nhận lỗ trong vài năm tới và tập trung giải quyết những tài sản có vấn đề chủ yếu liên quan tới PNB.  HSC dự báo trong 5 năm nữa, trước khi trở lại hoạt động bình thường, STB chưa có lợi nhuận đáng kể và cũng không trả cổ tức. Dự kiến lợi nhuận 2017 của STB rất thấp chỉ dừng ở con số vài tỷ (4,73 tỷ đồng).

MỚI - NÓNG