1001 thắc mắc: Khủng long tuyệt chủng sao chim vẫn sống?

1001 thắc mắc: Khủng long tuyệt chủng sao chim vẫn sống?
TPO - Khoảng 66 triệu năm trước, một tảng thiên thạch khổng lồ đã va vào Trái đất  giết chết tất cả khủng long. Nhưng câu hỏi là tại sao các loài chim lại vẫn sống?

Khủng long là một nhóm bò sát thuộc nhánh Dinosauria, xuất hiện lần đầu vào kỷ Tam Điệp khoảng 243 - 233,23 triệu năm trước đây. Kể từ sau sự kiện tuyệt chủng Tam Điệp-Jura (201,3 triệu năm trước), khủng long trở thành nhóm động vật có xương sống chiếm ưu thế nhất xuyên suốt qua kỷ Jura cho đến cuối kỷ Phấn Trắng, khi sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng-Cổ Cận (66 triệu năm trước) diễn ra làm tuyệt chủng hầu hết các nhóm khủng long và 3/4 các loài động vật, thực vật trên Trái Đất, đánh dấu kết thúc Đại Trung Sinh và bắt đầu Đại Tân Sinh. Các ghi nhận hóa thạch cho thấy chim là khủng long có lông vũ, tiến hóa từ khủng long chân thú vào thế Jura muộn. Do đó, chim là hậu duệ duy nhất còn sót lại ngày nay của khủng long.

Chim làm tổ trên cây, và ở thời điểm thiên thạch rơi xuống, hỏa hoạn thiêu đốt hầu hết các khu rừng khổng lồ trên thế giới. Và nếu như vậy, rõ ràng các loài chim không thể tồn tại được.

Một nghiên cứu mới đây do các chuyên gia từ ĐH Bath (Anh Quốc) thực hiện đã đưa ra được lý giải cho hiện tượng này. Theo đó, chính xác là chỉ các loài chim không sống trên cây mới tồn tại được thôi. Những con sống sót đều thuộc loài không nhanh nhẹn, sinh sống chủ yếu trên mặt đất.

Cụ thể, nhà cổ sinh vật học Daniel Field – tác giả nghiên cứu – đã phân tích các mẫu hóa thạch thực vật thời cổ đại. Họ nhận thấy sau thời điểm thiên thạch va chạm, có một lượng lớn than củi được hình thành. Bên trong đó có chứa các bào tử dương xỉ – được cho là thành phần thay thế những khu rừng bị thiêu rụi kia.

Nhưng quan trọng hơn, họ nhận ra các loài chim sống cùng kỳ với khủng long đều phụ thuộc vào cây cối, trong khi tổ tiên của chim thời hiện đại thì dường như không biết bay. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng các loài chim biết bay cũng chết khi thảm họa xảy ra. Rồi khả năng bay lượn, sống dựa vào cây sẽ được tái tiến hóa sau đó trên những họ hàng kém linh hoạt hơn của chúng.

Đáng chú ý, về cơ bản thì các loài chim vốn là khủng long (trong thời Trias và kỷ Mesozoic từ 225 triệu năm trước). Vì là khủng long, chúng sẽ có những hàm răng sắc nhọn. Tuy nhiên, do nhu cầu giảm thời gian ấp trứng để tồn tại, mà tính trạng này cũng mất đi.

 “Ngày nay, chim chóc là một trong những lớp đa dạng nhất trong nhóm động vật có xương sống – với 11.000 loài trên toàn thế giới” – Field cho biết.

“Nhưng chỉ có một số ít các loài chim sống sót khi thảm họa diệt chủng 66 triệu năm trước xảy ra, và tất cả các loài chim hiện nay đều được phân nhanh từ chúng”.

Nghiên cứu nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia, nhưng cũng không ít ý kiến phản đối. Theo Alan Cooper – nhà nghiên cứu về tiến hóa, thì lịch sử chưa chắc đã đơn giản như những gì được viết ra. Không có gì đảm bảo mọi loài chim biết bay đều tuyệt diệt, cũng như các yếu tố khác không gây ảnh hưởng đến quá trình tiến hóa của chim.

Giả thuyết nếu khủng long vẫn còn tồn tại đến ngày nay

Các nhà khoa học đã đặt ra giả thuyết, nếu vì một lý do nào đó, thiên thạch Chicxulub không va vào Trái đất, không tạo nên sự kiện Đại tuyệt chủng thì phải chăng, loài người sẽ không có được vị thế như hiện nay.

1001 thắc mắc: Khủng long tuyệt chủng sao chim vẫn sống? ảnh 1  

Hoặc giả nếu tồn tại thêm một lớp người khác là hậu duệ của khủng long cùng với trí thông minh tương tự như loài người, hay đặc biệt hơn, con người và khủng long cùng tồn tại song hành thì cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao?

Tất nhiên, câu trả lời sẽ không rõ ràng vì điều này khó có thể xảy ra. Nếu khủng long tồn tại đến ngày nay, các loài động vật to lớn ngày nay vẫn bị coi là loài vật nhỏ bé, phải trốn chui trốn lủi trước các "ông lớn" với bước đi hùng dũng, gây rúng động mặt đất.

Theo phân tích của một số nhà khoa học, một sự kiện Đại tuyệt chủng khác đã diễn ra 250 triệu năm về trước đưa khủng long lên nắm quyền trên hành tinh này.

Vậy nên, nếu sự kiện Chicxulub không xảy ra, chắc hẳn sẽ có một thảm họa khác đưa động vật có vú lên làm bá chủ. Hoặc không, Trái đất cũng sẽ đón nhận một lớp động vật hoàn toàn khác những gì quá trình tiến hóa mang lại như hiện nay.

Nhưng dù nói thế nào đi chăng nữa, chỉ một biến chuyển nhỏ của khí hậu hay thành phần khí quyển cũng có thể dẫn đến những thay đổi trong điều kiện sống. Với sự cân bằng tự nhiên, nó sẽ khiến loài này mạnh lên và làm loài khác suy yếu.

Vì vậy, chúng ta có thể tin rằng, có một sự cân bằng tự nhiên giữa động vật có vú và các loài bò sát khổng lồ. Loài người chúng ta vẫn sẽ xuất hiện, tiến hóa, dù cho không có một thảm họa tuyệt chủng nào xảy ra.

MỚI - NÓNG