Nông thôn mới: Những Bất cập và hệ lụy

Diện mạo nông thôn mới (ảnh lớn) và những bất cập (ảnh nhỏ). Ảnh: PV.
Diện mạo nông thôn mới (ảnh lớn) và những bất cập (ảnh nhỏ). Ảnh: PV.
TP - Cuộc chạy đua công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) ở nhiều địa phương đã dẫn đến không ít bất ổn. Phóng viên Tiền Phong cận cảnh vào những bất cập, hệ lụy và cả những điều trăn trở về chương trình Xây dựng NTM, hy vọng cung cấp cho cơ quan chức năng dữ liệu thực tiễn để có sự chấn chỉnh, điều chỉnh kịp thời.

Bài 1: Không đủ ăn vẫn phải vay tiền xây trụ cổng

Phương Phú là xã thứ 2 của huyện Phụng Hiệp và thứ 10 của tỉnh Hậu Giang được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí NTM vào tháng 8/2015, sớm 5 năm so kế hoạch của tỉnh. Nhưng chính tại địa phương này, nhiều người dân đang rơi vào tình cảnh trớ trêu.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ky và ông Huỳnh Văn Num ở ấp Phương Bình (xã Phương Phú) thuộc diện cận nghèo. Ông bà có 5 người con, trong đó 2 con gái lớn có gia đình riêng, ba đứa còn lại, con trai lớn 23 tuổi ở nhà đi đốn tràm thuê, ngày kiếm được trên trăm ngàn, nhưng bữa có bữa không; con gái kế cũng làm thuê ở xa và con gái út 6 tuổi bị câm điếc bẩm sinh. Bà Ky được cha mẹ cho 0,5 ha đất nằm cách nhà gần 7 km. 

Do đất phèn, làm lúa năng suất thấp nên bà lên liếp trồng cây ăn trái hơn 2 năm nay chưa thu hoạch. Bà Ky cho biết, cuộc sống hằng ngày nhờ vào tiền làm thuê của con trai, chồng bà làm thuê nhiều năm sức khỏe yếu, giờ ở nhà chăm con gái út bị khuyết tật không được trợ cấp.

Gồng mình với nông thôn mới

Cách đây ít hôm, trong khi đi làm thuê, đứa con trai lớn của ông bà bị máy cắt đứt chân phải đưa vào viện cấp cứu. “Tôi vừa chăm con gái út ở bệnh viện về cách nay vài ngày. Sau đó, tiếp tục vào viện nuôi con trai lớn bị máy cưa cắt đứt chân, còn chồng ở nhà lo sửa căn nhà cho khỏi sập” – bà Ky nói.

Ngồi trong nhìn lên, mái nhà bằng lá rách lỗ chỗ. Ông Num chưa đầy 50 tuổi nhưng người gầy hom hem, đem nhẻm. Ông Num “khoe”: “Hôm qua mới xin được vài cây tre cặp vô các cột ở góc nhà rồi lấy dây chằng chéo cho cứng cáp qua mùa mưa rồi tính”. Ông kể tiếp, mấy hôm trước, vợ đang nuôi con gái ở bệnh viện, ở nhà trời mưa, nước chảy thẳng từ trên xuống, ông phải tìm góc khô tránh mưa.

Nói về chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ tay ra hai trụ bê tông trước cổng, bà Ky kể, năm rồi, sắp tới ngày được công nhận NTM, cán bộ ấp đến “hối như giặc” phải gấp làm cho bằng được để đạt tiêu chí, trong khi trong nhà không tiền, phải đi vay 1 triệu đồng, lãi suất 50.000 đồng/tháng làm cho yên. 

Cả nhà mần mướn không đủ ăn, còn chạy lo đóng lãi cho 2 cây trụ bê tông hết mấy tháng trời mới xong. “Cái ăn còn lo chưa xong, nhà cửa xiêu vẹo, mục nát, không có chỗ che thân mỗi khi mưa xuống thì nghĩ gì chuyện xa vời” – bà Ky than thở. Ngừng một lát, bà tiếp lời: “Phải chi Nhà nước dùng tiền đó hỗ trợ gia đình tôi vài kg gạo ăn hay hỗ trợ hằng tháng cho con gái bị tật bẩm sinh còn ý nghĩa hơn. Đằng này, bắt dân xây “trụ chống trời” rồi để đó trông… chướng mắt”.

Nông thôn mới: Những Bất cập và hệ lụy ảnh 1

Ông Đặng Trung Thành trước 2 cổng rào bê tông.

Chính quyền nói đồng tình, dân kêu bị ép

Dọc tỉnh lộ 928, đoạn xã Phương Phú có dãy hàng rào xanh mướt, trước mỗi nhà đều có 2 trụ cổng rào bằng bê tông, đứng đơn độc và người dân gọi đó là “trụ chống trời”. Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Huấn- Phó Chủ tịch UBND xã Phương Phú cho biết, việc làm cổng rào để tạo cảnh quan sạch đẹp được dân đồng tình ủng hộ. “Trước khi làm, địa phương có tổ chức mời họp và được dân ủng hộ nên mới triển khai làm”- ông Huấn nói.

Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương nói rằng việc xây “trụ chống trời” là do bị chính quyền địa phương ép. Về Phương Phú, phóng viên Tiền Phong gặp ông Đặng Trung Thành (ấp Phương Hòa) giữa trưa nắng, người ướt đẫm mồ hôi. Ông Thành cho biết vừa vừa đi phụ hồ về. Ông kể, gia đình ông rất nghèo, sống trong căn nhà lá ọp ẹp, một mình ông làm phụ hồ, mỗi ngày được 130.000 đồng nhưng không phải ngày nào cũng có việc. Trong khi ông phải nuôi vợ và 2 con nhỏ ăn học. 

“Hằng ngày phải chạy gạo ăn vất vả lo chưa xong, nhưng để được công nhận NTM, chính quyền “thúc” làm cho bằng được. Lúc đó, tôi phải đi vay 1 triệu đồng làm cho yên nhưng cũng được 2 cây cột còn phần mái che phía trên vẫn chưa gắn nổi”. Ông Thành còn nói, trước đây, vợ chồng ông ở trong căn nhà cặp mé sông nhưng 3 năm trước cán bộ ấp vận động dời nhà lên bờ và hứa hỗ trợ 10 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu.

Ông Hồ Văn Đém, nhà ở cạnh ông Thành, không kém phần bức xúc: “Nhà nước muốn đạt chỉ tiêu NTM thì tự bỏ tiền ra làm, đằng này bắt dân xây 2 trụ trụi lủi rồi bỏ đó lãng phí, lâu ngày rong rêu bám đen ngòm. Số tiền đó giúp đỡ cho dân làm ăn còn ý nghĩa hơn”. 

Ông Đém cho biết, lúc trước cán bộ ấp, xã thường xuyên đến nhà kêu làm cho đồng bộ với người ta nhưng ông nhất quyết không làm. “Tôi nghèo, không ruộng đất, sống nhờ cháu gái trong căn nhà lụp xụp. Hơn nữa, tuổi già làm không ra tiền thì lấy đâu mà làm cho bằng người ta. Nếu vay tiền làm rồi không có tiền trả nợ, nhà nước có bỏ ra trả thay không?” - ông Đém hỏi.      

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.