“Anh phải rút trước! Nhà tôi chứ không phải nhà anh”
Đề cập đến tình hình căng thẳng tại biển Đông, cử tri Nguyễn Văn Bông (Hội Luật gia Quận 1) đề nghị Quốc hội có ý kiến tại kỳ họp sắp tới. Theo cử tri Trịnh Thị Hương (Nữ tu dòng Thánh Phaolo), ngay khi biết Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào Việt Nam, Hội đồng Giám mục đã kêu gọi mọi người cùng góp sức với Tổ quốc, giảm chi tiêu để ủng hộ các cán bộ chiến sỹ đang kiên cường bám biển giữ vững chủ quyền. Một số cử tri băn khoăn vì sao Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam không ngăn chặn ngay từ đầu, đến khi họ hạ đặt rồi mới yêu cầu rút đi.
“Hoàng Sa - Trường Sa là một cặp từ thiêng liêng không khi nào chúng ta được quên. Anh mang tàu chiến ra dọa tôi, nói là hòa bình đâu được. Chúng ta không muốn xung đột nhưng xâm phạm chủ quyền thì chúng ta kiên quyết ngăn chặn”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Theo luật pháp quốc tế, nếu giàn khoan di chuyển trên vùng đặc quyền kinh tế thì Việt Nam không được ngăn cản. chỉ đến lúc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vào lô dầu khí 143 thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì mới vi phạm luật pháp quốc tế. Thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) quy định các bên phải giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình. Chính Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng vì lâu nay giàn khoan không nằm ở đó. Làm như vậy là vi phạm DOC.
“Vấn đề tôi cho rằng rất nghiêm trọng là những thỏa thuận giữa Trung Quốc và Việt Nam trên những vấn đề tranh chấp biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện không nghiêm túc. Cấp cao nhất của hai nước đã có thỏa thuận trong các chuyến viếng thăm chính thức. Bây giờ Trung Quốc vi phạm. Yêu cầu của chúng ta hết sức cụ thể. Đó là độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Cụ thể hơn, Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là nguyên tắc trước sau như một theo DOC. Đó là giữ nguyên, không được làm thay đổi hiện trạng. Đây cũng là nguyện vọng chung của toàn thể người dân Việt Nam. Rất nhiều nước trên thế giới ủng hộ lập trường của Việt Nam” – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Trên mặt trận ngoại giao, từ khi xảy ra (1/5) đến nay là hơn 10 ngày, Việt Nam đã giao thiệp trên 10 cuộc. Hằng ngày đều giao thiệp, mật độ rất dày, chưa từng có vì tính chất hết sức nghiêm trọng vì xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia, chúng ta phải bảo vệ, chủ động giao thiệp rất trách nhiệm. Trên thực địa, ta xử lý kịp thời ngay khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan bằng lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, không dùng quân sự. Trái lại, Trung Quốc huy động nhiều tàu chiến để bảo vệ giàn khoan, vi phạm quy định không được sử dụng vũ lực của DOC.
“Hoàng Sa - Trường Sa là một cặp từ thiêng liêng không khi nào chúng ta được quên. Anh mang tàu chiến ra dọa tôi, nói là hòa bình đâu được. Chúng ta không muốn xung đột nhưng xâm phạm chủ quyền thì chúng ta kiên quyết ngăn chặn. Anh phải rút trước, nhà tôi chứ không phải nhà anh. Tôi với anh tranh chấp với nhau bằng con đường trao đổi trực tiếp song phương, đa phương, không ngã ngũ thì nhờ cơ quan tài phán quốc tế phân xử” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Kiên quyết nhưng phải bình tĩnh
Cử tri Trần Quang Tuấn (phường Bến Nghé) bức xúc: Chúng ta chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng lại thả lỏng việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cho công nhân nên mới dễ dàng bị kẻ xấu lôi kéo, kích động.
“Trung Quốc phê phán rằng mình bật đèn xanh cho dân. Điều này không đúng. Chúng ta đâu có bật đèn xanh đèn đỏ gì. Anh xâm phạm chủ quyền của chúng tôi, họ sục sôi phản đối là khách quan thôi. Chúng tôi cũng đã trả lời họ rồi: Anh rút giàn khoan ra thì họ đâu như thế” – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ rõ.
Theo Chủ tịch nước, tình trạng công nhân bị lôi kéo, kích động vi phạm pháp luật trong mấy ngày qua còn do tổ chức công đoàn cơ sở trong các nhà máy, xí nghiệp, công ty, khu công nghiệp nói trên yếu kém. Một số đối tượng xấu bên ngoài tác động, xúi giục công nhân tham gia đập phá trụ sở, tài sản của doanh nghiệp. Đây là những hành động không thể chấp nhận được, làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt quốc tế, phương hại đến chính công ăn việc làm của chính công nhân.
“Chúng ta mời các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam làm ăn và cam kết bảo vệ họ, giờ đây những kẻ xấu đập phá công ty của họ thì chúng ta phải nghiêm khắc xử lý. Nhiệm vụ cấp bách bây giờ là nhanh chóng khắc phục tình hình sản xuất, đồng thời làm công tác tư tưởng với các nhà đầu tư để họ yên tâm làm ăn lâu dài” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.
Theo Chủ tịch nước, dư luận trong và ngoài nước cho đến nay chưa thấy có nước nào ủng hộ Trung Quốc mà ủng hộ Việt Nam. Chúng ta có chính nghĩa, kiên quyết nhưng phải bình tĩnh. Trái tim nóng vì chủ quyền bị xâm phạm nhưng phải giữ cái đầu thật lạnh để không bị bất ngờ, không bị khiêu khích.
“Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, đồng bào lại đoàn kết với nhau. Đây là truyền thống của ông cha, dân tộc, bất kể lương hay giáo. Tôi mong bà con trong những tình huống khó khăn như thế này cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt và nhắc nhở nhau tăng cường đoàn kết xung quanh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và phải hết sức cảnh giác trước những thông tin mang tính chất chia rẽ nội bộ. Người ta muốn chia rẽ chúng ta. Chúng ta phải thấm thía những bài học của ông cha trước đây” – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.