30 tỷ USD hiện thực hóa 200 km đường sắt đô thị TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đa dạng hóa nguồn lực tài chính, thay đổi cách thực hiện thủ tục đầu tư, trình duyệt toàn bộ dự án một lần… là một trong những giải pháp được Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đưa ra nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng 200 km đường sắt đô thị trong 12 năm tới đây.

Giải bài toán về vốn

Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi UBND TP về dự thảo đề cương đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị thành phố bao gồm: 8 tuyến đường sắt đô thị (MRT), 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (LRT). Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị thành phố khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 25 - 30 tỷ USD.

Hiện nay, thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng được 2/8 tuyến đường sắt đô thị, cụ thể là tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến tàu điện ngầm số 2 (metro số 2: Bến Thành - Tham Lương). Đồng thời đang thực hiện chuẩn bị đầu tư cho tuyến đường sắt đô thị số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiển - Cầu Sài Gòn).

30 tỷ USD hiện thực hóa 200 km đường sắt đô thị TPHCM ảnh 1

Công nhân thi công tuyến metro số 1 TPHCM.

Cụ thể, dự án metro số 1 dài 19,7 km hiện thực hiện được khoảng 96%, dự kiến đưa vào vận hành, khai thác thương mại vào năm 2024, dự án metro số 2 dài 11,042 km, hiện nay dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đấu thầu thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật, dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành thi công vào năm 2030.

Ước tính, tổng vốn đầu tư để hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị còn lại tại TPHCM vào khoảng 25 tỷ USD, chưa tính đến chi phí vận hành, khai thác, bảo dưỡng của hệ thống đường sắt đô thị.

Hiện nay, nguồn lực tài chính thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại TPHCM chủ yếu là từ vốn vay ODA. Tuy nhiên, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho rằng việc đầu tư bằng nguồn vốn này không còn phù hợp vì trình tự, thủ tục phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài, suất đầu tư cao, phụ thuộc về tư vấn thiết kế, công nghệ và chuyên gia nước ngoài... Thành phố hiện đang và sẽ phải đối mặt với áp lực tăng cao của việc trả nợ.

30 tỷ USD hiện thực hóa 200 km đường sắt đô thị TPHCM ảnh 2

Tàu metro số 1 TPHCM chạy thử nghiệm đoạn trên cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam không còn thuộc nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp và gia nhập vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, dẫn đến các khoản vay nước ngoài sẽ ít thành tố ưu đãi, mang tính thương mại cao.

Vì vậy, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho rằng cần phải nghiên cứu đa dạng hóa nguồn lực tài chính từ ngân sách Nhà nước dùng để thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là nguồn tài chính từ việc tổ chức đấu giá quỹ đất theo mô hình TOD; huy động vốn trong nước như phát hành trái phiếu, công trái, cổ phần, hợp tác công tư hoặc các hình thức hợp pháp khác (nếu có)...

Đề xuất duyệt dự án 1 lần

Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, từ nay tới 2035, TP sẽ phải hoàn thành khoảng 200 km đường sắt đô thị còn lại Theo đó, yêu cầu toàn bộ công tác chuẩn bị đầu tư phải được hoàn thành trong vòng 4-5 năm (chậm nhất phải hoàn thiện năm 2028).

Do đó, đơn vị này đề xuất hai phương án để đẩy nhanh tiến độ, trong đó phương án 1 đề xuất không thực hiện các thủ tục đầu tư cho 1 dự án, 1 tuyến đường sắt đô thị riêng biệt như cách làm hiện nay mà thực hiện thủ tục đầu tư cho toàn bộ các tuyến đường sắt đô thị, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho toàn bộ dự án, giao TPHCM thực hiện phê duyệt dự án đầu tư.

Theo phương án này dự kiến thành phố lập, trình Quốc hội chấp thuận chủ trương khoảng từ 1,5 - 2 năm; các bước phê duyệt dự án (do thành phố chủ động) thực hiện khoảng 1 năm. Tổng cộng thời gian chuẩn bị đầu tư (cho toàn bộ các tuyến) khoảng 3 năm. Đảm bảo hoàn thành trước năm 2028 để chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án.

Ngoài ra, phương án 2 sẽ thực hiện trình tự như phương án 1 nhưng đề xuất giao TPHCM phê duyệt chủ trương đầu tư.

30 tỷ USD hiện thực hóa 200 km đường sắt đô thị TPHCM ảnh 3

Một đoạn thuộc tuyến metro số 1 TPHCM.

Về quy hoạch, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đề xuất thực hiện công tác lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đường sắt đô thị gắn liền quy hoạch TOD; Tổ chức lập quy hoạch chi tiết đảm bảo đủ điều kiện thu hồi đất.

Bên cạnh đó, đề xuất cho phép TPHCM thực hiện thu hồi đất ngay sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt với theo nguyên tắc đơn giá thu hồi đất bảo đảm cuộc sống người dân tốt hơn sau khi bị thu hồi đất; theo giá thị trường có cộng thêm hệ số khuyến khích người dân bàn giao đất và ưu tiên tái định cư tại chỗ để người dân được hưởng lợi từ mô hình TOD.

MỚI - NÓNG