Học xong trường Tiểu học Pháp- Việt ở thị xã Lạng Sơn, với ước vọng và niềm tin đấu tranh của tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Trước khi rời quê hương, Thụ xin phép bố mẹ cho đi học trường đào tạo ký ga xe hỏa ở Hà Nội nhằm tìm sự hỗ trợ tiền bạc, nhưng thực chất là sang Long Châu hoạt động.
Tháng Giêng 1928 từ con đường mòn làng Cốc Nam (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) anh Thụ và Lương Văn Tri, người bạn chung chí hướng vượt núi bí mật sang bên kia biên giới. Theo hoạch định, Thụ đến nhà Mã Khánh Phương tại làng Lủng Nghịu (Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc), cách bản Cốc Nam chừng 4km.
Gia đình Phương vốn ở châu Văn Uyên, quê hương Thụ, song có cha tham gia cuộc bạo động của Việt Nam quang phục Hội tấn công đồn Đồng Đăng, Lạng Sơn năm 1914 và bị địch truy lùng nên gia đình buộc phải sang nước bạn lánh nạn.
Khi biết những người trẻ yêu nước tìm tổ chức cách mạng, gia đình Mã Khánh Phương tìm mọi cách che chở, giúp đỡ nên 2 anh đã nhanh chóng đến được Long Châu.
Thợ tài ba
Nhằm sưu tầm nghiên cứu, xác minh hoạt động của Hoàng Văn Thụ và các lãnh tụ cách mạng nước ta những năm hoạt động ở Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đã cử nhiều đoàn công tác đến Long Châu, Nam Ninh (Quảng Tây) và đã thu được nhiều hiện vật, tài liệu quý giá. Gần đây, trong ba ngày (từ 25 đến 27/3/2019), đoàn cán bộ Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn do ông Nông Đức Kiên, giám đốc làm trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc tại Quảng Tây, Trung Quốc.
Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu: Cuối năm 1928, anh Thụ chính thức được công nhận là hội viên tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Từ đầu năm 1929, ngoài thời gian làm việc và hoạt động tại “xưởng cơ khí Nam Hưng” nổi tiếng ở đường Cộng Hòa, thành phố Nam Ninh với tay nghề của một thợ cơ khí giỏi, anh Thụ còn được giới thiệu làm việc ở “tu giới sở”. Tại đây, Thụ thường xuyên được điều động đi sửa chữa súng, pháo tại các đồn điền lính tiền tiêu của Quốc dân đảng, qua đó vận động, tuyên tuyền cách mạng.
Với đức tính trung thực, hoạt bát, hòa nhã với mọi người, anh Thụ nhanh chóng gây dựng được các cơ sở quần chúng tin cậy, tạo thuận lợi cho các chiến sỹ Việt Nam đi lại hoạt động. Anh Thụ còn tranh thủ gặp gỡ với một số đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc, tạo mối quan hệ đồng thời học thêm tiếng Trung Quốc để thuận tiện giao dịch, nghiên cứu tài liệu, sách báo về lý luận chủ nghĩa Mác- Lê Nin do đảng cộng sản Trung Quốc ấn hành.
Trong hai năm 1931, 1932 Hoàng Văn Thụ và Hoàng Đình Giong ở Long Châu đã xây dựng được xưởng dệt khăn mặt tại số nhà 7 và 9 phố Nam (nay là phố Long Giang). Hình thức bên ngoài là xưởng, tiệm may nhưng thực chất là cơ sở hoạt động bí mật của ta.
Trong thời gian hoạt động tại đây, anh Thụ được nhân dân địa phương yêu mến, che chở. Một số cơ sở quần chúng thường xuyên làm liên lạc, tiếp tế cơm nước như gia đình các ông: Lâm Phú Bình, Nông Kỳ Chấn, Nông Nhân Bảo.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Huynh (nguyên Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn), đã hai lần đến Long Châu công tác cho biết: Long Châu, một huyện biên giới phía Nam của Trung Quốc giáp với hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng của Việt Nam nên tình cảm, cách sống nhân dân hai nước khá tương đồng.
Ông Huynh kể lại: “Cuối tháng 5 năm 1994, chúng tôi gặp cụ bà Dương Trung Yến, người đã tham gia giúp đỡ cán bộ cách mạng của ta. Khi ấy, cụ Yến đã 74 tuổi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ Yến dẫn chúng tôi đến thăm lại xưởng khăn mặt năm xưa. Hai ngôi nhà này nằm sát gần nhau. Ngôi nhà số 9 vẫn nguyên vẹn gần như xưa, còn nhà số 7 chủ nhà đã xây dựng mới thành nhà 2 tầng mái bằng.
Chúng tôi còn được đến thăm ngôi nhà số 82 phố Bát Bảo (nay là phố Doanh), một cơ sở quan trọng ở Long Châu, nơi ở và hoạt động của Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Hoàng Đình Giong. Đây là trạm liên lạc của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam suốt thập kỷ 30 và đầu những năm 40 của thế kỷ XX, vừa là nơi in tài liệu và mở lớp huấn luyện cách mạng.
Ông Nông Nhân Bảo, chủ ngôi nhà là người bố trí anh Thụ, Tri, Giong ở nhà trên thoáng mát nhưng các anh không chịu. Anh Thụ kê một cái gường ở gác bếp vừa nghỉ ngơi, họp kín, ít người để ý đến. Giả sử có động, từ gác bếp này, các anh ra phía sau là hồ nước rộng. Đó là đường rút bí mật. Địa hình lý tưởng này là trạm giao liên đưa đón nhiều cán bộ cách mạng Việt Nam từ trong nước đến hoặc từ nước ngoài vào các tỉnh biên giới của ta rất thuận lợi”.
Ông Huynh còn giới thiệu về di tích nhà số 74, 76 phố Nam. Đây là ngôi nhà rất quy mô, bề thế nằm trên một con phố cổ chạy dọc sông Lệ Giang tại trung tâm huyện lỵ Long Châu. Kiểu dáng của ngôi nhà mang những nét đặc trưng rất điển hình của kiến trúc Trung Hoa cổ.
Năm 1931, anh Thụ và những người cách mạng Việt Nam đã thuê ngôi nhà này với danh nghĩa để làm ăn, buôn bán nhưng thực chất là tạo địa điểm liên lạc an toàn, tổ chức hoạt động bí mật đến tận năm 1936. Do đó, điểm di tích này có tên là “Cơ quan bí mật của đảng cộng sản Việt Nam tại Long Châu”. Từ năm 2006, nước bạn công nhận đây điểm di tích, vừa là nhà trưng bày các tài liệu, hiện vật về hoạt động của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam.
(Còn nữa)
“Năm 2006, nước bạn đầu tư 2,5 triệu Nhân dân tệ (tương đương 6 tỷ VNĐ) để xây dựng khu lưu niệm ở Long Châu. Nơi đây đã trở thành điểm tham quan du lịch về nguồn, địa chỉ đỏ tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân hai nước, đón tiếp hàng chục ngàn lượt khách tham quan mỗi năm”.