KHÁNH HOÀ:

4 ngư dân Bình Thuận sống sót trong nhiều ngày trôi dạt trên biển thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bốn ngư dân trên tàu cá Bình Thuận bị chìm ở vùng biển Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) đã phải lênh đênh 9 ngày đêm trên biển trong thuyền thúng mới gặp được tàu cá Bình Định cứu sống.

Chiều nay (21/7), tàu Cảnh sát biển (CSB) 7011 đã đưa 4 ngư dân Bình Thuận (trôi dạt 9 ngày đêm trên thuyền thúng sau khi tàu cá Bình Thuận BTh 97478 TS bị chìm) về cảng của Hải đoàn 32 thuộc Cảnh sát biển Vùng 3, đóng tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

4 ngư dân Bình Thuận sống sót trong nhiều ngày trôi dạt trên biển thế nào? ảnh 1
Các bác sĩ quân y chăm truyền nước cho ông Trần Văn Thanh

Khoảng 13h30 tàu CSB 7011 đã cập cảng Hải đoàn 32 đưa 4 ngư dân trên tàu cá Bình Thuận về đất liền gồm Hà Văn Tấn (50 tuổi), Nguyễn Thành Luyến (36 tuổi), Trần Theo (55 tuổi) và Trần Văn Thanh (54 tuổi, cùng ở TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Trong đó, sức khoẻ ông Thanh suy kiệt không thể tự đi lại, buộc phải dùng cáng và lên xe cấp cứu đưa thẳng đến Bệnh viện. Ba ngư dân còn lại được bàn giao cho Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận.

Ông Trần Theo kể lại, ngày 10/7 vừa qua, khi tàu của ông đi đánh bắt ngư trường Trường Sa đang trên đường về bờ thì bất ngờ gặp sóng to, gió giật, nước ngập làm tàu chìm rất nhanh. Toàn bộ ngư dân chỉ kịp lên 2 thuyền thúng, 1 thuyền thúng 7 người của nhóm ông Theo và 1 thúng 8 người. Hai thuyền thúng này thả trôi nhưng vẫn bám sát nhau. Trong giai đoạn thả trôi, 2 thuyền thúng thấy một tàu có ánh sáng nên bơi đến và lạc nhau. Trong thời gian lênh đênh trên biển, 3 người trên thuyền thúng của ông đã kiệt sức không thể sống sót.

4 ngư dân Bình Thuận sống sót trong nhiều ngày trôi dạt trên biển thế nào? ảnh 2
Ông Trần Theo kể lại hành trình sống sót trên biển

“Các anh em còn lại cũng băng bó, cột thi thể anh em lại. Nhiều người bật khóc khi tiễn đưa các anh xuống biển. Những người còn lại cố gắng cầm cự, uống nước biển, trời mưa thì hứng nước mưa để uống. Đến khoảng 13h ngày 19/7, tàu cá Bình Định BĐ 96935 TS phát hiện và 4 người chúng tôi mới thực sự qua được tử thần”, ông Theo nói.

Ông Nguyễn Thành Luyến đến khi lên tàu CSB 7011 vẫn không thể cầm được nước mắt vì 2 người thân của mình trên thuyền thúng kiệt sức mà tử vong, chính ông Luyến phải tự tay tiễn đưa, hiện 1 người thân của ông vẫn đang mất tích. Ông Nguyễn Thanh Luyến không thể giữ bình tĩnh vì 2 người thân của mình đã mất vì kiệt sứ.

4 ngư dân Bình Thuận sống sót trong nhiều ngày trôi dạt trên biển thế nào? ảnh 3
Ông Luyến đau buồn vì mất người thân trên biển

“Vào khoảng 5h sáng 12/7, khi tàu đang trên đường trở về thì bị sóng đánh đắm tàu. Chúng tôi có 15 người chia ra đi trên 2 thuyền thúng tìm cách thoát thân. Đến 8 giờ tối 17/7, 2 thúng lạc nhau, thúng của tôi có 7 người phải nhịn đói, uống nước mặn để cầm hơi. Nhưng do bị thương và đói, 3 người đã chết vì kiệt sức, trong đó có anh và chú ruột của tôi. Chúng tôi đành phải bỏ thi thể họ xuống biển”, ông Luyến ngậm ngùi nói.

Đại uý Lê Khánh Hải (thuyền trưởng tàu CSB 7011) cho biết: Vì thời tiết xấu, Tàu CSB 7011 không thể chuyển ngư dân từ tàu BĐ 96935 TS sang. Tuy nhiên, khi đó, 3 ngư dân có sức khoẻ yếu, 1 người kiệt sức chỉ nằm một chỗ, không đi lại được. Tàu đã cử quân y và thuyền phó sang tàu BĐ 96935 TS để chăm sóc sức khoẻ cho 4 ngư dân. Đến vùng biển Khánh Hoà, tại khu vực sóng gió êm, tàu tiến hành tiếp nhận 4 ngư dân. “Trong thời gian tới, máy bay trực thăng của Quân chủng Hải quân, tàu cảnh sát biển cùng các tàu cá vẫn sẽ cố gắng nỗ lực tìm kiếm các ngư dân còn lại của tàu cá BTh 97478 TS”, đại uý Lê Khánh Hải cho hay.

4 ngư dân Bình Thuận sống sót trong nhiều ngày trôi dạt trên biển thế nào? ảnh 4
Lực lượng Cảnh sát biển Vùng 3 tặng quà cho các ngư dân Bình Thuận
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.