Quan 'anh chị'

Quan 'anh chị'
TP - Thường thì xưa nay chức sắc cỡ hàng huyện, hàng tổng mới được gọi là quan “cha mẹ” (phụ mẫu), còn cấp làng cấp xã thì chỉ đáng tầm quan “anh chị”. Nhưng bây giờ ở khá nhiều nơi, những quan anh chị ấy thật đáng mặt là dân … “anh chị”.

> Đình chỉ công an xã đánh dân

Cùng ngồi đầu thôn chờ hớt tóc, bỗng tay công an xã, vẫn được gọi là công an viên nọ bỗng…ngứa mắt hất hàm hỏi người bên cạnh: “Ê, sao thấy tau mà mi không chào?”. Anh chàng kia dân Quảng nghe vậy liền nổi “máu” cãi: “Mắc mớ chi tui phải chào ông?”.

Hai bên cãi qua cự lại một lát rồi thôi. Nửa tiếng sau, tay công an viên dẫn theo 5 du kích mang gậy gộc và còng số 8 ập vào nhà anh chàng nọ lôi lên trụ sở xã, bắt cởi áo quỳ xuống đất rồi dùng gậy đánh bầm dập mình mẩy. Thấy túi nạn nhân thòi ra mấy trăm ngàn đồng cũng “hốt” luôn. Chuyện vừa xảy ra ở huyện Phú Ninh - Quảng Nam.

Báo Tiền Phong vừa nhắc lại vụ một công an thôn ở xã Xuân Phú (huyện Ea Ka, Đăk Lăk) vô cớ đánh một phụ nữ 50 tuổi gẫy chân, teo cơ đùi, thương tật đến 35%. Chuyện xảy ra từ 4 năm trước, nạn nhân đến giờ vẫn liên tục kiện đòi khởi tố vụ án và đền bù tổn hại sức khỏe...

Đi xem bóng đá làng, chủ tịch xã nọ ở vùng ven Huế thấy có anh chàng cổ vũ “hăng máu” quá liền lớn tiếng nạt nộ, rồi đùng đùng còng tay anh ta lôi về trụ sở xã. Chủ tịch Cựu chiến binh xã đứng bên thấy vô lý, lên tiếng can ngăn cũng bị “quan” tiện tay cho một nhát mũ cối vào đầu!

Quan xã "ăn" đất, quan xã xài bằng giả, ăn chặn tiền người nghèo, quan xã tòm tem vợ người… là những “từ khoá” ngày càng trở nên phổ biến hơn. Trong vụ án Tiên Lãng gây chấn động dư luận, nguồn cơn ban đầu phải kể đến “vai trò tích cực” của một số quan xã địa phương.

Nhiều vụ khiếu kiện đông người, dai dẳng cũng xuất phát từ cái sai của quan xã. Nhóm làm phim “Ma làng” đang làm tiếp phần 2, hẳn không thiếu ví dụ trực quan sinh động về cảnh “bố tao là con ma lớn, tao là con ma nhỏ, còn mấy thằng chú tao là con ma trung” chuyên chèn ép dân lành ở các xóm thôn, làng xã.

Những việc trên hẳn nhiên không phải là hình ảnh tiêu biểu cho phần đông những cán bộ thôn xã đang đêm ngày cùng dân lo lắng tìm cách xoá đói giảm nghèo, chống chọi thiên tai dịch bệnh, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

Nhưng xuất phát từ trình độ học vấn, nhận thức pháp luật hạn chế, cộng với bệnh “hội tề” hách dịch, bè cánh họ hàng anh em, nên tình trạng quan xã nhiều nơi hiện đang trở thành vấn nạn gây nhiều hệ lụy cho dân.

Dự án đưa 600 trí trức trẻ ưu tú về tăng cường làm phó chủ tịch xã nghèo vùng sâu vùng xa, khó khăn trên cả nước vừa sơ kết bước đầu giai đoạn 1. Những dấu hiệu tích cực đã được ghi nhận ở nhiều nơi, phần nào đem lại hy vọng vào thế hệ “quan xã” mới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG