110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909-4/11/2019)

110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ: Thời tuổi trẻ sôi nổi

Ngôi nhà sàn, nơi anh Thụ sinh ra và lớn lên Ảnh: Duy Chiến
Ngôi nhà sàn, nơi anh Thụ sinh ra và lớn lên Ảnh: Duy Chiến
TP - Sinh ra và lớn lên trong gia đình gia giáo, truyền thống yêu nước nồng nàn, Hoàng Văn Thụ sớm bộc lộ là con người bộc trực, thẳng thắn, sẵn sàng giúp đỡ người cùng khổ.

Vào 9 giờ sáng 4/11/1909 (tức ngày 22 tháng 9 năm Kỷ Dậu), ngôi nhà sàn gia đình ông Hoàng Khải Lan ở thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) rộn tiếng cười và cả tiếng chim hót vang trên dãy rừng hồi tỏa hương thơm ngát. Người con trai thứ 2 ra đời trong niềm hạnh phúc của dòng họ Hoàng. Ông được cha mẹ và thầy Mo đặt cho cái tên trìu mến: Hoàng Văn Thụ.

Nêu gương đầu

Tổng Nhân Lý là miền quê miền núi trù phú, giàu đẹp bởi những cánh rừng hồi xanh ngắt, cánh đồng màu mỡ cùng con suối nước trong lành, chính vì vậy ông Hoàng Khải Lan tuy được chính quyền cai trị ở địa phương bổ nhiệm làm Lý trưởng nhưng do bất mãn với chính sách bất công, ngang trái của thực dân phong kiến, ông đã bỏ về Nhân Lý làm nghề nông, dạy chữ nho cho con cháu, người dân trong làng.

Năm lên sáu tuổi, Thụ rất ham mê theo các anh lớn tuổi lên rừng bày binh bố trận đánh trận giả. Rồi Thụ về bản tập hợp con trai, con gái chia làm 2 phe tổ chức “đánh trận giả giữ làng” ở giữa ruộng Pò Râm - một mảnh ruộng lớn tròn như cái mâm xôi nếp của dòng họ Hoàng khi đã gặt hái xong. Lần nào, phe do Thụ cầm đầu cũng thắng. Bọn trẻ thời ấy cho rằng Thụ có “mệnh cứng” nên mũi tên, hòn đạn không thể chạm vào thân nhưng đâu phải thế, cậu bé Thụ chỉ khéo léo kết hợp lòng quả cảm với óc mưu trí, tai nghe thính, chân tay nhanh nhẹn.

Kể lại chuyện này, ông Hoàng Thanh Phương, Phó chủ tịch HĐND xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng xúc động chỉ cho chúng tôi thấy vạt lúa đang kỳ xanh tốt của gia đình, nơi ghi dấu ấn tuổi thơ “dữ dội” của người ông đáng kính.

Ông Phương cho biết, thân phụ của ông là cháu ruột Hoàng Văn Thụ. Hiện nay, gia đình ông vẫn sinh sống, canh tác trên chính mảnh đất cha ông xưa. Vào những ngày lễ, tết, già làng trưởng bản, cha ông thường kể cho nghe tấm gương sáng của nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ.

Dẫn chúng tôi đến bên con suối Nà Pàn chảy quanh co uốn khúc, nước sâu chảy xiết, ông Phương kể lại: Vào mùa hè năm 1918, Thụ và các bạn bè thường thi nhau chạy đến ruộng Pò Râm nằm lăn như trâu đầm, lấm bùn khắp thân rồi chạy đến suối Nà Pàn, leo lên ngọn cây cao nhảy ùm xuống nước, thân người bỗng sạch bong. Một hôm, sau khi tắm mát, bọn trẻ ríu rít rủ nhau lên bờ thì có tiếng kêu: “Thằng Thịnh đâu rồi?. Hay nó bị piêu ngược (thuồng luồng) đòi mạng rồi. Sợ quá. Đi gọi thầy Mo thôi”.

Thụ to tiếng trấn an: “Không có thuồng luồng đâu. Để tao lặn xuống. Các thằng cởi quần ra hết, nối cho dài rồi buộc vào lưng tao để tao lặn xuống tìm thằng Thịnh. Lâu không thấy ngoi lên thì kéo tao nhá”.

Hơn chục cái quần nối lại dài vài sải buộc vào dây quần Thụ ở phía sau lưng. Thụ nhanh chóng lao xuống chỗ xoáy nước, mất tăm.

110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ: Thời tuổi trẻ sôi nổi ảnh 1 Cánh đồng và ao cá họ Hoàng vẫn in bóng người xưa Ảnh: Duy Chiến 

Lặn ngụp đến lần thứ 3 thì Thụ ngoi lên mặt nước. Mặt tái mét, tay phải túm tóc bạn Thịnh kéo vào bờ. Lên tới nơi, Thụ ngồi bệp xuống bãi cát bồi thở, còn Thịnh không cử động, thịt da nhợt nhạt. Bọn trẻ rống lên thất thanh “Phạ ơi (trời ơi) Thịnh chết rồi”.

Thụ nhoài người nói như ra lệnh “Nó chưa về giời đâu. Khiêng nó lên tảng đá kia mau”. Cả bọn nghe lệnh cõng ngửa Thịnh đặt lên tảng đá. Thụ cúi xuống cái miệng, cái mũi của Thịnh hút chùn chụt. Rồi Thụ sai bọn trẻ đặt Thịnh úp bụng xuống đất, miệng dốc xuống, hai chân vẫn để thõng xuống dòng nước. Thụ gắng sức dạng chân qua lưng Thịnh nhấc hai cánh tay của Thịnh kéo ra, ép vào nách như con chim non vỗ cánh tập bay. Cứ thế, nước từ miệng Thịnh chảy ra ròng ròng.
Chừng nửa tiếng sau, Thịnh từ từ mở mắt. Cả bọn reo vui như tết, bái phục Hoàng Văn Thụ. Có đứa hỏi “Thụ ơi. Sao mày biết chữa người chết nước sống lại được?”. Thụ đáp: “Bố tao mách cho đấy”.

Đi làm cách mạng

Với tình thương yêu, đặt niềm tin ở người con trai thông minh, sáng dạ, dũng cảm, từ năm 1923, sau khi Thụ học xong trường làng, ông Hoàng Khải Lan lo cho con ra thị xã Lạng Sơn theo học trường Tiểu học Pháp - Việt với mong muốn Thụ học hành đỗ đạt, tiến thân. Một người bạn của ông Lan đã cho Thụ và Lương Văn Tri trọ học tại nhà mình ở phố Chính Cai, giữa phố chợ Kỳ Lừa vừa gần trường học, vừa gần chợ rất thuận tiện.

Là thanh niên có khả năng nhận biết về những biến động mới, thời gian này Thụ cùng các bạn cùng chí hướng như: Hoàng Đình Giong, Lương Văn Tri tham gia phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh chống lại thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Tháng giêng năm 1928 từ con đường mòn ở làng Cốc Nam (xã Tân Mỹ, Văn Lãng), Thụ và Tri đã bí mật vượt núi sang Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) tham gia tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội và sớm trở thành đảng viên đầu tiên của Đảng cộng sản Đông Dương. Hoàng Văn Thụ được Đảng giao nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức và phát triển quần chúng cách mạng ở tỉnh miền núi Lạng Sơn.

Trải qua những năm tháng thanh xuân từ năm 1930 đến 1938, Hoàng Văn Thụ tham gia gây dựng phong trào phát triển cách mạng ở hải ngoại cũng như tại Văn Uyên quê nhà, huyện Bắc Sơn, Thất Khê (tỉnh Lạng Sơn), Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), Thông Nông (Cao Bằng) và nhiều tỉnh thành khác như: Hải Dương, Vĩnh Yên, Hà Nội. Ngày 8/9/1939 tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã được Trung ương phân công làm Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ.

Nhà nghiên cứu Hoàng Văn Páo (nguyên giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Lạng Sơn) cho biết: “Cả cuộc đời thanh xuân của Hoàng Văn Thụ đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ngày 25/8/1943, anh Thụ bị địch bắt tại khu Tám Mái, Hà Nội. Dù cho quân thù uy hiếp, tra tấn, dụ dỗ, lôi kéo nhưng ý chí kiên trung bất khuất của người cộng sản luôn luôn rực sáng. Trong lao tù, anh Thụ vẫn lạc quan, tin vào ngày mai chiến thắng. Vậy nên, trong trái tim mỗi người đất Việt vẫn còn ngân vang bài thơ “Nhắn bạn”, Hoàng Văn Thụ viết trong xà lim
máy chém:

“Việc nước xưa nay có bại thành/Miễn sao giữ trọn được thanh danh/Phục tù chí lớn không hề nản/Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành!”...

 “Sáng 24/5/1944 thực dân Pháp đã sát hại Hoàng Văn Thụ tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Anh ngã xuống ở tuổi 35, tuổi sung mãn nhất của đời người. Anh đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc và sự nghiệp giải phóng dân tộc” (trích tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn).

Kỳ sau: Theo đấu chân Anh
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.