Dân Hà Nội trồng phật thủ: Người thu tiền tỷ, kẻ đổ nợ

Nếu trồng sai kỹ thuật, quả phật thủ nguy cơ không phát triển, thậm chí cây bị chết. Ảnh: Ngọc Lan
Nếu trồng sai kỹ thuật, quả phật thủ nguy cơ không phát triển, thậm chí cây bị chết. Ảnh: Ngọc Lan
Cây phật thủ cho nhiều lứa quả, dễ bán nhưng giống đắt, kỹ thuật trồng khó, thời gian thu hoạch dài nên nhiều chủ vườn có mùa kiếm tiền tỷ nhưng cũng có người đổ nợ.

Theo anh Thắng, một trong những nhà vườn ở Hoài Đức, Hà Nội, thì không phải ai cũng trồng được phật thủ. "Muốn trồng loại cây này, đòi hỏi chủ vườn phải có tiền và có máu liều", anh Thắng cho biết.

Tại Đắc Sở, Hoài Đức có rất nhiều nhà vườn trồng thành công loại cây này, cho thu nhập tiền trăm, tiền tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, cũng có những người mất trắng, thậm chí phải bán đất, bán nhà vì trồng phật thủ.

Dân Hà Nội trồng phật thủ: Người thu tiền tỷ, kẻ đổ nợ ảnh 1

Trồng phật thủ thu tiền tỷ nhưng cũng dễ gặp rủi ro. Ảnh; Ngọc Lan.

Anh Thắng, một trong những người mới trồng phật thủ được 2 vụ cho biết, anh đã ấp ủ trồng loại cây này từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, chứng kiến không ít cảnh trồng thua lỗ, thất thu khiến anh lo lắng. Sau khi học hỏi được nhiều kỹ thuật trồng và chuẩn bị một nguồn vốn dồi dào, anh mới bắt tay vào trồng.

Hiện anh Thắng trồng 2 ha phật thủ tại một ruộng thuê ở Đắc Sở. Theo tính toán của anh, riêng tiền thuê đất 5 triệu đồng/sào, mua giống dao động 150.000 đồng/cây, tiền lập giàn, tiền thuốc sâu, phân, công chăm sóc, tổng chi phí cũng lên đến 700 triệu đồng.

"Trồng phật thủ như ván bài lật ngửa, dễ thắng nhưng cũng dễ thua. Thắng là khi cây con không chết, ít sâu bệnh, quả ra sai và chín vào đúng vụ. Mỗi quả phật thủ thường ngày có giá 30.000 - 50.000 đồng, nếu vào đúng vụ lễ Tết, giá dao động 150.000 - 200.000 đồng/quả. Loại to đẹp, đặc biệt giá lên đến 1 – 2 triệu/quả là chuyện thường", anh chia sẻ.

Dân Hà Nội trồng phật thủ: Người thu tiền tỷ, kẻ đổ nợ ảnh 2 Quả phật thủ đáng tiền triệu của một số nhà vườn ở Đắc Sở, Hoài Đức. Ảnh: Ngọc Lan.
Bắt đầu từ khi trồng đến khi cho thu hoạch khoảng 1,5 năm. Cứ 2,5 tháng là ra hoa một lần, 6 tháng sau bắt đầu cho quả thu hoạch. Phật thủ khác với các giống cây khác, chúng có thể vừa ra hoa, vừa thành hình trái và nuôi chín quả trong cùng một lúc. Nếu trồng có kỹ thuật, cây sẽ cho thu 4 - 6 lần trong năm. Trung bình một cây phật thủ cho khoảng 30 – 50 quả, bán giá đúng vụ 150.000 - 200.000 đồng/quả, cho thu lời được 4,5 - 10 triệu đồng/năm.   

Phật thủ không nhạy cảm với thời tiết. Dù mưa nhiều, nắng nhiều cây đều sinh trưởng và phát triển không tốt. Tuy nhiên, là loài cây ưa gió, trời râm nên trước khi trồng, các chủ vườn cũng phải tính toán kỹ, theo dõi sát sao thời tiết. Ngoài ra, kỹ thuật trồng cực kỳ khó, giống lại rất đắt đỏ nên hầu như ngày nào cũng phải có mặt ở vườn để chăm chút.

Với diện tích hiện tại, anh Thắng đang sở hữu 300 gốc phật thủ phát triển bình thường, dự kiến nếu thời tiết thuận lợi, Tết này anh sẽ có thu đến tiền tỷ. Song anh không lạc quan. “Trồng phật thủ có thể xây được nhà cũng có thể bán nhà”, anh Thắng nói.

Ông Nguyễn, một nhà vườn tại Hoài Đức, Hà Nội đã từng 3 vụ trồng phật thủ, cho biết những năm đầu trồng thua lỗ, vợ chồng ông tưởng phải bán nhà để trả nợ.

Năm 2011, thấy nhiều người trồng phật thủ thu tiền tỷ nên 2 vợ chồng bàn nhau thế chấp sổ đỏ đi vay ngân hàng làm vốn. Do nóng vội, kinh nghiệm trồng chưa có nên mới trồng được 7 tháng ông đã ép cây cho ra hoa. Năm ấy mưa nhiều, cây úng nước chết 1/3 vườn, số còn lại chậm sinh trưởng và cho ít quả. Do chăm không đúng kỹ thuật nên quả bé, xấu và chín trước vụ. Nhiều quả phải bán buôn để làm thuốc với giá 12.000 đồng/kg. Khi ấy, không những không thu hồi vốn mà ông Nguyễn còn bị hụt mất mấy trăm triệu đồng. "Số nợ ngày càng chồng chất, hai vợ chồng tôi tưởng chừng phải bán nhà đi trả nợ", ông Nguyễn kể lại.

Dân Hà Nội trồng phật thủ: Người thu tiền tỷ, kẻ đổ nợ ảnh 3 Các nhà vườn trồng phật thủ rất vất vả để theo dõi sự phát triển của cây. Ảnh: Ngọc Lan.
Theo ông Nguyễn, đất trồng phật thủ chỉ duy trì tối đa được 5 - 6 năm là bị đắng, người trồng phải chuyển sang vùng đất khác. Sau khi cải tạo bằng việc trồng đậu khoảng 5 năm mới có thể quay lại trồng. Cũng theo đó, hầu hết đất trồng phật thủ là đất đi thuê. Theo tính toán của ông Nguyễn, tổng chi phí thuê đất, giống, phân lân, thuốc, lập giàn một cây phật thủ mất khoảng 3 - 4 triệu đồng/năm.

"Người trồng phật thủ thua thì thua đậm, thắng có khi mua được cả biệt thự nên nhiều người vẫn đánh liều đi vay ngân hàng về làm. Riêng kinh nghiệm của cá nhân tôi nhận thấy, các nhà vườn chưa có sẵn vốn thì không nên mạo hiểm", ông Nguyễn chia sẻ.

Còn theo ông Tra, một chủ vườn trồng phật thủ ở Hoài Đức, trồng phật thủ cũng như ván bài lật ngửa. Trời cho, thời tiết đẹp thì có thể thu về tiền tỷ, nhưng cứ mưa nhiều, nắng to thất thường thì chỉ có nước bán nhà. Ông cho biết, có năm chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết âm lịch, vườn phật thủ đang rất đẹp, hi vọng thắng lớn. Không ai ngờ, trời bắt đầu nắng to, rồi mưa lạnh đột ngột. Quả rụng nhiều, gốc bị ngập úng, vỏ quả xấu nên phải bán theo cân làm thuốc.

"Người trồng phải biết cách chống chế thời tiết, sâu bệnh, vụ mùa bên cạnh những kỹ thuật tạo hình quả mới tạo nên giá trị của vườn cây. Ngoài ra, các điều chỉnh tiện cây, vít cành, phương pháp chắn sáng phải cực kỳ khéo léo, phải tính theo ngày, giờ thì mới cho ra những quả có giá tiền triệu", ông Tra chia sẻ.

Theo Ngọc Lan

Theo Zing
MỚI - NÓNG