Nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ: Hỏng vì làm mới

Bê tống hóa mặt tiền ngôi nhà sàn nom rất phản cảm
Bê tống hóa mặt tiền ngôi nhà sàn nom rất phản cảm
TP - Khi đến Nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ ở thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, mọi người không khỏi ngỡ ngàng, bức xúc trước cảnh “bê tông hóa” mặt tiền của ngôi nhà sàn, phá vỡ đi cảnh quan chân thực của một di tích lịch sử cấp quốc gia.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ra và lớn lên là ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày Lạng Sơn được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Nhà sàn có kiến trúc ba gian, hai mái có 5 hàng cột kê trên đá tảng, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ tứ thiết, xung quanh bao bọc là liếp tre, mái lợp ngói âm dương. Gian giữa có bàn thờ gia tiên và chỗ ngồi tiếp khách, hai bên bố trí thành nhiều buồng nhỏ để tiện sinh hoạt hàng ngày của các thành viên gia đình. Nửa nhà sau được ngăn làm gian bếp, dưới gầm để các dụng cụ làm nông và sinh hoạt, vật dụng sinh hoạt hàng ngày.

Ngôi nhà sàn này còn ghi dấu ấn những năm tháng tuổi thơ của Hoàng Văn Thụ. Đến khi đồng chí đi hoạt động cách mạng, cha mẹ vẫn sinh sống tại đây.

Phục dựng

Khoảng những năm 1950, ngôi nhà bị xuống cấp, hư hỏng, không sử dụng được. Năm 1984, thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, tỉnh Lạng Sơn tiến hành phục dựng lại nhà sàn trên nền cũ để làm nơi lưu niệm, phục vụ nhân dân đến thăm quan, nghiên cứu, học tập về thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ- lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.

Ông Hoàng Văn Páo (nguyên giám đốc sở VH-TT &DL Lạng Sơn, chủ tịch Hội di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn) cho biết, năm 1984, khi đó ông là chuyên viên Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn được tham gia vào công việc phục dựng, nâng cấp nhà lưu niệm Hoàng Văn Thụ.

“Bên cạnh việc xây dựng nhà chính bằng gỗ nghiến bền đẹp, tỉnh Lạng Sơn khảo sát thật kỹ nguyên mẫu gốc để làm sàn phơi thóc trước cửa nhà kết hợp làm cầu thang bằng gỗ tạo lối lên xuống. Thời kỳ đầu sàn làm bằng vầu sau đó thay thế bằng cây cáy móc rất bền, đẹp lại giống như xưa. Nhất là cầu thang lên xuống phải rộng đủ người gánh thóc qua lại thuận tiện, dễ dàng”. Ông Páo thuật lại.

Bà Đường Kim Xuyến, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Lãng kể, ngày khánh thành, đồng bào các dân tộc địa phương hân hoan, phấn khởi trước vẻ đẹp của ngôi nhà sàn, đúng nguyên bản gốc một cách bình dị, thanh tao như chính cuộc đời cách mạng của người con quê hương Hoàng Văn Thụ. “Chúng tôi bàn bạc với nhau, tổ chức gìn giữ, bảo quản di tích lịch sử này, là nơi sinh hoạt truyền thống của Đảng bộ, nhân dân địa phương. Tuy nhiên, do thời gian và thời tiết khắc nghiệt nên một số hạng mục của nhà sàn lưu niệm Hoàng Văn Thụ lại hư hỏng, xuống cấp”. Bà Xuyến nói.

Chướng mắt “Bê tông hóa”

Vào khoảng đầu năm 2018, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT &DL) Lạng Sơn khảo sát và tiến hành tân trang, sửa chữa, nâng cấp nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ sau khi có Quyết định phê duyệt Báo cáo tu sửa cấp thiết di tích này của UBND tỉnh Lạng Sơn (Quyết định số 2544/QĐ-UBND, ngày 27/12/2017 do Phó chủ tịch Hồ Tiến Thiệu ký).

Sau gần nửa năm tháo dỡ, hạ giải hiên mái nhà, sân phơi, lan can, cầu thang bằng gỗ sau đó xây dựng lại bằng bê tông cốt thép, sơn giả gỗ thì công trình tân trang đã hoàn thành.

Theo quyết toán của Sở VH-TT &DL, việc bê tông hóa hiên nhà sàn, xây dựng hoàn thiện hệ thống tường bao, lắp 2 bộ cánh cổng ra vào bằng thép inox với tổng kinh phí xây dựng là 694.282 triệu đồng.

Ngay từ khi “làm mới”, người dân địa phương, các nhà chuyên môn kiến trúc, hội họa không đồng tình, lên tiếng phản ứng gay gắt những khối bê tông thô ráp, kệnh cỡm đã phá hỏng cảnh quan khu di tích với màu sắc, đường nét không ăn nhập vào ngôi nhà sàn xưa cũ.

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, mặt sàn được lát bằng thứ gạch bóng lộn, rất dễ trơn trượt. Những người đi giầy cao gót, người già, em nhỏ phải di chuyển cẩn thận, dễ bị té ngã. Còn cầu thang được làm lại tiết kiệm rất hẹp, một người di chuyển còn khó.

Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội di sản Văn hóa Lạng Sơn cho biết, tôn tạo, tu bổ di tích phải giống thực nguyên mẫu và tôn trọng luật di sản. Công việc tôn tạo, tu sửa như trên là đáng trách, không thể chấp nhận được. “Nhìn thấy cái bóng lộn chẳng ăn nhập gì với nguyên mẫu nom mà chán quá. Làm như thế là sai hoàn toàn rồi”. Ông Páo chua xót nói.

Trong buổi họp báo tháng 10 năm 2019 do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức, trước sự truy vấn của phóng viên, ông Nguyễn Phúc Hà, giám đốc sở VH-TT &DL Lạng Sơn thừa nhận những khiếm khuyết, tồn tại kể trên và cho biết sẽ khắc phục, sửa chữa.

Ngày 15/10, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đã thị sát kiểm tra công tác chuẩn bị cho hoạt động Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Hoàng Văn Thụ (4/11/1909- 4/11/2019). Tại đây, lãnh đạo tỉnh đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác chỉnh trang, tôn tạo các di tích lịch sử. Trong đó có nhà lưu niệm Hoàng Văn Thụ, đồng thời yêu cầu Sở VH-TT &DL cần sớm khắc phục nhưng tồn tại, bất cập kể trên.

Ông Nông Văn Thảm, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn nhấn mạnh: “Những việc làm trái với nguyên mẫu thì phải làm lại, làm cho chuẩn, cho đúng. Dù có tốn kém kinh phí thì cũng phải thực hiện cho đúng tầm với công lao hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Bên cạnh đó cũng cần xem xét trách nhiệm của những tập thể và cá nhân có liên quan đến công việc tôn tạo, tu bổ này”.

Nhà sàn đồng chí Hoàng Văn Thụ tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã được Bộ Văn hóa- Thông tin (Bộ VH-TT &DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993 (Quyết định số 2015 QĐ-BVHTT, ngày 16/12/1993)

MỚI - NÓNG