Olympic mùa đông
Tháng sau, tâm điểm toàn cầu lại dồn vào Bắc Kinh, thành phố đầu tiên đăng cai cả Olympic mùa hè và Olympic mùa đông. Nhưng 2 thế vận hội này có sự tương phản rõ rệt, CNN đưa tin ngày 1/1.
Olympic mùa hè 2008 thường được coi là “bữa tiệc ra mắt” của Trung Quốc trên sân khấu thế giới (với bài hát chính thức “Bắc Kinh chào đón bạn”. Tuy nhiên, Olympic mùa đông 2022 sẽ được tổ chức trong không gian hẹp, các vận động viên và người xem (số lượng hạn chế) sẽ di chuyển, hoạt động theo các hành lang an toàn COVID-19.
Như Olympic mùa hè Tokyo 2020 đã chỉ ra, không dễ hủy một sự kiện thể thao quốc tế lớn trong đại dịch COVID-19. Đối với Trung Quốc, việc đó càng khó hơn khi nước này quyết tâm loại bỏ đại dịch trong biên giới của mình.
Nhưng giới chức Trung Quốc không chỉ đề phòng mỗi SARS-CoV-2. Vận động viên và những người tham gia khác sẽ bị giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn mọi hành vi phản đối Bắc Kinh, gây xấu hổ cho nước chủ nhà.
Các nhà hoạt động từ lâu đã kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh với lý do nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng bị vi phạm, đời sống chính trị ở Hong Kong bị bóp nghẹt. Việc Bắc Kinh gần đây im lặng trước cáo buộc tấn công tình dục của ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Súy chống lại một cựu quan chức cấp cao đã làm gia tăng lời kêu gọi tẩy chay Olympic. Mỹ và một số đồng minh đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh.
Công nhân chuẩn bị bề mặt băng cho các hoạt động mùa đông cho đêm cuối năm 2021. Ảnh: AP. |
“Zero COVID” năm thứ 3?
Trung Quốc đã phải chịu đựng những đợt bùng phát COVID-19 liên tiếp và những đợt đóng cửa tốn kém. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng thay đổi chiến lược “Zero COVID”. Thậm chí Trung Quốc đang nỗ lực khống chế đại dịch trong thời gian trước Thế vận hội mùa đông.
Ở Tây An, thành phố cổ ở tây bắc Trung Quốc, 13 triệu dân đã bước vào ngày thứ 10 ở nhà, không ra đường vì giới chức địa phương đang cố sức khống chế đợt bùng phát dịch quy mô lớn trong cộng đồng. Đây là đợt phong tỏa lớn nhất, nghiêm ngặt nhất kể từ đợt Vũ Hán – thành phố hồi đầu năm 2020 cấm 11 triệu người ra đường.
Tuy nhiên, giới chức Tây An dường như chưa chuẩn bị kỹ cho biện pháp nghiêm ngặt mà họ áp dụng. Tuần qua, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập lời cư dân Tây An kêu gọi giúp đỡ lương thực, đồ thiết yếu vì cửa hàng đóng cửa, xe tư nhân không được ra đường. Người dân cũng khó tiếp cận dịch vụ y tế. Có sinh viên kể cô bị sốt muốn nhập viện điều trị nhưng bị 6 bệnh viện từ chối.
Ngày cuối cùng của năm 2021, hàng nghìn người tiễn năm cũ bằng cách để lại lời nhắn trên tài khoản Weibo của ông Lý Văn Lượng – vị bác sĩ ở Vũ Hán bị cảnh sát phạt vì cảnh báo về coronavirus rồi cuối cùng qua đời vì căn bệnh này. “Xin chào bác sĩ Lý. Đã hai năm trôi qua, nhưng những người ở nước ngoài vẫn chưa thể về nhà và những người ở nhà vẫn thiếu lương thực”, một người viết.
Ngày 30/12/2019 là ngày bác sĩ Lý biết được về coronavirus mới và chia sẻ thông tin với đồng nghiệp. Từ khi ông qua đời, người dân Trung Quốc thường đăng thông điệp trên tài khoản của ông.
Trong năm 2021, một số người hy vọng rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách “Zero COVID” sau Olympic mùa đông diễn ra vào tháng 2 tới. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, điều này sẽ khó xảy ra vì Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra vào mùa thu.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây ngày 23/12/2021. Ảnh: Getty. |
Khả năng nhiệm kỳ 3 của ông Tập Cận Bình
Nhiều dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ lại được bầu làm Tổng bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ 20 ở Bắc Kinh mùa thu này. Trước đó, giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước Trung Quốc đã được xóa bỏ, tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào hiến pháp, nghị quyết nâng tầm ông đã được thông qua.
Dưới thời ông Tập, vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc được thể hiện rõ rệt trong mọi khía cạnh của xã hội. Ông cũng tiến hành một cuộc chiến ý thức hệ chống lại cái mà ông gọi là “sự xâm nhập” của các giá trị phương Tây, như dân chủ, tự do báo chí, độc lập tư pháp…
Trong mắt của ông Tập và những người ủng hộ ông, Trung Quốc chưa bao giờ tiến gần giấc mộng “chấn hưng dân tộc” đến thế, khi đã tích lũy được sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế chưa từng có. Nhưng trong khi nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới phục hồi sau đại dịch, con đường phía trước có vẻ vẫn còn gập ghềnh.
Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp? Ảnh: Getty. |
Đau đầu vì kinh tế
Năm mới 2022 sẽ có một số thách thức lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, gồm các đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản…
Nhiều nhà kinh tế ước tính kinh tế Trung Quốc năm 2021 tăng trưởng 7,8% nhưng sẽ chậm lại trong năm 2022. Các ngân hàng lớn đã giảm mức dự báo tăng trưởng xuống còn 4,9-5,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Trong khi đó, có dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông Tập mong muốn tập trung vào các vấn đề trong nước hơn là các tham vọng quốc tế. Từ khi đại dịch bùng phát, ông chưa công cán nước ngoài và chính phủ của ông kiên trì áp dụng biện pháp “Zero COVID”.
Các nhà phân tích cho rằng, ông Tập sẽ phải cân nhắc lại vì Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào các trung tâm tài chính quốc tế để phục vụ đầu tư, công nghệ và thương mại.
Disney Resort ở Thượng Hải đóng cửa. Ảnh: Getty. |
Trung Quốc và thế giới
Thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19, Trung Quốc hy vọng biến cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu thành một cơ hội để đánh bóng hình ảnh của mình. Trung Quốc gửi khẩu trang, vật tư, thiết bị y tế tới nhiều nước và cam kết đưa vắc xin Trung Quốc thành hàng hóa công cộng toàn cầu.
Nhưng mọi thứ không hoàn toàn diễn ra theo cách mà Bắc Kinh mong muốn. Trong khi thành công của Trung Quốc trong việc nhanh chóng khống chế dịch bệnh đã giành được sự ủng hộ ở trong nước, uy tín quốc tế của họ bị ảnh hưởng do cách thức Trung Quốc xử lý khi dịch bùng phát ở Vũ Hán và nước này bị cáo buộc có các hoạt động trấn áp ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong.
Theo khảo sát của tổ chức phi lợi nhuận Pew Research Center, quan điểm không thuận lợi về Trung Quốc ở các quốc gia phát triển nhất thế giới đã đạt mức cao kỷ lục. Phần lớn trong số 17 quốc gia được Pew khảo sát năm ngoái đều có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc - 88% ở Nhật Bản, 80% ở Thụy Điển, 78% ở Úc, 77% ở Hàn Quốc và 76% ở Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng, sự vắng mặt của ông Tập trên sân khấu toàn cầu có khả năng góp phần khiến Trung Quốc bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Niềm tin vào ông Tập ở các nước được khảo sát đều ở mức thấp, trừ ở Singapore.
Năm 2021, quan hệ Mỹ-Trung càng lúc càng xấu đi khi căng thẳng về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) leo thang. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác cùng chí hướng ở châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và những nỗ lực đó có khả năng gia tăng trong năm mới.