Vườn phật thủ tiền tỷ của cô gái trẻ xứ Thanh

Nữ Phó Bí thư Đoàn Phạm Thị Xuyến bên vườn phật thủ trĩu quả.
Nữ Phó Bí thư Đoàn Phạm Thị Xuyến bên vườn phật thủ trĩu quả.
Đứng trước vườn cây phật thủ trĩu quả như những bàn tay đức Phật, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và bất ngờ khi biết chủ nhân của nó là một cô gái trẻ.

Được sự giới thiệu của Bí thư Huyện đoàn Lang Chánh (Thanh Hóa) Lê Thị Kiêu, chúng tôi tìm về bản Mốc, xã Đồng Lương, huyện miền núi Lang Chánh thăm vườn cây phật thủ của Phạm Thị Xuyến - Phó Bí thư Đoàn, kiêm Chủ tịch hội Liên hiệp Thanh niên xã Đồng Lương. Xuyến năm nay mới 26 tuổi, vườn phật thủ mà Xuyến gây dựng được coi là “độc nhất vô nhị” ở xứ Thanh này.

Rời trường Đoàn về làng dựng cơ nghiệp…

 

Nhà có 3 chị em, Xuyến là chị cả. Từ nhỏ, Xuyến đã sớm thấu hiểu cảnh vất vả, cơ cực của cha mẹ và bà con nên trong đầu lúc nào cũng có những trăn trở, thôi thúc làm sao “hóa giải” được cái nghèo, mà từ lâu nó đã như “bạn đồng hành” với vùng đất miền Tây xứ Thanh này.

Tốt nghiệp cấp 3, Xuyến chọn cho mình một nơi chuyên đào tạo cán bộ làm công tác chính trị, xã hội - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Đoàn, thay vì xin vào làm công tác đoàn ở tỉnh, thành phố, Phạm Thị Xuyến quyết định khăn gói về quê làm… nông dân trong sự ngỡ ngàng của bố mẹ và bà con trong bản.

Chỉ vườn cây phật thủ, Xuyến bảo: “Em bén duyên với cây phật thủ này cũng là tình cờ và làm liều thôi. Thật lòng mà nói, em cũng không nghĩ rằng mình lại có thể thành công ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên với loại cây khó làm này”. Cả một khu vườn rộng gần 4ha đang được cô gái trẻ này quy hoạch lại để phát triển mô hình trang trại. Xuyến cho biết tước đây, cả khu đất này được bao phủ bởi mía, sắn - 2 loại cây không đem lại thu nhập cao dù người trồng vất vả.

Ngày đầu, khi nói với bố mẹ muốn vay vốn để đầu tư trồng phật thủ, Xuyến đã chịu khá nhiều áp lực, bởi ở vùng đất nghèo khó này chưa có ai dám đưa cây phật thủ về trồng. “Lúc bấy giờ, cả nhà em bàn ra tán vào, mọi người trong bản cũng tỏ ý không tin tưởng một người con gái chân yếu tay mềm, lại vừa mới ra trường như em có thể làm được việc này. Ngoài chút vốn ít ỏi của gia đình, em chạy vạy khắp nơi vay thêm bạn bè được một số tiền đủ đầu tư trồng 4 sào phật thủ và đưa chim trĩ, gà ri vào nuôi thử nghiệm”, Xuyến nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp.

Không có việc gì khó…

Xuyến bảo, hàng ngày, tận mắt chứng kiến cảnh các bạn thanh niên trong bản đua nhau lên thành phố, vào miền Nam tìm đường mưu sinh… em không đành lòng. "Với một xã miền núi nghèo như Đồng Lương, đất rộng, có tiềm năng phát triển kinh tế, sao không tận dụng những lợi thế sẵn có để làm giàu ngay trên chính quê hương mình. Em nghĩ vậy nên quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình”, cô chia sẻ.

Với suy nghĩ ấy, ngoài thời gian hoạt động công tác đoàn - hội, những lúc rảnh rỗi, Xuyến lên mạng Internet tìm hiểu các loại cây, con vừa có giá trị kinh tế cao, vừa phù hợp với thổ nhưỡng của quê hương. Qua sách, báo, tivi, hễ nghe nói nơi nào có mô hình phù hợp, Xuyến lại tìm đến để học tập.

Rồi đầu năm 2012, cây phật thủ đã bén duyên với cô gái trẻ xứ Thanh này. Khi Xuyến đưa cây phật thủ về trồng vào đúng thời điểm khô hạn, việc tìm ngồn nước tưới cây vô cùng vất vả. Để có nước tưới cho cây, hai chị em Xuyến phải đi xa hàng cây số gánh nước về nhiều hôm, tới nửa đêm mới tưới hết lượt cho vườn cây. Cứ như vậy, suốt một quãng thời gian dài, Xuyến gồng mình lên, miệt mài chăm bẵm vườn cây phật thủ của mình mà không chút nao núng.

Trời không phụ công người, ngay từ vụ đầu tiên, vườn phật thủ của Xuyến đã chi chít quả. Nhìn quả phật thủ xòe rộng như bàn tay Phật, lúc ấy Xuyến mới tin rằng những nhọc nhằn của mình cũng đã có kết quả. Từ khi phật thủ bắt đầu đơm hoa, kết trái, Xuyến đã dành thời gian tìm thị trường cho sản phẩm của mình. Cô tâm sự: “Vào thời điểm này, dù không phải là chính vụ thu hoạch phật thủ, nhưng nếu biết cách chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật thì lúc nào cũng có quả. Đặc biệt, loại quả này có thể bán được quanh năm, chứ không riêng dịp tết. Từ khi cây cho thu hoạch quả đến nay, em chưa bao giờ có đủ hàng để bán, kể cả quả xấu, quả chẹt… cũng bán được với giá 12.000 đồng/kg, để làm thuốc Nam”.

Sau gần 2 năm gây dựng, vườn cây phật thủ của Xuyến có 330 gốc, mỗi gốc thường cho 30 - 40 quả. Đặc biệt, nhiều gốc cho số lượng quả lên tới 160 - 180 quả. Giá bán dao động từ 40.000 đến 50.000 đồng/quả vào những ngày thường và 300.000 - 400.000 đồng/quả vào dịp tết. “Thị trường của loại quả này rộng lớn lắm. Đặc biệt, với xu thế hiện nay, đời sống người dân ngày càng cao, nên việc thờ cúng gia tiên được chú trọng hơn. Vả lại, loại cây này không phù hợp với khí hậu miền Nam, đây cũng là cơ hội cho người trồng phật thủ”, cô chủ vườn phật thủ tiết lộ.

Theo Xuyến, để có đầu ra ổn định, ngoài nguồn hàng cung cấp cho TP.Thanh Hóa, các huyện trong tỉnh, Xuyến cũng đã đấu mối với một số thương lái ở Hà Nội. Gần đây, một số đại lý ở Hà Nội cũng gọi điện vào đề nghị cung cấp cho họ. Năm ngoái, sau khi thu hoạch, trừ chi phí, Xuyến cũng thu về hơn 200 triệu đồng.

Không giữ riêng “bản quyền” trồng phật thủ cho mình, Xuyến đã chuyển giao kỹ thuật và hơn 1.000 gốc phật thủ cho các đoàn viên thanh niên trong xã và một số huyện lân cận trồng thử. Khi được hỏi suy nghĩ về hiện tượng thanh niên học hết 12 là đi hết, có nơi còn “trắng” cả đoàn viên, Xuyến bảo: “Em chỉ nghĩ đơn giản, nếu có quyết tâm, thì những thanh niên nông thôn như chúng em hoàn toàn có thể làm giàu từ nông nghiệp, từ những lợi thế có sẵn trên quê hương mình. Em sẽ cố gắng để nhân rộng mô hình này ngày càng lớn hơn nữa, với hy vọng sẽ giúp được nhiều người thoát nghèo”.

Nói về mô hình của Xuyến, Bí thư Huyện đoàn Lang Chánh Lê Thị Kiêu đánh giá: “Mô hình trồng cây phật thủ của bạn Xuyến đã, đang đem lại hiệu quả rất tốt. Chúng tôi đang động viên bạn ấy nhân rộng mô hình cho đoàn viên thanh niên, hộ gia đình thanh niên đăng ký phát triển kinh tế của xã Đồng Lương và trong toàn huyện”.

Theo Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG