Bi hài: Học sinh phải đóng gần nửa triệu đồng xây dựng... nông thôn mới

Dự toán kinh phí mà học sinh xã Nam Dong phải đóng để xây dựng nông thôn mới.
Dự toán kinh phí mà học sinh xã Nam Dong phải đóng để xây dựng nông thôn mới.
Nhiều phụ huynh ở xã Nam Dong (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) không đồng ý về khoản thu “mới” này vì họ cho rằng đóng góp xây dựng nông thôn mới đã thu theo từng hộ gia đình. Tuy nhiên, xã cho rằng hơn 70% hộ phụ huynh đồng thuận nên đây là khoản thu hợp lý.

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh trên địa bàn xã Nam Dong (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), từ năm học mới 2017-2018, UBND ra thông báo tất cả học sinh từ nầm non đến THCS đều phải đóng tiền xây dựng nông thôn mới, với mức đóng góp là 400 ngàn đồng/học sinh.

Thông báo này được đưa ra trong buổi họp phụ huynh đầu năm học của các trường. Tuy nhiên, ngay sau khi giáo viên đề cập đến, rất nhiều phụ huynh đã phản ứng về khoản thu hộ này.

Anh D.M.K. (ngụ thôn 3) có con đang học tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong cho biết, việc xã huy động người dân đóng tiền để xây dựng nông thôn mới cơ bản người dân đồng thuận, mỗi hộ gia đình đóng góp 830.000 đồng.Thế nhưng ngoài tiền thu từ mỗi hộ, các cháu đang đi học còn phải đóng 400.000 đồng tiền xây dựng nông thôn mới.

“Trong khi tiền đóng đầu năm cũng gần 2 triệu đồng, nếu gia đình nào có 1 cháu đi học, thì có thể cố gắng xoay xở được. Nhưng gia đình nông dân khó khăn, 3-4 cháu đều đi học thì số tiền đó cũng không phải nhỏ, thậm chí là quá sức đối với điều kiện của họ. Các cháu đang ở tuổi ăn, tuổi chơi thì làm gì có tiền mà đóng cho xã, cuối cùng thì cũng là tiền của bố mẹ”, anh K. giọng gay gắt.

Chị T. T.N. (ngụ thôn 3) có hai con đang học tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong cũng cho biết, năm học mới trùng với mùa giáp hạt, hoa màu chưa được thu nên việc lo gần 2 triệu cho mỗi cháu đóng đầu năm học đã vất vả. Chính vì vậy, chị và phần lớn phụ huynh khác đã phản đối quyết liệt về khoản thu 400.000 đồng xây dựng nông thôn mới của Trường tiểu học Lê Hồng Phong.

“Không biết các lớp khác như thế nào, nhưng lớp con tôi học, đa số phụ huynh đều không đồng tình về khoản thu nông thôn mới. Chúng tôi đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm ghi rõ quan điểm vào biên bản buổi họp phụ huynh, đề nghị chuyển lên trường và UBND xã. Tuy nhiên, cô giáo này thông tin: “Ở trên người ta đã họp hết rồi, mình không đóng thì cũng phải đóng”.

Chị N.T.N. (ngụ thôn 2) có con đang học tại trường Tiểu học Lương Thế Vinh thông tin thêm về tình trạng năm nào cũng đóng tiền xây dựng nông thôn mới, gọi là tự nguyện nhưng chị này cho biết, người dân phải nộp theo tinh thần “bắt buộc, định mức”.

“Theo cán bộ địa phương, nếu trên 50% hộ dân trong xã đồng ý thì triển khai thu, nhưng tại buổi họp thôn chỉ một vài hộ đi họp, trong đó nhiều hộ không đồng ý. Sau đó xã cử hết đoàn thanh niên, hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi, trưởng thôn đi phát phiếu khảo sát từng hộ gia đình nhưng nhiều người cũng không đồng ý, vậy mà họ bảo có hơn 70% hộ dân đồng thuận. Ngoài ra định mức 400.000 đồng/1 học sinh cũng không phải do phụ huynh thống nhất đưa ra mà được quy định từ xã ”, chị này chia sẻ.

Được biết, khi triển khai thu tiền nông thôn mới, chính quyền xã thông báo là số tiền đó sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trường học, tuy nhiên khi được hỏi, nhiều người dân trong xã lại không hề hay biết làm gì. Dù biết các khoản thu vô lý nhưng cũng chẳng ai dám lên tiếng vì sợ bị cán bộ xã gây khó khăn khi đi xin các thủ tục hành chính.

“Đến bộ phận một cửa, nếu chưa thấy đóng tiền xây dựng nông thôn mới, cán bộ phòng này nhất định không nhận hồ sơ, “giở chiêu” ép phải về lại thôn đóng tiền mới được quay lại. Vì sợ con cái bị trù dập, nên phụ huynh chúng tôi phải nhắm mắt đóng tiền chứ thật lòng không ai muốn đóng khoản tiền vô lý đó”, chị C.T. C.(ngụ thôn 11).

Bi hài: Học sinh phải đóng gần nửa triệu đồng xây dựng... nông thôn mới ảnh 1

UBND xã Nam Dong giao cho các trường “thu hộ” khoản tiền xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Tám, Bí thư Đảng ủy xã Nam Dong khẳng định, việc thu tiền xây dựng nông thôn mới đối với học sinh từ mầm non đến THCS xã làm theo đúng quy trình, được sự đồng thuận của người dân. Số tiền thu về sẽ được phân bổ cho các trường học theo phần đối ứng của UBND huyện giao, phục vụ việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất tại các trường học.

Ông Tám cũng cho biết, hoàn toàn không có chuyện cán bộ phòng một cửa làm khó người dân vì chưa đóng tiền xây dựng nông thôn mới. Nhưng hộ gia đình chưa đóng tiền thì cán bộ phòng một cửa chỉ tuyên truyền, vận động người dân.

Liên quan đến khoản thu xây dựng nông thôn mới trong trường học, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cư Jút cho biết, khoản thu này là ngoài nhà trường, xã Nam Dong nhờ các trường thu hộ, tuy nhiên điều này lại gây áp lực cho cả nhà trường, phụ huynh và học sinh.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.