Người dân đóng góp hàng chục tỷ xây dựng nông thôn mới

Nông thôn mới tại huyện Đan Phượng
Nông thôn mới tại huyện Đan Phượng
TPO - Trong tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách thành phố chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên tới  10.667,6 tỷ đồng. Vốn do người dân đóng góp đạt 942,6 tỷ đồng, đặc biệt có những cá nhân đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, sau một nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, toàn thành phố đã có 4/18 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức. Năm 2018, thành phố phấn đấu có thêm 4 huyện về đích NTM là: Gia Lâm, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai.

Trong hơn 2 năm qua, thành phố đã có thêm 93 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã hoàn thành Chương trình số 02 lên 294/386 xã (đạt trên 76%), tăng 12,7% so với mục tiêu đề ra. Trong số 92 xã còn lại chưa về đích, có 56 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 36 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Tính đến nay, thành phố đã đạt bình quân 18,19 tiêu chí/xã, tăng 0,47% tiêu chí/xã so với năm 2015.

Cùng với hạ tầng được nâng cấp ngày một đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn của Hà Nội hiện đạt 38 triệu đồng/năm, tăng trên 5 triệu đồng/người/năm so với năm 2015.

Công tác y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 86%. Số lượng người dân nông thôn trên địa bàn thành phố được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 52%... Với những kết quả tích cực đã đạt được, Hà Nội được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng NTM.

Đáng chú ý, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02-Ctr/TU giai đoạn 2016-2020 đến hết tháng 3/2018 đạt trên 25.093 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên tới  10.667,6 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn do người dân đóng góp đạt 942,6 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã… đạt 954,8 tỷ đồng. Đại diện Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) ngoài những người dân đóng góp vài trăm triệu đến vài tỷ thì có những cá nhân đóng góp tới 20 tỷ đồng để giúp quê hương xây dựng NTM.

MỚI - NÓNG