Xóm “3 không” ở huyện nông thôn mới

Bà Nguyễn Thị Chi, một trong những hộ dân ở xóm “3 không” còn sử dụng đèn dầu.
Bà Nguyễn Thị Chi, một trong những hộ dân ở xóm “3 không” còn sử dụng đèn dầu.
TP - Mặc dù xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng hàng chục năm qua, hơn hai chục hộ dân ở ấp Trường Ninh và Trường Ninh A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ vẫn sống trong cảnh thiếu điện, nước. Đường sá đi lại ở hai ấp này rất khó khăn.

Đường vào ấp Trường Ninh nằm quanh co cách UBND xã Trường Long gần chục cây số. Mặc dù là xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng đường sá nhiều “ổ gà, ổ voi”, thậm chí có những đoạn sạt lở gần sát mặt đường, cùng với đó là những cây cầu ván tạm bợ, muốn vào nhà từng hộ dân ở ấp này, phóng viên phải men theo con rạch Rau Mui.

Ngôi nhà mới được xây dựng khá khang trang, tuy nhiên bà Nguyễn Thị Chín (64 tuổi, ngụ ấp Trường Ninh) lại cảm thấy không vui vì hàng chục năm nay nơi đây vẫn phảisử dụng đèn dầu để thắp sáng vì chưa có điện lưới: “Gần đây, đứa con trai mua cho chiếc bình ắc quy để gắn cái bóng đèn nhỏ. Cứ 1 - 2 ngày, tôi lại đem ra chợ sạc một lần, nhưng đường sá thì không có, muốn đi phải chống xuồng, cực chẳng đã ”, bà Chín bộc bạch.

Cũng theo bà Chín, ở đây không có nước sạch để sinh hoạt, khi mưa lớn thì hứng nước dự trữ, hoặc khi nước lớn người dân lấy nước từ con rạch Rau Mui dự trữ để sử dụng cho việc ăn uống, giặt giũ… Tuy nhiên nguồn nước không được đảm bảo.

Ông Võ Thành Sang (69 tuổi) nói: “Chỗ tôi ở người ta gọi là xóm 3 “không”, không điện, không đường, không nước sinh hoạt. Sinh sống ở đây từ năm 1979 đến nay, nhiều lần tôi gửi đơn cầu cứu lên lãnh đạo thành phố, họ hứa cuối năm 2017 sẽ lắp điện nhưng đến nay không thấy động thái gì. Là người dân của huyện nông thôn mới, của thành phố trực thuộc Trung ương nhưng đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Dùng đèn bình ắc quy có hôm hết bình giữa chừng đành lôi đèn dầu ra đốt”, ông Sang chia sẻ.

Vừa nói, ông Sang cầm chiếc radio cũ kĩ đưa cho phóng viên xem và cho biết bây giờ có tiền muốn mua một chiếc tivi để coi tin tức như người ta mà cũng không được. Ông mong muốn được Nhà nước quan tâm sớm kéo điện lưới quốc gia giúp cho người dân sinh sống và sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Chi (48 tuổi) cho biết, do có đất đai ở đây nên bà cố bám trụ chứ không biết đi đâu. Một số hộ khá giả thì mua dây điện “câu đuôi” từ phía ngoài dẫn về sử dụng nhưng do đường tải điện xa nên điện năng hao hụt nhiều, cứ vào giờ cao điểm nguồn điện lại yếu.

“Tôi có đứa con đang học lớp 11, do điện không đủ thắp sáng nên mua thêm cho cháu cái đèn pin đội lên đầu để học bài. Còn việc đi học ở đây khá vất vả, hôm nào nước lớn thì chống xuồng đưa con đi, còn nước ròng thì chiều tối hôm trước phải đưa nó đến nhà người quen gần trường ngủ nhờ để sáng hôm sau đi học”, bà Chi nói.

Thiếu vốn để kéo điện cho dân

Ông Lê Văn Ảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long thông tin: “Hai ấp này đến giờ vẫn chưa có điện. Vừa qua, Phòng Kinh tế hạ tầng có kết hợp với xã khảo sát, lập hồ sơ thiết kế nhưng khổ nỗi nguồn vốn của Trung ương nhưng chủ đầu tư là Sở Công Thương thành phố. Hiện đã có hồ sơ thiết kế, nhưng phải chờ vốn mới triển khai”.

Vị Phó chủ tịch xã cho biết, tổng số dân của 2 ấp Trường Ninh và Trường Ninh A là 24 hộ. Xã cũng mong muốn sớm triển khai hệ thống điện cho người dân ở đây.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Chí Thanh - Chánh văn phòng UBND huyện Phong Điền cho biết, huyện đang xem xét tìm kế hoạch để kéo điện vì ở đây cũng có ít hộ dân. “Chúng tôi sẽ kiến nghị lên cấp trên xem xét và sớm triển khai trong năm nay”, ông Thanh khẳng định.  

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.