Chủ tịch nước: Hiến pháp thể hiện tâm nguyện toàn Đảng, toàn dân

Chủ tịch nước: Hiến pháp thể hiện tâm nguyện toàn Đảng, toàn dân
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu như vậy chiều 27/3 tại Hội nghị của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam lấy ý kiến nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

> Đề xuất thành lập Tòa án Hiến pháp
> Hiến pháp phải thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân

Đề cao giám sát Của nhân dân

Một số đại biểu cho rằng, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cần ghi nhận, bảo bảm quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân thông qua quyền bầu cử trực tiếp các chức danh chủ chốt, kể cả Chủ tịch nước, quyền phúc quyết hiến pháp cũng như vấn đề vận mệnh quốc gia.

 “Đó là những phát biểu rất độc lập, rất có giá trị và cũng rất hay, không theo một khuôn mẫu nào”. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Theo ông Quách Sỹ Hùng (Học viện Chính trị - hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng tư vấn pháp luật UBTƯMTTQ Việt Nam): “Hiến pháp nên mở ra một thời đại dân chủ hơn bằng quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân. Nếu chỉ bầu trực tiếp ĐBQH, HĐND thì còn hạn chế quá. Chỉ qua bầu trực tiếp thì khi người đó không hoàn thành nhiệm vụ, nhân dân mới có thể miễn nhiệm được”.

Phó GS Lê Mậu Hãn cho rằng, khi để toàn dân bầu Chủ tịch nước, sẽ càng thêm giá trị thượng tôn của nhân dân đối với chức danh này.

PGS Phạm Xuân Hằng, nguyên Phó chủ tịch UBTƯMTTQVN nhấn mạnh việc đề cao vai trò giám sát, phản biện của nhân dân thông qua Mặt trận. Tuy nhiên, nhân dân thực hiện quyền giám sát đó như thế nào chưa thấy quy định rõ. Nếu chỉ là “động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ” (điều 9 dự thảo) sẽ khó thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện của dân.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết

PGS.TS Phạm Xuân Hằng khẳng định, hơn 80 năm qua, mọi thắng lợi của đất nước không tách rời sự lãnh đạo của Đảng.

Trước yêu cầu hoàn thiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, việc thể chế hóa vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta là một nhu cầu cấp thiết và cũng rất tất yếu.

“Thế và lực của đất nước hôm nay đủ điều kiện để Đảng ta thể hiện trí tuệ, khẳng định bản lĩnh và trách nhiệm cầm quyền. Bản lĩnh và trách nhiệm là cái gốc để dân tin, dân theo” - PGS Hằng nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, các ý kiến đóng góp đều rất tâm huyết, có trách nhiệm. Đó là những phát biểu rất độc lập, rất có giá trị và cũng rất hay, không theo một khuôn mẫu nào.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, chủ trương lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là rõ ràng. Tuy nhiên, cái thực sự lo là làm sao thực hiện việc lấy ý kiến một cách hiệu quả, thiết thực. Bởi với hơn 8 triệu ý kiến đã đóng góp thời gian qua, việc tổng hợp được đầy đủ ý kiến nhân dân là rất quan trọng.

Đây thực sự là một khối tài sản rất lớn của nhân dân, chúng ta phải quản lý, sử dụng như thế nào cho hiệu quả; từ khâu lắng nghe, ghi nhận, đến tổng hợp để chuyển tải đến Quốc hội, Trung ương một cách đầy đủ nhất.

Cũng theo Chủ tịch nước, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ còn tiếp tục đến cuối tháng 9 năm nay. Vì vậy, tất cả các ý kiến đã đóng góp, tiếp tục đóng góp của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan cần nỗ lực, góp phần cao nhất để cuối cùng, điều quan trọng nhất là Hiến pháp năm 1992 sửa đổi phải thực sự phản ánh, đáp ứng đầy đủ ý chí, nguyện vọng của Đảng và của nhân dân.

Vai trò lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc rất tự nhiên. Lúc đó, ý Đảng, lòng dân như sắt son gắn quyện bằng máu xương vì hai chữ “Cứu nước” nên lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ được dân coi như lời non sông đất nước. Nay, trong điều kiện phát triển bình thường, điều sắt son ấy đang dần mòn phai vì “một bộ phận không nhỏ”. Thế là Đảng để một bộ phận không nhỏ xa dân chứ dân đâu có bao giờ xa Đảng.

PGS.TS Phạm Xuân Hằng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG