Cần cái nhìn công bằng về mại dâm

Cần cái nhìn công bằng về mại dâm
TP - Thay vì kỳ thị và phủ nhận, cần một cách nhìn công bằng để mại dâm được chấp nhận và quản lý. Đó là nội dung buổi tọa đàm mang tên “Hợp pháp hóa mại dâm: văn minh hay vô đạo đức” được thực hiện tại Mazi Art Space, Hà Nội.

> Đắng lòng cô giáo tương lai kể chuyện... bán dâm
> Cay đắng cô gái bán dâm lấy tiền… làm lại cuộc đời

Cần cái nhìn công bằng về mại dâm ảnh 1

Các nhà xã hội học và cả người trong cuộc có tranh luận sôi nổi về vấn đề hợp pháp hóa mại dâm. Chương trình mở đầu cho chuỗi sự kiện “Đúng hay Sai”- trò chuyện với Giang Đặng- Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng.

Mại dâm là vô đạo đức?

Mại dâm được coi là nghề cổ nhất từ xưa đến nay. Từ nền văn hóa Hi Lạp và La Mã đã có nghề mại dâm. Một số quốc gia từng hợp pháp hóa mại dâm nhưng sau đó lại quyết định cấm hoạt động này: Na Uy, Thụy Điển, Hàn Quốc…

Theo GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển, mại dâm là vô đạo đức. Chuyện quan hệ tình dục chỉ có thể xuất phát từ tình yêu tình cảm, còn việc “ăn bánh trả tiền” vẫn coi là không bình thường.

Tuy nhiên, bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cho rằng, chuyện đạo đức hay vô đạo đức rất khó đưa ra câu trả lời. Với những người đàn ông trong hoàn cảnh đặc biệt, họ không có cơ hội, việc duy trì tình yêu là khó. Người phụ nữ nào sẽ yêu họ? Với nhu cầu tình dục chính đáng, họ có quyền trả những khoản tiền để được phục vụ và cảm thấy ấm áp… Mại dâm sẽ là vô đạo đức nếu nó đưa đến bóc lột, giết chóc đến những hành động trái ý muốn.

Vẫn theo bà Hồng, nhu cầu tình dục và không đi kèm với tình cảm là nhu cầu hợp lý nếu như họ tìm được một người thỏa thuận và hợp pháp. Tuy nhiên, có một thực tế, những kẻ môi giới, ma cô buôn người coi mại dâm như một món hàng, mua, bán nó để thu lợi dẫn đến nhiều chuyện tiêu cực.

Biên tập viên Mỹ Linh-Đài truyền hình Việt Nam cho biết, nếu chúng ta chống mại dâm thì cần chống mô hình khai thác tình dục thành những nhà chứa, chủ chứa trong đó người phụ nữ bị khai thác thành lao động tình dục, bị bắt buộc và trở thành công cụ kiếm tiền.

Cần cái nhìn công bằng

Buổi tọa đàm nóng lên khi chị H., là người sống bằng nghề mại dâm, chia sẻ: Tôi coi nghề là công việc để kiếm sống. Trong nghề, tôi tự đặt nguyên tắc cho mình đó là không yêu khách hàng. Nghề cũng cần có duyên với nó. “Đừng nhìn chúng tôi với con mắt như thế bởi chúng tôi không ăn trộm và ăn cắp của ai. Chúng tôi sống bằng lao động của mình”.

Chị H. vào nghề năm 19 tuổi khi quen với những người đi trước làm nghề. Chị đến với nghề do điều kiện kinh tế và một phần do quyết định của mình. Chị H. cho biết, đã là con người và nhất là phụ nữ không ai muốn bước chân vào nghề này. Nhưng khi đã bước chân vào thì mong rằng nghề không còn bị coi khinh.

Hiện chị H. cùng với chị em hoạt động nhóm “Nơi bình yên” dành cho phụ nữ làm nghề mại dâm tại Hà Nội. Trong 5 năm qua, đã có hơn 100 thành viên cùng chia sẻ về bạo lực tình dục, sử dụng bao cao su, tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục. Mục tiêu của nhóm là tự chủ để là người có ích trong xã hội.

Để xóa bớt sự kỳ thị, theo bà Quý, dù không hợp thức hóa thì vẫn cần chính sách để chữa bệnh cho họ, bảo vệ họ chống lại bạo lực, đào tạo để người bán dâm được lựa chọn và thay đổi nghề.

Theo ông Giang Đặng, cần đào tạo người bán dâm, nếu họ không có kỹ năng thì rất có thể họ sẽ bị đàn áp và thậm chí bị giết. Vì vậy, nên có cơ chế bảo vệ họ khi họ bị hiếp, bị quỵt tiền, có thể đến báo công an để được giúp đỡ. Đặc biệt, hoạt động môi giới cần phải xóa bỏ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG