Ả-rập Xê-út rơi vào thế khó vì Hamas

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hy vọng sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống lần thứ nhất của mình bằng thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel với quốc gia Ả-rập hùng mạnh nhất. Nhưng hy vọng đó giờ đây có vẻ khó xảy ra.
Ả-rập Xê-út rơi vào thế khó vì Hamas ảnh 1

Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: Reuters)

Vũ điệu ngoại giao giữa Israel và Ả-rập Xê-út mà Washington dàn xếp gần như đã lên đỉnh điểm với việc hai bên trao đổi đại sứ trước khi Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm sau. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công chớp nhoáng của Hamas vào Israel khiến khoảng 1.200 người Israel chết và hàng trăm người bị bắt làm con tin, thoả thuận giữa Israel với Ả-rập Xê-út cũng bị đe dọa.

Hamas chắc chắn mong muốn rằng những cuộc biểu tình trên khắp thế giới Ả-rập sẽ buộc chính phủ các nước Ả-rập phải xem xét lại quyết định gần đây của họ về bình thường hóa quan hệ với Israel.

Biểu tình ủng hộ Hamas đã diễn ra ở Bahrain, Yemen, Li-băng, Syria và Jordan. Khi thương vong gia tăng ở Dải Gaza, làn sóng biểu tình này có thể sẽ lan rộng khắp thế giới Ả-rập.

Hàng trăm ngàn người dân Palestine ở Dải Gaza đã phải tìm nơi trú ẩn tại các trường học do Liên Hợp Quốc điều hành và hàng nghìn người khác sẽ trở thành dân tị nạn trong những ngày tới, khi Israel trả đũa và săn lùng các thủ lĩnh Hamas.

Khi quân đội Israel không kích Dải Gaza và có thể triển khai chiến dịch tấn công toàn diện vào dải đất này, những chính phủ Ả-rập gần đây bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv giờ sẽ phải tìm cách kiềm chế áp lực từ “đường phố Ả-rập”, khi những người biểu tình tập trung để đòi chính phủ của họ lên án Israel và cắt đứt quan hệ với nhà nước Do Thái.

Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ma-rốc đều đã mở cơ quan đại diện ngoại giao ở Israel từ khi Hiệp định Abraham được ký kết năm 2020. Đến nay, những chính phủ này vẫn chưa quyết định nên phản ứng như thế nào với những sự kiện đang diễn ra nhanh chóng ở Dải Gaza. Không ai trong số họ ủng hộ Hamas và hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan của tổ chức này, một hệ tư tưởng đòi hỏi phải thay thế Israel bằng một nhà nước Hồi giáo chính thống trải dài từ sông Jordan đến Địa Trung Hải. Nhưng nếu tình cảm chống Israel nổi lên trên toàn thế giới Ả-rập, họ có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao của mình ở Israel.

Ngay sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10, hàng nghìn người Ả-rập đã công khai ăn mừng điều mà họ gọi là thành tích “anh hùng” của Hamas khi tấn công Israel và giết chết người Do Thái. Và Hamas chỉ là một trong số những lực lượng được Iran hẫu thuẫn phản đối quyết liệt bất kỳ hình thức bình thường hóa nào giữa Israel và các quốc gia Ả-rập.

Lực lượng Thánh chiến Hồi giáo, cũng đặt trụ sở tại Dải Gaza, là nhóm chiến binh Palestine lớn thứ hai sau Hamas. Lực lượng Hezbollah ở Li-băng đã nghe ý kiến của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Tổng thống Raisi khẳng định “Iran ủng hộ hành động tự vệ hợp pháp của quốc gia Palestine”. Sau đó, ông tiếp tục kêu gọi các chính phủ Hồi giáo “ủng hộ cuộc kháng chiến của người Palestine”.

Thế khó của Riyadh

Giữa cuộc khủng hoảng diễn ra, Ả-rập Xê-út phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Cho đến gần đây, quốc gia này vẫn thực hiện việc trấn áp các thủ lĩnh Hamas ở Ả-rập Xê-út, khiến nhiều thành viên bị bắt và kết án tù dài hạn. Năm 2019, chính quyền Ả-rập Xê-út bắt giữ Mohammed al-Khudari, 81 tuổi, đại diện hàng đầu của Hamas tại nước này, kết án ông 15 năm tù vì ủng hộ Hamas. Con trai ông, Hani al-Khudari, bị kết án 3 năm tù. Theo Hamas, hai người nằm trong số 60 người ủng hộ Hamas bị Ả-rập Xê-út bắt.

Nhưng gần đây, Ả-rập Xê-út thay đổi, áp dụng chính sách mềm mỏng hơn với Hamas. Gia đình ông Khudari và những người khác đã được tha tù, còn các nhà lãnh đạo Hamas hoạt động ở Qatar và Li-băng được phép tham gia lễ hành hương Haj hằng năm của người Hồi giáo đến thánh địa Mecca.

Đằng sau những cử chỉ này là hy vọng của Ả-rập Xê-út rằng Hamas sẽ giảm bớt chỉ trích việc Riyadh nối lại quan hệ với Tel Aviv. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi sau cuộc tấn công ngày 7/10, tạo nên cú sốc chính trị địa chấn tác động khắp khu vực.

Mọi giả định trước đây về cơ hội hòa bình giờ đều bị xóa bỏ. Cuộc tấn công của Hamas trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi. Và quan trọng hơn, người Israel giờ chắc chắn không có tâm trạng đàm phán hòa bình với các nước Ả-rập, mà điều họ muốn nhất hiện nay là trả thù.

Nếu Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman chọn cách phớt lờ tình cảm ủng hộ Hamas và tiếp tục theo đuổi hy vọng bình thường hóa quan hệ với Israel, ông sẽ phải đối mặt với chỉ trích từ quần chúng Ả-rập. Họ có thể sẽ coi ông là “kẻ phản bội” lớn nhất của người Ả-rập và Hồi giáo, những người không công nhận quyền tồn tại của Israel.

Nếu Thái tử Mohammed bin Salman từ bỏ quá trình bình thường hóa với Israel, ông có thể đánh mất nhiều ưu ái của Mỹ, bao gồm một hiệp ước phòng thủ chung và cơ sở hạ tầng hạt nhân dân sự như Iran đang có.

Cuối tháng 9 vừa qua, Thái tử bin Salman phát biểu: “Chúng tôi lo ngại bất kỳ quốc gia nào cũng có vũ khí hạt nhân. Và nếu Iran phát triển vũ khí, chúng tôi cũng sẽ phải có”.

Ngày 21/10, Hoàng tử Ả-rập Xê-út Turki Al Faisal, cựu giám đốc tình báo của nước này, lên tiếng chỉ trích cả Hamas và Israel. Ông nói rằng "không có anh hùng trong cuộc xung đột này, chỉ có nạn nhân". Ông nhắc đến Ấn Độ như một ví dụ của nỗ lực giành độc lập và chống lại sự chiếm đóng bằng phong trào bất tuân dân sự, Reuters đưa tin.

Ông chỉ trích Hamas vì đã tạo ra một cái cớ để Israel “thanh lọc sắc tộc với công dân Dải Gaza và đưa họ vào quên lãng”.

Hoàng tử Ả-rập Xê-út cũng chỉ trích Hamas vì đã phá hoại nỗ lực của Ả-rập Xê-út nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho vấn đề Palestine.

Theo Politico, Reuters
MỚI - NÓNG