Ai mới thực sự là người đã xây các kim tự tháp Ai Cập?

0:00 / 0:00
0:00
Ai mới thực sự là người đã xây các kim tự tháp Ai Cập?
TPO - Có nhiều giả thuyết về những người đã xây dựng các kim tự tháp của Ai Cập như: những người Do Thái bị bắt làm nô lệ và những cư dân của thành phố 'đã mất tích' Atlantis hoặc thậm chí là người ngoài hành tinh.

Kim Tự tháp Ai Cập là một công trình kiến trúc khổng lồ giữa sa mạc và có thể nhìn thấy từ vệ tinh ngoài Trái đất. Việc xây dựng những kim tự tháp này chắc chắn là một nhiệm vụ khổng lồ, vậy ai là người đã thực hiện nó?

Các kim tự tháp không thể được xây dựng bởi nô lệ Do Thái, vì không có di tích khảo cổ nào có thể liên quan trực tiếp đến người Do Thái đã được tìm thấy ở Ai Cập có niên đại 4.500 năm trước, khi các kim tự tháp Giza được xây dựng, nghiên cứu khảo cổ học đã tiết lộ.

Ngoài ra, câu chuyện được kể trong Kinh thánh tiếng Do Thái về việc người Do Thái làm nô lệ ở Ai Cập đề cập đến một thành phố tên là "Ramesses." Một thành phố tên là pi-Ramesses được thành lập trong triều đại thứ 19 (khoảng 1295-1186 trước Công nguyên) và được đặt theo tên của Ramesses II, người trị vì 1279-1213 trước Công nguyên. Thành phố này được xây dựng sau khi thời kỳ xây dựng kim tự tháp kết thúc ở Ai Cập.

Hơn nữa, không có bằng chứng khảo cổ học nào được tìm thấy về thành phố Atlantis bị mất tích trong bất kỳ khoảng thời gian nào, và nhiều học giả tin rằng câu chuyện này là hư cấu. Đối với người ngoài hành tinh, ý tưởng này được cho là không thể.

Trên thực tế, các nhà Ai Cập học cho biết, tất cả các bằng chứng cho thấy người Ai Cập cổ đại đã xây dựng các kim tự tháp. Tuy nhiên, những người xây dựng kim tự tháp đã sống như thế nào, họ được thưởng như thế nào và được đối xử ra sao vẫn là một bí ẩn mà các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu.

Các kim tự tháp và những người xây dựng chúng

Ai Cập có hơn 100 kim tự tháp cổ đại, nhưng nổi tiếng nhất bao gồm kim tự tháp bậc một, được xây dựng dưới thời trị vì của pharaoh Djoser (khoảng 2630-2611 trước Công nguyên) và kim tự tháp thực sự đầu tiên được xây dựng dưới thời cai trị của pharaoh Snefru (khoảng 2575-2551 trước Công nguyên). Đại kim tự tháp được xây dựng tại Giza dưới triều đại của pharaoh Khufu (khoảng 2551-2528 trước Công nguyên), và hai trong số những người kế vị của ông, Khafre (khoảng 2520-2494 trước Công nguyên) và Menkaure (khoảng 2490-2472 trước Công nguyên), cũng có các kim tự tháp được xây dựng tại Giza.

Các pharaoh đã dần ngừng xây dựng các kim tự tháp trong thời kỳ Tân Vương quốc (1550-1070 TCN), thay vào đó chọn chôn cất tại Thung lũng của các vị vua, cách Giza khoảng 483 km về phía nam.

Trong vài thập kỷ qua, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những bằng chứng mới cung cấp manh mối về việc những người xây dựng kim tự tháp là ai và họ sống như thế nào.

Những ghi chép còn sót lại, bao gồm bản thảo bằng giấy papyri được phát hiện vào năm 2013 tại Wadi al-Jarf trên bờ Biển Đỏ của Ai Cập, cho thấy rằng các nhóm lớn công nhân đã giúp mang vật liệu đến Giza. Giấy papyri được tìm thấy tại Wadi al-Jarf kể về một nhóm 200 người đàn ông do một thanh tra tên là Merer đứng đầu. Nhóm công nhân này đã chuyển những tảng đá bằng thuyền dọc theo bờ sông Nile, cách Đại kim tự tháp ở Tura 18km, nơi những tảng đá được sử dụng để xây lớp ngoài của kim tự tháp.

Trước đây, các nhà Ai Cập học đã đưa ra giả thuyết rằng, những người xây dựng kim tự tháp phần lớn là do những người làm nông nghiệp theo mùa, những thời điểm trong năm có rất ít công việc nông nghiệp phải làm. Giấy papyri mô tả chi tiết lịch sử của kim tự tháp vẫn đang trong quá trình giải mã và phân tích, nhưng kết quả chỉ ra rằng nhóm do Merer lãnh đạo còn làm được nhiều việc hơn là giúp xây dựng kim tự tháp.

Những công nhân này dường như đã đi qua phần lớn đất nước Ai Cập, có thể đến tận sa mạc Sinai, thực hiện nhiều dự án xây dựng và nhiệm vụ được giao cho họ. Điều này đặt ra câu hỏi liệu họ có phải là một phần của lực lượng chuyên nghiệp lâu dài, hơn là một nhóm công nhân nông nghiệp thời vụ sẽ trở lại đồng ruộng của họ.

Chế độ đãi ngộ người xây dựng kim tự tháp?

Theo Pierre Tallet, giáo sư Ai Cập học tại Đại học Paris-Sorbonne, Pháp, người đang giải mã bản thảo giấy papyri và là đồng trưởng nhóm tìm ra chúng, cho biết các công nhân được ăn một chế độ ăn kiêng bao gồm chà là, rau, thịt gia cầm và thịt. Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, bản thảo papyri mô tả các thành viên của nhóm làm việc thường xuyên nhận được hàng dệt may, có thể được coi là một phần thưởng vào thời điểm đó.

Ngoài ra, các quan chức ở các vị trí cấp cao có liên quan đến việc xây dựng kim tự tháp có thể đã nhận được tiền cấp đất, Mark Lehner, giám đốc của Hiệp hội Nghiên cứu Ai Cập Cổ đại (AERA), một viện nghiên cứu có trụ sở tại Massachusetts, cho biết.

Các ghi chép lịch sử cho thấy, có những thời điểm trong lịch sử Ai Cập, các quan chức được cấp đất. Tuy nhiên, vẫn chưa biết liệu các quan chức được cấp đất có liên quan đến việc xây dựng kim tự tháp hay không.

Nhóm của Lehner đang khai quật một thị trấn ở Giza, nơi có một số công nhân đang xây dựng kim tự tháp Menkaure sinh sống và thường xuyên lui tới. Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy cư dân cổ đại của thị trấn này từng nướng một lượng lớn bánh mì, giết mổ hàng nghìn con vật và nấu một lượng lớn bia.

Dựa trên xương động vật được tìm thấy tại địa điểm, và xem xét nhu cầu dinh dưỡng của công nhân, các nhà khảo cổ ước tính rằng khoảng 1.800 kg động vật, bao gồm cả gia súc, cừu và dê, bị giết mổ trung bình mỗi ngày, để cung cấp thức ăn cho công nhân.

Hài cốt của các công nhân được chôn cất trong các ngôi mộ gần kim tự tháp cho thấy các công nhân đã được chữa lành xương. Điều này cho thấy rằng họ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế sẵn có vào thời điểm đó. Chế độ ăn uống phong phú của những người xây dựng kim tự tháp, kết hợp với bằng chứng về việc chăm sóc y tế và nhận hàng dệt may... đã khiến các nhà Ai Cập học nhìn chung đồng ý rằng, công nhân không phải là những người nô lệ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả người lao động đều có chỗ ở bình đẳng. Các cuộc khai quật của AERA cho thấy, một số quan chức cấp cao hơn sống trong những ngôi nhà lớn và có những miếng thịt ngon nhất. Ngược lại, Lehner nghi ngờ rằng, những người lao động cấp thấp hơn có thể đã ngủ trong những ngôi nhà đơn giản hoặc "dựa lưng" tại chính các kim tự tháp.

Theo Live Science
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.