Hà Nội có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Hà Nội có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
TPO - Sáng nay (28/11), huyện Hoài Đức, TP Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Đây là huyện thứ tư của Hà Nội và huyện thứ 39 trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngày 28/11, thành phố Hà Nội tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng công nhận huyện Hoài Đức đạt chuẩn nông thôn mới. Đến dự có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”.

Là huyện có truyền thống cách mạng và lịch sử văn hóa lâu đời, Nhân dân Hoài Đức giàu lòng yêu quê hương, đất nước và ý chí kiên cường cách mạng. Trong lao động sản xuất, Nhân dân Hoài Đức năng động, sáng tạo và giành được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế. Ghi nhận những đóng góp của Nhân dân và cán bộ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, huyện Hoài Đức đã được Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương Lao động hạng Ba.

Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, năm 2017 kinh tế của Hoài Đức tiếp tục phát triển toàn diện. Cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng: Thương mại - Dịch vụ (47,94%), Công nghiệp - Xây dựng (45,28%), Nông nghiệp (6,78%). Tổng giá trị sản xuất thực hiện là 17.290 tỷ đồng, đạt 100,08% kế hoạch và tăng 10,38% so với năm 2016. Toàn huyện hiện có 52/54 làng có nghề, 12 làng nghề được cấp bằng công nhận, 1.299 DN và trên 10.155 hộ sản xuất kinh doanh, hàng năm thu hút, giải quyết việc làm cho trên 44.000 lao động trong huyện và các huyện, tỉnh lân cận. Các xã triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.

Hà Nội có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 1 Lãnh đạo huyện Hoài Đức đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 

Với việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc, Bệnh viện huyện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật vượt tuyến. Đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Trung tâm y tế huyện đã thực hiện tốt chức năng tham mưu và tổ chức phòng chống dịch bệnh. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả. Tỷ lệ người tham gia các hình thức BHYT toàn huyện đạt trên 85%, toàn huyện có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội... được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Toàn huyện đã có 107/128 làng đạt danh hiệu văn hóa, trên 85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa...

Lấy xây dựng nông thôn mới (NTM) là chỉ tiêu kế hoạch, đầu tư xây dựng huyện theo hướng đô thị hóa, huyện đã chọn Yên Sở là xã điểm xây dựng NTM. Cùng với xã điểm, huyện triển khai đồng loạt đến 18 xã còn lại với phương châm "Vừa làm vừa rút kinh nghiệm”. Trong quá trình xây dựng NTM, Hoài Đức cũng gặp không ít khó khăn như: Giá bất động sản liên tục biến động làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn thu ngân sách của huyện; Đa số người dân nông thôn vẫn còn khó khăn về vốn đầu tư phát triển sản xuất, nhất là đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, phát triển mạnh các ngành phi nông nghiệp để tạo việc làm và tăng thêm nguồn thu nhập…

Theo ông Nguyễn Quang Đức - Thành uỷ viên, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, việc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là dấu son trong quá trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân của huyện. Đây là niềm tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức. Đồng thời, cũng là tiền đề để huyện triển khai các bước tiếp theo thực hiện "Đề án xây dựng Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020".

Các xã triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Trong đó chú trọng ưu tiên các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hộ nghèo. Ưu tiên người có nhu cầu học nghề là người nghèo, người bị thu hồi đất canh tác. Do vậy thu nhập bình quân đầu người năm 2017 ước đạt 45,2 triệu đồng/người/năm (tăng 6,8 triệu đồng so với năm 2016). Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,52% (902 hộ), giảm 255 hộ so với năm 2016.

Hà Nội có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 2 Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thang Hằng phát biểu tại Lễ đón nhận huyện Hoài Đức đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã ghi nhận, biểu dương, chúc mừng những thành tích, kết quả đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức đã đạt được. Trong đó, huyện đã tập trung quy hoạch, xây dựng hạ tầng, cụm công nghiệp và làng nghề, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư và có bước phát triển rõ rệt. An ninh, quốc phòng được giữ vững, TTATXH được đảm bảo.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, việc đón nhận Bằng đạt chuẩn NTM là vinh dự, là niềm vui nhưng cũng là trách nhiệm to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Hoài Đức. Do đó, thời gian tới toàn huyện phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu để giữ vững những tiêu chí đã đạt được, phấn đấu đạt những thành quả cao hơn, giữ vững mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.