Nhà đèn lộ chiêu tiết kiệm điện mùa nắng nóng

0:00 / 0:00
0:00
Để tiết kiệm điện tối đa, mức nhiệt độ tốt nhất để điều hòa trong phòng là từ 26 đến 28 độ C.
Để tiết kiệm điện tối đa, mức nhiệt độ tốt nhất để điều hòa trong phòng là từ 26 đến 28 độ C.
TPO - Theo tính toán của chuyên gia kỹ thuật điện, trong những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hòa nhiệt độ trong gia đình có thể chiếm tới 60-65% tổng số lượng điện năng tiêu thụ của gia đình.

Khu vực miền Bắc đã bước vào cao điểm mùa hè với đợt nắng nóng kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt tăng cao trong bối cảnh từ ngày 4/5, học sinh các cấp tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19, khiến nhiều gia đình lo lắng vì lượng điện tiêu thụ tăng cao đột biến.

Để người dân giảm bớt nỗi lo 'tiền điện' mỗi khi hè sang, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cách sử dụng thiết bị điện đúng cách nhằm tăng tuổi thọ thiết bị cũng như tiết kiệm tiền điện cho các hộ gia đình ở mức tối ưu.

Theo tính toán của chuyên gia kỹ thuật điện, trong những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hòa nhiệt độ trong gia đình có thể chiếm tới 60-65% tổng số lượng điện năng tiêu thụ của gia đình. Việc học sinh các cấp tạm dừng đến trường và được nghỉ hè sớm để phòng, chống dịch COVID-19 dẫn đến nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt tăng cao đột biến ở Hà Nội những ngày qua.

Theo các chuyên gia, việc chọn máy điều hòa có công suất phù hợp với căn phòng, có bộ điều chỉnh tự động bằng điện tử sẽ tiết kiệm cho bạn khoảng 30% điện năng. Bởi mức nhiệt bên ngoài cứ cao hơn 10 độ là đã có thể tiết kiệm điện thêm 10%.

Ngoài ra, để tiết kiệm điện tối đa, mức nhiệt độ tốt nhất để điều hòa trong phòng là từ 26 đến 28 độ C. Việc nhiều gia đình để nhiệt độ dưới 25 độ C không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe.

Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp. Việc dùng quạt kết hợp điều hòa ở mức 28 độ C sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 đến 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn. Bên cạnh đó, việc không thường xuyên vệ sinh điều hòa cũng là nguyên nhân gây lãng phí điện năng. Việc thường xuyên bảo dưỡng định kỳ điều hòa khoảng 6 tháng/lần giúp tiết kiệm được đến 7% điện năng tiêu thụ đồng thời giúp tăng tuổi thọ sử dụng của sản phẩm.

“Điều hòa sau thời gian dài sử dụng, cả giàn nóng và giàn lạnh đều có các lá tản nhiệt bị mềm, trong khi gas lạnh có thể bị hao hụt, dầu máy bị bẩn cũng như các chi tiết cơ khí bị mài mòn. Hiệu quả làm lạnh có thể bị giảm tới 10 đến 15%”, đại diện EVN Hà Nội cho hay.

Ngoài ra để tiết kiệm điện, cũng không nên bật tắt điều hòa nhiều lần. Cách này khiến tiêu thụ điện năng nhiều hơn do điều hòa phải khởi động nhiều và làm cho điều hòa nhanh hỏng hơn.

Không chỉ sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, để tiết kiệm điện, theo các chuyên gia của EVNHANOI, với bình đun nước siêu tốc, không để lại nước quá lâu bên trong bình khiến bình dễ bị bám cặn, đậy kín nắp bình khi đun và đun lượng nước đúng quy định.

Đối với máy giặt, không nên cho quá nhiều quần áo vào máy giặt, không đặt các vật nặng lên trên máy giặt khi đang hoạt động và nên sử dụng bột giặt, nước xả dành riêng cho máy giặt và lấy quần áo ra khỏi máy ngay sau khi đã giặt xong.

Việc không sử dụng chế độ nước nóng nếu không thật sự cần thiết và vệ sinh máy giặt thường xuyên để tăng tuổi thọ, tắt điện ngay sau khi không sử dụng, sẽ giúp tiết kiệm được kha khá tiền điện mỗi tháng.

Đối với tủ lạnh, để tiết kiệm tiền điện mỗi tháng, trước tiên cần tính nhu cầu sử dụng của gia đình. Ví dụ, nhà 4 người có thể chọn tủ có dung tích từ 160 – 200 lít. Việc để tủ lạnh tại các vị trí thoáng mát, không đặt sát tường (khoảng cách ở cả 3 phía với tường không nên dưới 5-10 cm), tránh xa nguồn nhiệt như bếp, lò sưởi, nơi có nhiều ánh sáng mạnh sẽ giúp người dùng tiết kiệm kha khá ‘hầu bao’ mỗi tháng.

Ngoài ra, nếu tủ lạnh không có nhiều đồ chứa thì chỉ nên để tủ ở chế độ làm lạnh bình thường hoặc thấp. Việc xếp các loại thực phẩm trong tủ một cách gọn gàng, có khe hở để khí lạnh lưu thông, không đặt thức ăn nóng vào tủ, dùng đồ kim loại đựng thực phẩm thay hộp nhựa, thường xuyên vệ sinh làm sạch phía sau tủ ...là những chiêu giúp tủ lạnh rút ngắn thời gian làm lạnh và ít tiêu hao điện năng hơn.

Nhà đèn lộ chiêu tiết kiệm điện mùa nắng nóng ảnh 1

Giao diện Website: uoctinhdiennang.evn.com.vn

Cũng nhằm giúp khách hàng sử dụng điện có thể chủ động quản lý lượng điện năng tiêu thụ của các thiết bị điện trong gia đình. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây chính thức triển khai công cụ ước tính sản lượng điện tiêu thụ trong sinh hoạt cho tất cả các khách hàng sử dụng điện năng trên toàn quốc tại trang web: https://uoctinhdiennang.evn.com.vn

Công cụ được xây dựng với giao diện đơn giản, thân thiện phù hợp với các thiết bị phổ thông như điện thoại di động thông minh, máy tính để khách hàng dễ hiểu, dễ tính toán, dễ dàng sử dụng.

Từ những dữ liệu ước tính do công cụ cung cấp, khách hàng sử dụng điện có thể biết được cơ bản những thiết bị điện trong gia đình tiêu thụ 1 tháng bao nhiêu số điện (kWh). Qua đó, khách hàng có thể điều chỉnh thói quen, hành vi sử dụng điện của mình để việc sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm, đặc biệt vào những thời điểm xảy ra thời tiết nắng nóng cực đoan.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.