Lập nghiệp sau vết trượt dài
Phạm Văn Hiếu (22 tuổi) là con trai út trong gia đình có 8 anh, chị em trú tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk. Hiếu được cha, mẹ cưng chiều, để rồi khi mới học đến lớp 6, cậu đã tham gia đàn đúm bạn bè ham chơi, quậy phá, đá gà ăn tiền… Hiếu bỏ học khi mới hết lớp 6.
Thấy con trượt dài khi tuổi đời còn rất nhỏ, bố mẹ, anh, chị Hiếu ra sức khuyên bảo, nhưng cậu đều bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ, tối ngày bên sới gà và những cuộc chơi kéo dài không hồi nghỉ.
“Lúc ấy, tôi chỉ biết có đá gà. Hễ có bạn gọi đi là tôi lại biệt tích rồi trở về trong tâm trạng chán nản vì thua độ. Tối đến lại tụ tập bạn bè quậy phá, gây gổ đánh nhau làm cha mẹ, hàng xóm buồn phiền, khó chịu ra mặt. Thời điểm ấy, bố, mẹ coi như không có tôi ở trong gia đình vì bảo hết nổi nữa, đành buông…” – Hiếu trải lòng.
Sau một thời gian chìm đắm trong những cuộc chơi vô bổ, Hiếu thấm được những lời khuyên nhủ của người thân thì đã muộn. Cậu muốn quay lại trường tiếp tục học, nhưng do nghỉ học quá lâu kiến thức đã bị hổng, lại thêm mang tiếng xấu nên Hiếu quyết định ngừng học chữ đi theo con đường học nghề.
Hiếu cho biết: “Mới nghỉ học được 2 tháng, đi chơi thấy thích, nhưng khi nhìn bố mẹ ngày đêm sụt sùi, than phiền, tôi muốn quay lại học. Nhưng sách vở đã mất sạch, kiến thức bị hổng, cô giáo bảo tôi phải học lại lớp 6. Tôi sợ những cái nhìn dè bỉu của bạn bè, mặc cảm bản thân nên quyết định nghỉ và được giới thiệu lên phố học nghề sửa chữa điện cơ”.
Thất bại đầu đời đã cho Hiếu thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, cậu đến với việc học nghề sửa chữa điện cơ rất hào hứng say mê. Hiếu tiếp thu rất nhanh, chỉ hơn một năm đã sửa chữa thành thạo các loại điện máy. Tuy nhiên, để chắc tay hơn nữa, cậu đã xin ở lại làm thêm một năm nữa tại nơi mình học nghề để “trả ơn thầy” rồi ra mở tiệm riêng, thuê một căn nhà mặt đường liên xã nhận sửa chữa máy bơm nước, tủ lạnh, máy giặt…
Mới mở tiệm, Hiếu đối diện với muôn vàn khó khăn, nhiều người không tin vào khả năng của chàng trai 16 tuổi, nhưng dần dần tiếng lành đồn xa, khách từ khắp nơi trong huyện đem đủ loại máy hỏng đến nhờ Hiếu sửa.
Mùa khô, số máy bơm nước tưới cà phê cần bảo dưỡng xếp hàng chờ, Hiếu phải thuê thêm 2 nhân công mà nhiều hôm vẫn làm không kịp, cửa hàng tấp nập khách đứng ngồi chờ đợi.
Ngoài ra, Hiếu còn nhận lại phần lắp điện từ hai nhà thầu xây dựng cho các công trình nhà ở, mỗi năm lắp được cho hơn 10 căn nhà. Trừ chi phí mỗi năm tiệm thu được hơn 100 triệu đồng.
Làm giàu rất khó
Sau khi đã có nguồn vốn từ việc sửa chữa điện cơ và lắp điện dân dụng, Hiếu đã lấn sân sang nuôi ong. Để tiếp cận với nghề mới, Hiếu tranh thủ tìm hiểu phương pháp nuôi ong mật qua sách, ti vi, từ kinh nghiệm của những người đi trước. Đầu tư phát triển dần dần, đến nay Hiếu đã có hơn 200 đàn ong mật.
Tuy nhiên, dù đã nghiên cứu rất kỹ quy trình nuôi ong, nhưng Hiếu không tránh khỏi những trục trặc phát sinh trong nghề. Lo sợ ong ăn phải thuốc trừ sâu tại những vườn cà phê do người dân phun, cậu đưa đàn ong của mình lên vườn điều của người quen ở tỉnh Bình Phước để tránh. Không ngờ vào thời điểm cậu đưa ong của mình lên Bình Phước cũng là lúc người dân nơi đây bắt đầu phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho vụ điều mới.
Đàn ong của Hiếu bị nhiễm thuốc, cậu không kịp trở tay, kế hoạch nuôi ong ngay phút đầu đã bị dội “gáo nước lạnh”, cậu bị lỗ 100 triệu. Thất bại không làm Hiếu nản lòng, cậu đã đưa đàn ong về lại nhà mình và quyết tâm gầy dựng lại đến nay đã cho những “quả ngọt” đầu tiên. Cả đàn mỗi năm thu trên 6.000 lít mật, trừ chi phí còn thu lời từ mật ong và phấn hoa trên 200 triệu đồng/năm.
Những thất bại không làm Hiếu nản lòng.
Cuối năm 2013, nhận thấy tiềm năng nông nghiệp tại địa phương còn rất lớn, Hiếu tiếp tục đầu tư gần 100 triệu đồng mua 5 con bò giống về nhờ bố mẹ tận dụng những vùng đất ẩm giáp bờ suối, bờ ao để trồng cỏ, nuôi bò vừa tăng thêm thu nhập, vừa lấy phân bón cà phê.
Đến nay, đàn bò của cậu bé 9X sắp được nhân lên, bởi có 2 chú bò sắp đẻ. Để nuốt trọn khối lượng công việc, vào thời điểm mùa vụ, cậu phải thuê thêm người sửa điện cơ, thu mật ong, còn lại đều do một tay cậu quán xuyến.
Hiếu dự định, khi mọi việc dần đi vào ổn định sẽ tiếp tục đầu mua thêm bò và lấn sang việc nuôi, trồng một số vật nuôi, cây trồng khác. Theo Hiếu nhẩm tính, lợi nhuận từ việc sửa, mắc điện, nuôi ong, nuôi bò mỗi năm cho thu nhập lên tới nửa tỷ đồng.
Hiếu tâm sự: “Tôi đã đánh mất cơ hội học chữ - con đường ngắn nhất để tới thành công, nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, tôi còn trẻ làm việc để được trải nghiệm và chiến thắng chính quá khứ của mình. Những thất bại đầu đời cho tôi thêm trân trọng giá trị của cuộc sống này, tôi cần học hỏi nhiều hơn nữa”.
Ông Nguyễn Sơn - Trưởng thôn Tiến Cường cho biết: “Hiếu tuy nghỉ học từ rất sớm, có thời điểm ham chơi, làm bố mẹ, hàng xóm phiền lòng. Sau vấp ngã, Hiếu đã chịu khó phấn đấu, dám nghĩ, dám làm để có được thành quả như ngày hôm nay, cậu ấy như một tấm gương đặc biệt trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, đáng được khen ngợi”.