Nhà báo Hữu Thọ nói về nhất thể hóa...

Nhà báo Hữu Thọ nói về nhất thể hóa...
TP - ...Trong một chục năm  tham gia Ban Chấp hành Trung ương tôi là người có ý kiến rất nhiều về việc nhất thể hóa chức danh cán bộ. Lúc đầu, tôi là người quyết liệt ủng hộ chủ trương nhất thể hóa...

“Khi đã cho thí điểm tức là không bác bỏ, là đã quan tâm nhưng đó là bước đi thận trọng”- Ông Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư  nói như vậy về thí điểm “nhất thể hóa” chức danh. Ông Hữu Thọ nói:

Trong một chục năm tham gia Ban Chấp hành Trung ương tôi là người có ý kiến rất nhiều về việc nhất thể hóa chức danh cán bộ. Lúc đầu, tôi là người quyết liệt ủng hộ chủ trương nhất thể hóa, thậm chí tôi còn đi vận động một số người trong Ban Chấp hành Trung ương ủng hộ ý kiến của tôi.

Thế nhưng cũng có những người nêu lên những vấn đề phức tạp có thể nảy sinh nếu nhất thể hóa chức danh cán bộ. Họ nói rằng kinh nghiệm của chúng ta là không nên tập trung quyền lực vào một người.

Họ cũng nói rằng nếu như một người chỉ cần giữ một chức vụ mà làm việc thực sự chứ không làm trên danh nghĩa thì đã có rất nhiều việc để làm. Nếu có trách nhiệm cao với công việc thì rất khó đủ sức kiêm nhiệm cả hai chức vụ.

"Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cương lĩnh, nghị quyết, những chủ trương lớn mang tầm chiến lược, những định hướng đối với những chính sách lớn…

Thế nhưng việc kiểm tra thực hiện những chủ trương đó thì có thể Tổng Bí thư gọi các bộ trưởng lên để kiểm tra  với tư cách là Bí thư Ban cán sự Đảng thì cũng đúng theo điều lệ Đảng nhưng việc kiểm tra như vậy xem ra chưa được hiệu nghiệm lắm”.

Hồi còn làm Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, tôi có đem chuyện này ra nói với một người có trách nhiệm rất cao thì được nghe nói lại rằng “làm sao mà làm được nếu nhất thể hóa, đã làm thì công việc nhà nước cũng phải làm hết trách nhiệm, như vậy đã có rất nhiều việc hệ trọng, nếu quá tập trung sức lực vào đó thì thời gian, sức lực đâu để quan tâm đến việc xây dựng Đảng cũng đang nhiều vấn đề khiến chúng ta đau đầu”.

Bên cạnh đó, tình hình ở nông thôn Bắc bộ là tương đối phức tạp. Tại một xã nọ, có hai dòng họ, ông bí thư vận động cả họ bầu cho mình, ông chủ tịch ở một dòng họ khác cũng vậy, dân họ biết và họ đã không bầu cho cả hai ông. Còn những hiện tượng như thế nếu quyền hạn tập trung vào một người của một dòng họ thì tình hình xã đó sẽ thế nào?

Vì thế, lúc đầu tôi thuộc loại muốn nhất thể hóa nhưng sau khi trao đổi với bạn bè của tôi trong Ban Chấp hành Trung ương, rồi qua việc đi khảo sát thực tiễn, tôi thấy cuộc sống cũng có những vấn đề phức tạp như thế.

Chính vì vậy, theo tôi biết Ban Chấp hành Trung ương mới cho thực hiện thí điểm xem mặt được, mặt chưa được của chủ trương này cụ thể thế nào. Và nếu khắc phục được những mặt chưa được thì cho làm.

Thế nhưng những nước có chế độ chính trị gần như tương tự với nước ta đã thực hiện nhất thể hóa và kết quả thực hiện nhiều mục tiêu lớn của họ vẫn được đánh giá tốt, ông lý giải thế nào về điều này?

Mỗi một nước có đặc điểm riêng và có truyền thống văn hóa riêng. Chúng ta  tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của họ nhưng áp dụng thì lại phải tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của ta.

Tôi cũng muốn nói thêm một điều rằng kinh nghiệm ở nước ta cho thấy cứ cái gì áp dụng rập khuôn thì đều thất bại. Trong quá trình chúng ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,  có người đã nhắc lại câu nói của một người từng làm lãnh đạo nước ta mà tôi thấy rất tâm đắc: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì, là Việt Nam hóa tư tưởng tiên tiến trên thế giới”.

Tư tưởng tiên tiến trên thế giới khi áp dụng vào mỗi quốc gia nó phải được lọc qua  truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc ấy thì nó mới bám rễ, mới đâm chồi, nảy lộc.

Trở lại việc thực hiện nhất thể hóa chức danh cán bộ, tôi cho rằng thận trọng cũng là cần thiết. Khi đã cho thí điểm tức là không bác bỏ, là đã quan tâm đến việc đó rồi, nhưng đó là bước đi thận trọng để rút ra những kinh nghiệm.

Nên thí điểm một vài nơi rồi cho làm dần. Nếu tốt, không có gì trở ngại thì cho làm nhanh.  Còn nếu trục trặc thì chúng ta hoàn chỉnh một số biện pháp rồi tiếp tục làm chứ không phải thí điểm là rồi để đấy.

Cũng xin nêu lại một việc mà chúng ta từng làm thí điểm. Đó là khi thực hiện nghị quyết 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Thông báo số 22 Ban Bí thư chỉ cho phép miền Nam làm thí điểm nhưng vì thấy nó hợp lý quá nên ta đẩy nhanh quá trình thí điểm thành ra làm thật.

Nhà báo Hữu Thọ nói về nhất thể hóa... ảnh 1

Mâu thuẫn chủ yếu là do danh, lợi

Nhiều ý kiến cho rằng nhất thể hóa sẽ mang lại sự nhất quán từ chủ trương đến việc chỉ đạo, điều hành khiến cho các chủ trương, quyết sách được thực thi nhất quán, thông suốt,  ông có đồng tình với cách đặt vấn đề như vậy?

Điều này là đúng nếu như mọi việc diễn ra suôn sẻ. Nhưng vấn đề là có chữ “nếu”. Tôi xin kể lại một chuyện để minh chứng cho sự thận trọng cần thiết.

Khi thảo luận về Nghị quyết Đại hội Đảng IX, có câu “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”,  trong khi đó Trung Quốc họ ghi rõ “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”.

Khi thảo luận cũng có ý kiến sao không ghi thẳng ra bởi chữ định hướng nghe có vẻ yếu hơn. Thế nhưng sau khi thảo luận, chúng ta thấy rằng định hướng là sẽ đi theo con đường ấy chứ còn nước ta chưa đủ các yếu tố vật chất, tinh thần cần thiết. Vì thế có thêm chữ định hướng cho nó mềm hơn, nó thể hiện sự thận trọng hơn nhưng vẫn đúng hướng.

Ở cấp tỉnh hiện nay có nơi còn tình trạng bí thư tỉnh ủy và chủ tịch UBND không “hợp” nhau.  Nếu nhất thể hóa chức danh cán bộ sẽ hạn chế được tình trạng này, thưa ông?

Ở một số nơi, mâu thuẫn nội bộ là có thực nhưng đại bộ phận những mâu thuẫn của những người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị chủ yếu là về quyền hành, danh lợi.

Cụ thể hơn là mâu thuẫn chủ yếu là do tranh chức, tranh quyền. Tôi muốn bố trí anh A ở vị trí này thì anh lại không đồng ý hay tôi đã ra lệnh này anh lại ban hành lệnh kia hủy lệnh của tôi.

Tất nhiên, cũng có nhưng vô cùng ít những mâu thuẫn nội bộ về chủ trương, đường lối, chính sách.

Thực ra đó là những chuyện nhỏ bé trong cuộc sống nhưng nó động đến cái danh, cái lợi. Với người Việt Nam ta cái danh, cái lợi nhiều khi rất kinh khủng.

Vì thế, chúng ta chống việc này thì phải xuất phát từ việc chống những thói hám danh, hám lợi không chính đáng; chống tình trạng hám danh hám lợi mà kéo bè, kéo cánh hãm hại nhau chứ không phải vì phân quyền hay hợp quyền.

Bởi nếu không có cơ chế để chế ngự thói dám danh, hám lợi thì nhất thể hóa cũng nguy hại bởi kẻ hám danh đã có cả hai cái danh, kẻ hám lợi đã có cả hai cánh tay quyền lực để trục lợi.

Nhà báo Hữu Thọ nói về nhất thể hóa... ảnh 2

Bổ sung được cho nhau thì tốt

Ông từng làm Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nếu như thời kỳ đó ông được kiêm luôn chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin hoặc ngược lại thì liệu có tốt hơn cho lĩnh vực tư tưởng văn hóa?

Cũng không thuận lợi hơn cho công việc vì mỗi bên có những yêu cầu riêng mà mỗi người cũng chỉ nên giữ một chức vụ thôi. Tôi cũng xin “bật mí” một chuyện.

Cuối khóa nhiệm kỳ Ban Chấp hàng Trung ương khóa VII, cũng có người là ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhận chức vụ cao bên Nhà nước muốn tôi thôi Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương để sang làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Nhưng tôi đã từ chối bởi vì cả cuộc đời hoạt động của tôi chủ yếu là công tác trong quân đội và tham gia công tác Đảng, tôi chưa có một ngày làm việc bên chính quyền. Nếu tôi sang lãnh đạo một bộ thì tôi không quen.

Bên cạnh đó, nếu dưới góc độ văn hóa nghệ thuật, sự hiểu biết của tôi là dưới góc độ một người hưởng thụ chứ chưa đủ sức hiểu biết dưới góc độ một người quản lý. 

Nói thật là từ trưởng ban sang bộ trưởng nghe có vẻ “oai” hơn vì ở ta người ta vẫn nói làm ủy viên Trung ương thì  “tiến vi bộ, thoái vi ban, lang thang vi tổ” nhưng tôi vẫn từ chối dù sang bộ lợi lộc, quyền có thể nhiều hơn, cụ thể hơn. 

Ông nghĩ như vậy nhưng nếu ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin khi ấy lại nghĩ nếu được kiêm luôn chức Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương ông ấy sẽ làm tốt hơn thì sao?

“Tôi từng viết bài báo “Gói ruốc và chiếc ô tô” nêu lên việc ở một tỉnh mua một con tàu và được bên bán biếu hai chiếc ô tô. Vì sao họ lại biếu những hai chiếc? Vì họ biết ở tỉnh ấy ông chủ tịch UBND đương nhiên là to nhưng ông bí thư tỉnh ủy cũng to không kém”.

Mỗi người có một cách nghĩ nhưng tôi chưa biết được là có ai dám nghĩ thế không. Tôi còn nhớ rõ khi tôi đang làm Tổng Biên tập báo Nhân Dân, được điều về làm Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương tôi đã phải an ủi mình bằng một câu danh ngôn “không được làm việc mình thích thì phải thích việc mình được làm”.

Đang làm báo nhộn nhịp, tất bật chuyển về nơi vắng lặng, ngồi nghiên cứu, mệt chỉ nhìn thấy mấy cái cây trên đường Hoàng Văn Thụ, tôi có nói một câu mà bây giờ anh em vẫn nhớ “tôi đang từ chợ lên chùa”! Thế nhưng tình hình không phải như vậy, có rất nhiều việc buộc mình phải suy nghĩ cả ngày, cả đêm mà toàn những việc quốc gia đại sự.

Làm công tác tham mưu, khi người ta hỏi mình - thường thì việc khó, nghĩ chưa ra người ta mới hỏi chứ còn dễ thì ai hỏi làm gì -  thì mình phải nghĩ, mà nghĩ việc khó thì là quá mệt mỏi rồi.

Làm một việc, một vị trí mà còn vất vả thế. Khi bàn giao công việc cho ông Nguyễn Khoa Điềm, tôi có tâm sự với ông ấy rằng vất vả lắm đấy. Sau này, ông Nguyễn Khoa Điềm nói lại với tôi rằng “ông nói đúng”.

Thực tế cho thấy, có khá nhiều việc tương đối trùng nhau giữa Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa- Thông tin, chẳng hạn như Trưởng Ban đôi khi cũng phải có ý kiến về một cuốn sách, một bài hay loạt bài nào đó trên báo mà thực ra đó là việc của quản lý Nhà nước, nếu như nhất thể hóa thì sẽ thuận lợi hơn trong những việc như vậy?

Thông thường thì công việc của hai bên là khác nhau còn đối với những việc giống nhau thì mỗi bên lại tiếp cận từ những khía cạnh khác nhau, quản lý các đối tượng khác nhau với những phương thức khác nhau. Nếu như bổ sung được cho nhau, cùng thảo luận sòng phẳng với nhau thì sẽ tốt hơn.

Nên bắt đầu từ cơ sở

Nếu như thực hiện nhất thể hóa chức danh cán bộ, theo ông nên thực hiện từ Trung ương xuống hay từ cơ sở lên sẽ thuận lợi hơn?

Vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là ở cấp xã, thế thì chúng ta nên bắt đầu thí điểm ở những chỗ phức tạp nhất chứ không nên thí điểm ở những chỗ dễ.

“Khi lãnh đạo Đảng ta thăm các nước, họ cũng rất muốn đón tiếp với nghi thức cao nhất nhưng đôi khi họ lại gặp phiền phức trong hoạt động đối nội của họ.

Ví dụ bên tả đang cầm quyền, đón tiếp lãnh đạo Đảng ta với nghi thức cao nhất có khi họ lại bị cánh hữu tấn công, có thể mất phiếu tại nghị viện của họ.

Mà nếu họ không đón lãnh đạo Đảng ta theo nghi thức cao nhất thì chúng ta cũng không sang thăm.

Hay như Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước bạn sang thăm nước ta thì phải có hai ông ra tiếp. Khi đứng chào cờ cũng cần phải có hai người đứng chung với họ”.

Còn ở cấp tỉnh thì có nơi Bí thư tỉnh ủy đã kiêm chức chủ tịch HĐND, theo tôi nhất thể hóa theo hướng này là hợp lý hơn, thông qua HĐND mà kiểm tra, giám sát chính quyền theo Luật.

Nhưng thưa ông, trước đây chúng ta thực hiện việc sáp nhập các ban Đảng thì thực tế là tại các địa phương họ đã làm trước còn tại Trung ương thì mãi gần đây mới thực hiện được?

Thực ra lúc đó chúng ta phải tính toán đến việc cân đối vĩ mô. Và thực ra cho đến nay khi việc sáp nhập các ban Đảng ở Trung ương đã thực hiện xong nhưng vẫn còn nhiều điều mà chúng ta phải rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, khi xuất hiện những vấn đề xã hội thì nhiều khi Đảng cũng cần thiết phải bàn bạc, thống nhất chứ không thể để chính quyền đứng ra làm bởi vì Đảng còn có một chức năng vô cùng quan trọng đó là vận động, thuyết phục. Mà thuyết phục, vận động được sẽ tạo ra sự tự giác trong thực hiện.

Tôi cũng muốn nói thêm, một sử gia đã tổng kết khi phải để máy chém ở dọc đường, ý muốn nói là thực hiện theo lệnh, thì xã hội đã bất ổn. Còn xã hội ổn định, tốt đẹp là người ta bảo ban nhau mà hành xử là chủ yếu.

Xin cảm ơn ông!

Hữu Khôi
(Thực hiện)

MỚI - NÓNG