Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương vừa cho biết, theo số liệu từ các địa phương, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản về nông thôn mới đến cuối tháng 5/2018 là trên 1.630 tỷ đồng. Con số ngày đã giảm gần 90% so với thời điểm tháng 1/2016, với con số “ khủng” lên tới gần 15.220 tỷ đồng.
Đến nay, có 40 tỉnh cơ bản đã xử lý xong nợ đọng, 22 tỉnh còn lại có số nợ đọng trên 10 tỷ đồng. Có 2 địa phương tự cân đối ngân sách còn nợ đọng là Hải Phòng và Vĩnh Phúc. Đáng lưu ý, có 4 địa phương hiện có số nợ nọng nhiều nhất là Nghệ An gần 330 tỷ đồng, Hải Phòng trên 230 tỷ đồng, Hải Dương trên 210 tỷ đồng và Hà Nam trên 150 tỷ đồng.
Như vậy, với tiến độ trên, nhiều địa phương sẽ hoàn thành sớm mục tiêu xử lý nợ xây dựng cơ bản của Chương trình theo yêu cầu của Quốc hội.
Trước đó, thực hiện nghị quyết 32/2016 của Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc xử lý nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với các bộ, ngành lập đoàn công tác, kiểm tra thực tế xử lý tình hình nợ đọng tại một số tỉnh có số nợ lớn: Hải Dương, Hà Nam, Quảng Nam, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An...
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, hiện cả nước có 3.370 xã (37,76%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm nay 2018, cả nước sẽ vượt mục tiêu, có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn. Bình quân các xã trong cả nước đã đạt 14,26 tiêu chí/xã, vẫn còn còn 118 xã dưới 5 tiêu chí (nhiều nhất là ở Điện Biên, Quảng Ngãi, Cao Bằng, Lạng Sơn).
Đến nay, có 53 đơn vị cấp huyện thuộc 27 tỉnh, thành phố được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 10 huyện so với cuối năm 2017. Dự kiến đến hết năm 2018, có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.