16 tỷ USD xây sân bay Long Thành: Không để lợi ích nhóm chi phối

86,6% số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Như Ý
86,6% số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Như Ý
TP - Sáng 25/6, với 86,6% số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành. Theo đó, tổng mức đầu tư cho toàn bộ Dự án là hơn 336.630 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD) với mục tiêu Long Thành sẽ là một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Đảm bảo công nghệ, nhân lực

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về Chủ trương xây dựng Cảng HKQT Long Thành, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua thảo luận, đa số các đại biểu đều tán thành cần thiết đầu tư Dự án. Một số ý kiến cho rằng, do tính cấp thiết của Dự án nên cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa vào khai thác. Có ý kiến cũng đề nghị tăng cường công tác giám sát của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò giám sát của Quốc hội, kết quả giám sát cần phải công khai để người dân biết.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng yêu cầu phải: Tăng tính công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm; Phải có những giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quá trình đầu tư, ngăn chặn không để nhóm lợi ích chi phối quá trình triển khai thực hiện dự án; Bảo đảm suất đầu tư, chất lượng, công nghệ tương đương với các cảng hàng không hiện đại khác trong khu vực; Đảm bảo nguồn nhân lực vận hành, năng lực cạnh tranh và yêu cầu phải đạt hiệu quả kinh tế - xã hội. Một số đại biểu đề nghị làm rõ hơn tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, cơ cấu vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư; cần có giải pháp bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, hạn chế để nhà tài trợ vốn ODA lập dự toán, vì có thể làm tăng giá thành.

Giải đáp về những nội dung trên, Ủy ban TVQH cho rằng, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành trước hết là để giải quyết vấn đề quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa trong nước và quốc tế bằng đường hàng không. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án với mục đích giảm tải cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, trên cơ sở yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sẽ đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3 với quy mô công suất phù hợp. Đối với nguồn vốn, trong giai đoạn 1, tổng mức đầu tư khoảng 114.450 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 16.732 tỷ đồng (chiếm 14,6%), vốn ODA 29.150 tỷ đồng (chiếm 25,4%), vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước 68.567 tỷ đồng (59,9%).

Hạn chế việc đội vốn

16 tỷ USD xây sân bay Long Thành: Không để lợi ích nhóm chi phối ảnh 1

Các đại biểu QH biểu quyết thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành. Ảnh: Như Ý

Về lo ngại của các đại biểu đối với việc đội vốn dự án, Ủy ban TVQH cho rằng, theo pháp luật hiện hành như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và pháp luật liên quan đã được xây dựng theo hướng quản lý chặt chẽ việc đầu tư dự án, hạn chế việc đội vốn, phát sinh tăng chi phí đầu tư dự án. Trường hợp có điều chỉnh về vốn phải thực hiện chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Đối với tác động của dự án đến nợ công, Ủy ban TVQH khẳng định, với các kịch bản được tính toán, mức độ tác động đến nợ công tối đa 0,28% GDP. “Đầu tư dự án này sẽ mang lại các lợi ích kinh tế - xã hội quan trọng như: Góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước; Nâng cao trình độ khoa học - công nghệ; Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm...”, ông Giàu nhấn mạnh.

Ngoài ra, Ủy ban TVQH cũng khẳng định, trong quá trình triển khai xây dựng Cảng HKQT Long Thành theo phân kỳ đầu tư được phê duyệt, tiếp tục khai thác có hiệu quả Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Trong đó, thực hiện các giải pháp để khắc phục quá tải về vùng trời tiếp cận, điều hành khai thác bay một cách khoa học, hiệu quả để tăng năng lực tiếp nhận các chuyến bay trên vùng trời ở Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, nâng cao công tác quản lý, vận hành, khai thác: Tối ưu thời gian cất hạ cánh tại các khung giờ cao điểm, nhằm giãn mật độ cất hạ cánh của các chuyến bay, tránh ùn tắc cục bộ ở các khung giờ cao điểm nhất định. Đồng thời mở rộng sân đậu tàu bay từ 40 vị trí lên 63 vị trí trên phần diện tích mới nhận bàn giao từ Bộ Quốc phòng để đáp ứng yêu cầu phục vụ tối đa 25-26 triệu hành khách/năm, dự kiến hoàn thành năm 2016...

Theo Ủy ban TVQH, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phải bảo đảm giữ nguyên hiện trạng diện tích và công năng của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để phục vụ cho các hoạt động của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất như hiện nay, không sử dụng vào mục đích khác.

TS Nguyễn Bách Phúc: Theo dõi sát báo cáo nghiên cứu khả thi  

16 tỷ USD xây sân bay Long Thành: Không để lợi ích nhóm chi phối ảnh 2
Từ trước tới nay, tôi chỉ vạch ra những bất cập của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương. Câu chuyện này chưa kết thúc tại buổi biểu quyết sáng nay của Quốc hội. Chính phủ và Bộ GTVT phải làm báo cáo nghiên cứu khả thi. Báo cáo này rõ ràng hơn, cụ thể và chi tiết hơn nên hy vọng sẽ phát hiện ra những thiếu sót, bất cập của báo cáo tiền khả thi.

Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM (HASCON) sẽ tiếp tục theo dõi báo cáo nghiên cứu khả thi được lập và trình cho Quốc hội xem xét thông qua. Nếu báo cáo nghiên cứu khả thi khắc phục được những hạn chế, bất cập trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì chúng tôi rất ủng hộ, còn nếu không, chúng tôi sẽ tiếp tục có ý kiến.           

  TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch HASCON

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống: Hy vọng làm rõ hiệu quả tài chính của dự án

16 tỷ USD xây sân bay Long Thành: Không để lợi ích nhóm chi phối ảnh 3
Tôi hy vọng báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ làm rõ những vấn đề mà báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa làm rõ. Đó là đánh giá về hiệu quả tài chính của dự án sân bay Long Thành. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chỉ ước tính sơ bộ là cần bao nhiêu tiền để đầu tư. Tuy vốn đầu tư (giai đoạn 1) dự án sân bay Long Thành đã giảm gần 1/3 so với ban đầu nhưng các hạng mục không giảm.

Quy mô vẫn 25 triệu lượt khách/năm, sân bay vẫn có hai đường băng, diện tích không đổi, tại sao giá lúc trước rất đắt mà bây giờ lại giảm nhiều như vậy? Bỏ đi một hạng mục thuộc nhóm hạng mục số 5 trị giá khoảng 600 triệu USD (hạng mục sửa chữa, bảo trì máy bay bắt buộc phải làm) mà lại biện hộ là tư nhân đầu tư, không đưa vào thì chưa thuyết phục.             

PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa TPHCM

Huy Thịnh (ghi)

MỚI - NÓNG