Huy động quá sức dân trong xây dựng nông thôn mới

TP - Sáng 25/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp phiên thứ 48 để nghe và cho ý kiến vào Báo cáo giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, trong 5 năm qua cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng để thực hiện Chương trình nông thôn mới. 

Trong đó, ngân sách nhà nước bao gồm các chương trình, dự án khác chiếm 31,34%, người dân đóng góp chiếm 12,62%...  Sau 5 năm, Chương trình đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và cải thiện bộ mặt ở các vùng quê.

Tuy nhiên, một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. 

Theo báo cáo của Chính phủ, số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành phố hiện vào khoảng 8.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, chưa chú trọng bảo vệ môi trường khiến môi trường nông thôn vẫn đang là vấn đề bức xúc của xã hội.

Từ kết quả trên, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ đổi mới cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình. 

Đặc biệt việc huy động các nguồn lực phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, dân chủ, không huy động quá sức dân; nghiêm cấm huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý nghiêm khi có sai phạm.

Cho ý kiến vào Báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị tiêu chí xây dựng NTM phải đảm bảo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban Thường vụ QH đề nghị, Đoàn giám sát cần quan tâm, làm rõ chất lượng lao động ở các vùng nông thôn, ven biển.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị làm rõ việc phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ cũng như số nợ hàng năm mà Chính phủ đưa ra. Bà yêu cầu phải tính số nợ của các tỉnh trên tổng mức đầu tư để đánh giá kết quả thực chất. 

Chủ tịch QH cũng lưu ý đến các giải pháp để tiếp tục duy trì, phát triển cho các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, không để các địa phương ấy lại đi xuống và trở lại như trước đây.

MỚI - NÓNG