Một hành khách dùng ứng dụng Alipay để thanh toán trên chuyến xe buýt ở tỉnh Chiết Giang ngày 16/8/2016. Ảnh: Xinhua |
Họp với các quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2021, Tổng bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết hỗ trợ phát triển các công nghệ quan trọng, đồng thời tăng cường quản lý các công ty công nghệ khổng lồ của nước này như một phần trong chiến lược mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số, China Daily đưa tin.
Chìa khóa
Trung Quốc sẽ thúc đẩy đổi mới các công nghệ cốt lõi và tăng cường khả năng nghiên cứu để đạt được khả năng tự cung tự cấp càng sớm càng tốt. Ông Tập Cận Bình kêu gọi tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng thông minh tốc độ cao, an toàn có thể kết nối tất cả các khía cạnh của nền kinh tế trực tuyến cũng như tạo ra đột phá trong các công nghệ phần mềm quan trọng.
“Trong những năm gần đây, Internet, big data, điện toán đám mây (cloud computing), AI, chuỗi khối (blockchain) và các công nghệ khác đã thúc đẩy sự đổi mới và ngày càng được tích hợp vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội,” ông Tập nói. Trung Quốc đã xác định kinh tế kỹ thuật số là động lực chính cho tăng trưởng trong vài thập kỷ tới và biến việc đạt được khả năng tự cung cấp công nghệ trở thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia.
Ông Tập chỉ đạo tích hợp nhiều hơn các ngành công nghiệp truyền thống và nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm mọi thứ từ big data và AI đến cloud computing và blockchain. Ông nói rằng, Trung Quốc phải xây dựng một nhóm các doanh nghiệp “chuyên biệt và sáng tạo” và các nhà vô địch sản xuất để đạt được những đột phá về công nghệ và đảm bảo tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng công nghiệp của đất nước.
Với kinh tế số hiện đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc đã đưa phát triển kinh tế số vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) để xây dựng một Trung Quốc kỹ thuật số, Xinhua đưa tin. Trung Quốc khuyến khích các công ty trong nước nắm bắt cơ hội trong thị trường số nước ngoài trong thập kỷ tới.
Ngày 23/7/2021, Trung Quốc ra hướng dẫn liên ngành về thúc đẩy doanh nghiệp kinh tế số trong nước triển khai các trung tâm nghiên cứu và phát triển, các trung tâm thiết kế sản phẩm ở hải ngoại, và tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ nước ngoài trong lĩnh vực big data, 5G và AI.
Tháng 8/2021, Bắc Kinh đưa ra kế hoạch hành động về đẩy nhanh tiến trình biến thành phố này thành nhà tiên phong toàn cầu trong phát triển kinh tế số. Theo đó, giá trị gia tăng của kinh tế số của Bắc Kinh sẽ chiếm khoảng 50% GDP của thủ đô Trung Quốc vào năm 2025. Năm ngoái, giá trị gia tăng của kinh tế số của Bắc Kinh vượt 1.440 tỷ nhân dân tệ, chiếm 40% GDP của thành phố này.
Tháng 8/2021, Giám đốc Cục Không gian mạng Trung Quốc Zhuang Rongwen nói rằng, kinh tế số đã trở thành chìa khóa để đạt được hồi phục kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững. Kinh tế số có sức kháng cự tốt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vì tăng mạnh các mô hình kinh doanh mới, như mua sắm trực tuyến, giáo dục online, y tế từ xa, AI, chuyên gia Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Cai Fang nói, theo East Asia Forum. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích startup kỹ thuật số mở rộng ra nước ngoài để đạt được thành công lớn hơn và mang lại hiệu quả kinh tế theo quy mô, đồng thời duy trì vị trí dẫn đầu trong thị trường trong nước.
Kinh tế số Trung Quốc tăng trưởng 9,7% năm 2020, đạt 39.200 tỷ nhân dân tệ (6.100 tỷ USD), chiếm 38,6% GDP, theo sách trắng của Viện CNTT-Truyền thông Trung Quốc. Kinh tế số ở Trung Quốc tăng trưởng trung bình 16,6% trong giai đoạn 2015-2020, cao nhất thế giới; và về quy mô, đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ).
Hành động
Robot đón khách, nhảy múa, ca hát bằng nhiều thứ tiếng ở một nhà hàng ở tỉnh Hà Bắc. Ảnh: Thái An |
Tháng 8/2021, Trung Quốc tổ chức Hội nghị Kinh tế số toàn cầu 2021 ở Bắc Kinh, tập trung thảo luận kinh tế số là động lực mới của tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bất chấp đại dịch COVID-19. Cùng tháng, Trung Quốc tổ chức Diễn đàn Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) về Công nghiệp kinh tế số với chủ đề “Thúc đẩy kinh tế số vì thịnh vượng chung”, với sự tham gia của tất cả các nước thành viên SCO.
Ngày 30/10/2021, Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế số (DEPA) để tăng cường hợp tác với các nước thành viên trong lĩnh vực kinh tế số. Ông Tập tuyên bố Trung Quốc quyết định tham gia DEPA, coi trọng hợp tác quốc tế về kinh tế số, sẵn sàng làm việc với tất cả các bên liên quan để phát triển kinh tế số một cách lành mạnh và có tôn ti trật tự.
Cùng ngày, Trung Quốc đưa ra Sáng kiến toàn cầu về an ninh dữ liệu, cùng nỗ lực thảo luận và phát triển các nguyên tắc quốc tế về quản trị số. Trung Quốc đã tăng gấp đôi ngân sách cho các ngành quan trọng chiến lược như chất bán dẫn và AI, đồng thời đưa ra luật mới bao gồm mọi thứ, từ bảo mật dữ liệu đến cạnh tranh công bằng.
Công thức thành công trong nền kinh tế số của Trung Quốc là nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng thông qua Internet, sản xuất theo hợp đồng (đặt hàng công ty sản xuất theo ý mình) cùng với đổi mới sản phẩm, và sự tham gia sâu rộng của người tiêu dùng trong nghiên cứu - phát triển và marketing. Với công thức này, kinh tế Trung Quốc cũng sẽ gia nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) kỹ thuật số thu gom và sử dụng big data để hiểu sâu về hành vi người tiêu dùng, tối ưu hóa tương tác với khách hàng. Tương tác với người tiêu dùng được thực hiện qua nhiều kênh, gồm các sàn online lớn, mạng xã hội WeChat (giống Facebook), ứng dụng thương mại xã hội, mạng xã hội mini Weibo (giống Twitter) và các diễn đàn trực tuyến.
Đặc điểm nổi bật của kinh tế số Trung Quốc hiện nay là nhu cầu người tiêu dùng mới nổi thúc đẩy kinh tế số phát triển, cụ thể là nhu cầu thúc đẩy đổi mới mô hình kinh doanh và công nghệ. Trong khi đó, động lực thúc đẩy ở Mỹ là đổi mới công nghệ, ở Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… là cơ sở công nghiệp tiên tiến.
Mạnh-yếu
Theo giới công nghệ, Trung Quốc đang dẫn đầu về đổi mới toàn cầu trong AI, big data, thương mại điện tử (e-commerce) và phát video trực tuyến (live-streaming). Nước này cũng gần như dẫn đầu trong đường sắt cao tốc, xe điện, năng lượng tái tạo, công nghệ tài chính (fintech) và máy bay không người lái (drone). Các công nghệ tiên tiến như AI, robotics, livestreaming, thanh toán di động đã tác động mạnh tới các lĩnh vực chính của nền kinh tế như giao thông vận tải, tài chính, sức khỏe, trong khi các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, thể thao và du lịch sẽ tiếp tục được chuyển đổi số.
Các công nghệ mới như 5G, Internet kết nối vạn vật (IoT), xe tự hành và blockchain sẽ phát triển mạnh, giới chuyên gia nhận định. Trung Quốc đã xây dựng được mạng băng thông rộng di động 4G và 5G và cáp quang lớn nhất thế giới với số điểm kết nối đầu cuối 5G đã vượt 365 triệu và các ứng dụng 5G có nội dung ngày càng đa dạng, Xinhua dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Xiao Yaqing hồi tháng 8/2021.
Trung Quốc hiện đứng hàng đầu thế giới về thương mại điện tử và lĩnh vực sản xuất. Nước này có hơn 1,3 tỷ người dùng Internet di động, dân số mua hàng online lớn nhất, số lượng lớn nhất và tỷ lệ thanh toán di động cao nhất thế giới. Theo Niên giám Thống kê Trung Quốc năm 2020, trong năm 2019 có tới 1/4 số giao dịch bán lẻ diễn ra online, tổng trị giá 1.800 tỷ USD và hơn 90% trong số này được thanh toán di động. Thế hệ thiên niên kỷ (sinh năm 1980-1994) và thế hệ Z (sinh năm 1995-2009) chiếm gần 40% dân số Trung Quốc, là các cư dân mạng đại diện lực lượng hùng mạnh nhất trên thị trường tiêu dùng nước này. Internet di động trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của họ.
Tuy nhiên, nền kinh tế số của Trung Quốc có 6 điểm yếu chính, giới phân tích nhận định. Thứ nhất, có sự chênh lệch rất lớn về phát triển kinh tế số trong khu vực. Kinh tế kỹ thuật số chiếm trên 40% GDP ở các vùng duyên hải phía Đông phát triển hơn, so với dưới 25% ở các vùng Tây Bắc với sự đổi mới không đủ và nguồn lực không đủ.
Thứ hai, sự phân bổ khác biệt giữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tài năng con người là một trở ngại lớn khác cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở phần lớn các công ty Trung Quốc, tạo ra một khoảng cách kỹ thuật số mới.
Thứ ba, sự phát triển của Internet công nghiệp tụt hậu quá xa so với sự phát triển mạnh mẽ của Internet tiêu dùng. Thứ tư, dù Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới trong thập kỷ qua, phần lớn doanh nghiệp tụt hậu trong chuyển đổi số. Thứ năm, kinh tế số công nghiệp chỉ chiếm 19% GDP công nghiệp, trong khi mức trung bình toàn cầu là 23,5%, của Đức là 45,3% (cao nhất thế giới). Thứ sáu, các công nghệ số chưa tạo ra kết quả mong muốn trong 2/3 số doanh nghiệp ở Trung Quốc, vì thế, ngành sản xuất trở thành chiến trường chính trong kỷ nguyên kinh tế số ở nước này.
Trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025?
Theo báo cáo tháng 9/2021 của công ty nghiên cứu thị trường Research And Markets (trụ sở chính ở Ireland), Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới với 55%, khoảng 12.000 tỷ USD, đến từ kinh tế số vào năm 2025. Nước này sẽ xây dựng nhiều khu công nghiệp AI ở các tỉnh thành lớn, xây nhiều trạm thu phát 5G.