Lý giải việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, Thiếu tướng - PGS.TS Lê Văn Cương cho rằng, dầu mỏ chỉ là cái cớ, còn độc chiếm Biển Đông mới là mục đích cuối cùng của Trung Quốc.
Trung Quốc từng đề nghị chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ. Qua đó, Trung Quốc muốn khống chế Nhật Bản, Hàn Quốc, đặt toàn bộ ASEAN vào trong lòng bàn tay Trung Quốc.
Thiếu tướng Cương dẫn chứng, Mỹ nhận định Biển Đông chỉ có khoảng 30 tỷ thùng dầu, hơn nữa phần lớn ở độ sâu từ 50m tới hàng trăm m, chất lượng cũng không ghê ghớm. Trong khi đó, Biển Đông là một trong 5 con đường hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới. Các tuyến hàng hải Châu Phi, Trung Á, Nam Á, Bắc Mỹ… đều qua biển Đông. Cường quốc nào cũng có lợi ích tại biển Đông. Vì vậy Hoa Kỳ tuyên bố an ninh Biển Đông có liên quan lợi ích quốc gia của họ.
Về các hành động đe dọa dùng vũ lực và sử dụng vũ lực đối với các tàu chấp pháp của Việt Nam, Thiếu tướng Cương khẳng định, Trung Quốc đã vi phạm tất cả luật pháp quốc tế, nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc là thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đánh giá về những hành động của Trung Quốc, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, việc xâm lăng lãnh thổ, chủ quyền nước khác bằng cách trà đạp lên mọi luật pháp quốc tế lại vô cùng đáng sợ và nguy hiểm với hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.
Trung Quốc lừa dối một cách lố bịch khi cho rằng, giàn khoan Hải Dương 981 tác nghiệp trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam quấy rối quá trình tác nghiệp của họ, cho rằng tàu Việt Nam đâm va hơn 1500 lần vào tàu Trung Quốc.
Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định, người dân Trung Quốc cũng là những người lương thiện, nhưng họ đang bị lừa dối bởi chính sách bành trướng của chính quyền Trung Quốc.
Liên quan Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 14/9/1958, giá trị pháp lý và ảnh hưởng của công thư với tình hình biển Đông hiện nay, trước tiên, Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định, đây là Công thư chứ không phải Công hàm như nhiều người nhầm lẫn.
Về lý, Thiếu tướng Cương cho rằng, Hiệp định Genève 1954 cho thấy cả thế giới công nhận về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hiệp định này có tính chất pháp lý cao nhất, khẳng định chủ quyền trên biển của Việt Nam. Đây là cơ sở cho chúng ta đưa sự kiện này ra tòa án quốc tế nếu Trung Quốc tiếp tục hành động xâm phạm chủ quyền và gây hấn.