Thời điểm biết ông thì ông đã ở ngôi cao. Rồi rất cao. Nhưng cái dáng đủng đỉnh xuyên Bờ Hồ thời chưa cải tạo vẻ hoang sơ lầm lụi cứ nghĩ một nhà báo Hữu Thọ kia vừa bước lên từ những cánh đồng thâm canh Năm tấn thắng Mỹ hay từ miệt vườn Nam bộ có những cánh đồng lúa gieo xạ tít tắp của đồng bằng sông Cửu Long mà ông là tác giả của những bài báo nổi tiếng trên tờ Nhân Dân.
Một trong những ngôi cao ấy là Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương. Ông gần và đám chúng tôi gần được ông bởi Hữu Thọ rất chịu đọc lẫn nhớ đám viết lách được coi là trẻ.
Không nhớ mình đã bao lần quấy ông. Khi nhà riêng. Khi cơ quan. Nó là thế này, Chẳng phải bây giờ mới hạn chế đôi khi ngặt nghèo thận trọng việc tuyên truyền này khác. Mà thời ông cũng phổ biến. Mà hồi ấy mấy thằng tôi lại đương hăng.
Bây giờ ngồi gõ những dòng này thấy bảng lảng khuôn mặt nhăn nhó của đồng chí Tổng Biên tập gay gay. Vấn đề này nhạy cảm lắm, chưa đưa được đâu vv… Nhưng may ông đồng ý với tôi phương án cứ thăm dò cấp trên xem sao!
Những sải chân cùng vòng quay xe máy nặng nề đưa tôi đến nơi cần phải đến…
Và khuôn mặt, đôi khi thường là mệt mỏi của đồng chí Trưởng Ban.
Không phải là đọc góp ý cho bài vở của một anh phóng viên cha căng chú kiết. Mà có lẽ ông Trưởng Ban công việc vốn ngập đầu đùng cái tự dưng phải ngồi với những loại khách không mời đến quấy quả.
Nhưng lần nào ông cũng chăm chú. Nghe và đọc.
Ông không khuyến khích việc vượt rào. Mà ông rành rẽ vấn đề là phải viết như thế nào. Viết thế này thì đăng được. Hoặc cậu phải về viết lại theo hướng thế này…
May là nhiều lần suôn sẻ.
Tự nhận mình là người hay cãi (tên một cuốn sách của Hữu Thọ) thường không thích người khác cãi lại? Nhưng Hữu Thọ hành xử khác. Hình như ông ưa người cãi... đúng?
Lần ấy lạnh toát người khi tiếp được điện thoại: Này cậu đề nghị cho phóng viên không chuyên trách tham gia nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm của Tổng Bí thư đấy à…
Gay go rồi. Số là hôm Tổng Bí thư gặp gỡ báo chí trong không khí thân mật vui vẻ, tôi trót bộc bạch với Tổng Bí thư rằng trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc sắp tới, ngoài số phóng viên chuyên trách nên mở rộng thành phần với phóng viên nhiều báo khác…
Chuyện tưởng cũng chỉ đề nghị cho vui…
Thế mà đến tai ông Trưởng Ban tư tưởng. Mà nguyên tắc phải báo cáo trước với ông Trưởng Ban chứ?
Trời đất ơi, nhẹ bỗng cả người khi chất giọng ôn tồn quen thuộc của ông Trưởng Ban trong điện thoại là chúng tớ đang nghiên cứu đề nghị đó…
Và lần đầu tiên PV các báo Sài Gòn giải phóng, báo Hà Nội mới, Đài truyền hình Hà Nội, báo Tuổi trẻ, báo Tiền Phong được tham gia nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mùa xuân năm 1999.
Mười bốn năm trước, tôi cũng một phen lạnh toát khi bài báo Gặp lại cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sau khi phát hành rộ lên cái tin là có vấn đề!
Quá lo nên tôi đã chủ động gặp ông Trưởng Ban. May mà ông tiếp. Nội chuyện nếu ông chỉ hỏi một câu rằng buổi làm việc có ghi âm không thì mọi sự sẽ khác. Nhưng ông không hỏi câu khủng ấy.
Mà là cái câu sau này tôi vẫn thấy người ta nhắc về nhà báo Hữu Thọ khi lòng mình còn hồ nghi thì ngòi bút nên do dự!
Chuyện sau đó không có gì. Nhưng câu ông nói cứ như một hình thức tự xử tự răn trong nghề vậy?
Có lần ngồi với mấy anh em chúng tôi, ông bộc bạch thế này, có một cái nghề mà ở Việt Nam dễ đánh mất mình nhất là nghề làm báo? Tôi tạm hiểu ý của ông. Để gắng gỏi theo cái nghĩa ký giả mà ở các nước hiện đại người ta vẫn hiểu, ở xứ mình có lẽ còn là mệt? Nhờ làm báo anh biết rất nhiều và có nhiều điều về chính mình khi về già muốn chia sẻ với bạn đọc. Và rộng ra, chia sẻ với thời đại.
Vào dịp cuối năm 2014, bất ngờ tiếp cận với cuốn Tình bút mực của Hữu Thọ.
Hơi giật mình và thấy là lạ, hình như bút pháp, phong cách của Hữu Thọ như có chi khang khác với những cuốn ông đã in trước đó? Những Chuyện ở nhà, người hay cãi… Tâm trí cũng chợt ngược về với cuốn Cô gái thôn Bạt của Hữu Thọ in ở NXB Thanh Niên từ năm 1962. Cô gái thôn Bạt tập hợp hơn chục truyện ngắn của Hữu Thọ viết những năm cuối năm mươi đầu sáu mươi. Cái thời anh thường vụ huyện ủy Hữu Thọ máu mê nuôi mộng văn chương. Về báo Nhân Dân năm 1957, cứ nghĩ ở vị trí ấy sẽ tiếp tục cái mạch viết ngoài báo ra còn văn nữa? Nhưng cũng đề tài nông nghiệp nông thôn và nông dân như cái Ban Nông nghiêp báo Nhân Dân, những vấn đề tân văn, thời sự câu thúc hằng ngày và vài chục năm sau đó hình như đã vô tình khấu đi thời gian và cả những dự định đam mê của một nhà văn Hữu Thọ.
Tình bút mực na ná một kiểu hồi ký. Tôi không dám chắc nhưng hình như chất lượng, kinh lịch cuộc sống cùng những chiêm nghiệm đã manh nha cho một độ lắng của Hữu Thọ. Tôi chả mấy tin vào thứ thiên hạ vẫn mặc định rằng khi nhà báo dừng lại thì nhà văn bắt đầu. Có lẽ chỉ hạp cho những tài năng đột xuất hoặc giả dành cho những người viết trường thọ hoặc dư dả lê thê sự hằng sống? Mà trong Tình bút mực, Hữu Thọ đã tiếp ngay và giải quyết cái mạch văn bằng cung cách xử lý rốt ráo thông minh của mình. Do đặc thù điều kiện công tác, nhà báo Hữu Thọ có một thuở một thời đi công tác với các vị lãnh đạo.
Ở các nước trên thế giới hiện nay chung quanh các nhân vật quan trọng - các VIP - bao gồm từ các chính khách các nghệ sĩ lớn, các cầu thủ bóng đá, luôn luôn có những người đi kèm để viết tiểu sử của họ.
Chúng ta nhớ lại từng có một nhà báo kiêm nhà văn người Nga là Roy Medvedev sinh 1925. Có thời gian làm Tổng biên tập nhà xuất bản Giáo dục. Vào Đảng năm 1956. Ông được phương Tây coi như một nhà lịch sử độc lập.
Tác phẩm của ông viết Khrushchev về Stalin, về một chùm những Malenkov, Molotov, Kalinin… Rồi nhà văn Trung Quốc Diệp Vĩnh Liệt, tác giả của nhiều cuốn tiểu sử những Mao Trạch Đông, Giang Thanh, Khang Sinh, Tưởng Giới Thạch...
Cuốn sách viết về 6 vị thư ký: Hồ Kiều Mộc, Trần Bá Đạt, Điền Gia Anh, Gianh Thanh và hai thư ký cơ yếu của Mao Trạch Đông đó là Cao Trí và Lô Quang Lộc.
Cả Medvedev lẫn Diệp Vĩnh Liệt đều viết như là những nhà nghiên cứu với phong cách của những người quen thạo với chữ nghĩa.
Trong Tình bút mực, Hữu Thọ có thể chưa giải quyết rốt ráo hoặc bập sâu vào văn mạch của việc viết về từng người, rồi gộp lại, và bổ sung như thế nào đó làm nên một chỉnh thể hợp lý để có một cuốn sách riêng về các VIP với những giá trị riêng. Nhưng ông dường như đã để lại một thông điệp đã manh nha truyền đạt lại một nhiệm vụ một công việc tất nhiên là khó khăn đắng đót của nghề viết. Những trang viết về Tổng Bí thư Trường Chinh với những chi tiết, câu chuyện mà người đọc thống nhất một sự liên tưởng rằng chẳng phải ngẫu nhiên Trường Chinh đột nhiên trở thành Tổng Công trình sư của sự nghiệp Đổi Mới mà đã có căn nguyên đã manh nha từ rất lâu trước đó.
Rồi như một sự hồi tâm, những trăn trở trong những trang viết về nhân vật Nguyễn Khắc Viện chỉ có tâm thế và cung cách hóa giải của một nhà văn thì mới mang lại một trạng huống và cung cách hợp lý. Nói như thế không có nghĩa là Hữu Thọ sáng tác, không, ông vẫn theo cái mạch báo nói như Marquerz là trung thành với sự thật đến cả dấu chấm. Mà ông biết sáng tạo khi chọn được chi tiết được chuyện do hiểu đời cộng với việc am hiểu nhân vật của mình.
...Con ngõ hẹp dẫn vào khu tập thể nhà ông ở phố Lê Thánh Tông dường như quá quen thuộc với mấy anh em viết lách chúng tôi. Bà Trâm vợ ông vốn là phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội lại rất mặn chuyện hiếu khách. Lại cũng thẳng tính. Nhớ có lần ông Hữu Thọ lắc đầu cười cái việc viết không qua được mắt bà này đâu. Nghe mà ngại không biết bà thẩm tác phẩm của Hữu Thọ hay thẩm ai? Có một buổi câu chuyện ngược về năm xa tít ấy đám cưới nhà báo Hữu Thọ với cô Trâm tại nhà hàng Phú Gia chi dùng bằng tiền nhuận bút cuốn Cô gái thôn Bạt…
Bức thư pháp hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ của một thư pháp gia nổi tiếng tặng nhà báo Hữu Thọ đậu trên vách tường nhà ông đã lâu. Nhớ hôm mới đến nhà, anh bạn cùng đi vốn chữ nghĩa cũng lưng lửng xuýt xoa đọc ngay. Đọc đúng. Câu chuyện về sau đang hồi thân mật hình như nhân bàn một chuyện về giao du thì phải, ông Hữu Thọ bất chợt chỉ lên bức thư pháp hỏi anh bạn cậu thử đọc xuất xứ cái câu trên kia xem nào? Ông bạn tôi bỗng tắc. Ông Hữu Thọ cười rành rẽ rằng câu này lấy ở Luận Ngữ. Câu ấy thế này Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ, hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ, nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ.
Khổng Tử nói: Học mà thường ôn tập, cũng chẳng thích ư? Có bạn từ phương xa tới đàm đạo, cũng chẳng vui sướng ư? Người đời không biết đến mình, cũng chẳng vì thế mà buồn, như vậy há chẳng phải là bậc quân tử sao? Ý ông Khổng Tử răn rộng là như thế chứ không phải mỗi phạm vi hẹp là có bạn đến chơi là vui sướng đâu!
Thấy ông bạn tôi lè lưỡi, chợt phục cái ông Hữu Thọ này quá. Một Hữu Thọ tưởng như đã định hình thế mà luôn bất chợt phát lộ những bất ngờ?
Đêm 13/8
...Định tháng sau nhận sổ hưu thì lần đến hầu chuyện nhà báo Hữu Thọ đang có cái nghề không có tuổi. Chính xác câu nói của ông là làm báo là một nghề chỉ làm nghề thì không có tuổi. Những tưởng lâu và rất lâu nữa cái tình bút mực luôn nối dài và đạm bền. Ai ngờ sáng nay đùng cái…
Anh Hữu Thọ ơi!
Nhà báo Hữu Thọ qua đời
Sáng ngày 13/8, Nhà báo Hữu Thọ (sinh năm 1932), nguyên Trưởng ban Tư tưởng, văn hoá Trung ương đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 84 tuổi.
Nhà báo Hữu Thọ sinh ra tại Hà Nội. Tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thọ, bút danh Hữu Thọ, Nhân Nghĩa, Nhân Chính... Ông là học sinh Trường Bưởi (nay là Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội), tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 tại Hà Nội. Ông nguyên là Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ nhiệm Khoa báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá VII, VIII; Ủy viên Ủy ban đối ngoại Quốc Hội các khoá IX, X; nguyên Trưởng ban Tư tưởng, văn hóa Trung ương (1995-2001); nguyên Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006).
Lễ viếng Nhà báo Hữu Thọ sẽ diễn ra từ 7 - 10 giờ sáng 14/8, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Văn Kiên