Ả-rập Xê-út có thể ‘mặc cả’ nhiều cho việc làm bạn với Israel

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chỉ vài tuần trước khi Hamas tấn công vào Israel ngày 7/10 năm ngoái, Ả-rập Xê-út đang tiến gần thời điểm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel. Sau 3 tháng xung đột khiến hơn 23.000 người Palestine thiệt mạng, Riyadh đánh tín hiệu rằng việc công nhận Israel vẫn có thể được cân nhắc.
Ả-rập Xê-út có thể ‘mặc cả’ nhiều cho việc làm bạn với Israel ảnh 1

Người dân Palestine sống trong lều tạm ở Dải Gaza ngày 1/1. (Ảnh: AP)

Trong chuyến công du con thoi khắp Trung Đông tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết tiến trình đàm phán bình thường hóa tiếp tục diễn ra.

“Liên quan đến việc bình thường hóa, chúng tôi thực sự đã bàn điều đó ở mọi điểm dừng chân, tất nhiên bao gồm cả Ả-rập Xê-út”, ông Blinken nói với các phóng viên tại Ả-rập Xê-út trước khi đến Israel.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC ngày 16/1, Đại sứ Ả-rập Xê-út tại Vương quốc Anh khẳng định vẫn “hoàn toàn có sự quan tâm” đến việc bình thường hóa quan hệ với Israel. “Đã có sự quan tâm từ năm 1982”, Hoàng tử Khalid bin Bandar cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cái giá mà Ả-rập Xê-út đưa ra cho việc bình thường hóa quan hệ hiện nay sẽ cao hơn so với trước khi xung đột nổ ra ở Dải Gaza, vì Riyadh có thể sẽ đòi Mỹ và Israel nhượng bộ nhiều hơn.

“Chính phủ Ả-rập vẫn để ngỏ khả năng bình thường hóa, với điều kiện Israel phải có những bước đi cụ thể trên thực tế để tạo cơ sở thực hiện giải pháp hai nhà nước”, ông Ali Shihabi, nhà phân tích người Ả-rập Xê-út, nói với CNN.

“Ví dụ như việc chấm dứt hoàn toàn phong tỏa Dải Gaza, trao quyền đầy đủ cho PA (Chính quyền Palestine) ở Dải Gaza và Bờ Tây, rút quân khỏi các vùng quan trọng ở Bờ Tây”, ông Shihabi nói.

Theo nhà nghiên cứu này, các bước đi “phải cụ thể, không phải những lời hứa trống rỗng mà Israel có thể quên đi sau khi bình thường hóa, giống như họ đã làm với các quốc gia khác đã bình thường hóa (với Israel)”.

Dù không kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza, ông Blinken nói rằng việc Israel hội nhập với Trung Đông sẽ đòi hỏi chấm dứt xung đột ở Dải Gaza, mở ra “con đường thực tế” tiến tới thành lập nhà nước Palestine.

Người Palestine mong muốn thành lập một nhà nước độc lập ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza. Hầu hết quốc gia Ả-rập từ chối công nhận Israel cho đến khi một nhà nước như vậy được thành lập.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức Israel khác nhiều lần gạt triển vọng thành lập nhà nước Palestine. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Chính phủ Israel “không muốn giải pháp hai nhà nước”.

Năm 2020, bốn quốc gia Ả-rập gồm UAE, Bahrain, Ma-rốc và Sudan, công nhận Israel theo một loạt thỏa thuận gọi chung là Hiệp ước Abraham, bỏ qua đòi hỏi của thế giới Ả-rập suốt nhiều năm về nhà nước Palestine.

Từ đó, chính quyền Tổng thống Biden nỗ lực dàn xếp để Ả-rập Xê-út, quốc gia thường được coi là lãnh đạo của thế giới Hồi giáo, thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, để những quốc gia Hồi giáo khác cũng công nhận nước này.

Theo các nhà phân tích, Ả-rập Xê-út không có gì phải vội, mà họ có thể đợi đến thời điểm phù hợp để bắt tay Israel.

Bình thường hóa quan hệ giữa Ả-rập Xê-út với Israel là một trong những mục tiêu của chính sách đối ngoại Mỹ thời ông Biden. Trong 2 năm qua, Tổng thống Biden đã gạt những mâu thuẫn cá nhân với Thái tử Ả-rập Xê-út sang một bên khi Riyadh thể hiện sẵn sàng bình thường hóa với Israel.

Đối với chính quyền Tổng thống Biden, dàn xếp thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và Ả-rập Xê-út sẽ trở thành chiến thắng lớn về đối ngoại trước thềm cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay.

“Các đoàn quốc hội, bao gồm cả nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa, thăm Vương quốc thường xuyên, và quan hệ với chính quyền Biden đã khởi sắc sau thời gian đầu trắc trở”, Firas Maksad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Trung Đông ở Washington, DC, cho biết.

Tuy nhiên, Riyadh không muốn tiến tới thỏa thuận nào với nội các bị nhận xét là nghiêng về cánh hữu hiện nay của Israel.

Đã có những căng thẳng giữa Israel với UAE – quốc gia Ả-rập tham gia Hiệp định Abraham. Tháng 12 vừa qua, quốc gia Vùng Vịnh này trình dự thảo nghị quyết chỉ trích Israel, trong thời gian UAE đang làm chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cuối cùng, nghị quyết với ngôn từ giảm tông đã được thông qua.

Abu Dhabi đang thúc đẩy việc chấm dứt chiến tranh và trở lại giải pháp hai nhà nước để tiến tới hòa bình. Cuộc xung đột ở Dải Gaza “là thời điểm mang tính bước ngoặt” đối với UAE, Đại sứ UAE tại LHQ Lana Nusseibeh nói với Wall Street Journal gần đây.

Theo CNN
MỚI - NÓNG