Nhớ Bùi Ngọc Tấn, người “sống để kể lại”

Bùi Ngọc Tấn (1934-2014) nói ông rất xúc động khi xem bức ảnh này của chính mình vì nhiều lý do, và ông ao ước được biết tác giả ảnh để tỏ lời cảm ơn cũng như biết nó được chụp khi nào, ở đâu.
Bùi Ngọc Tấn (1934-2014) nói ông rất xúc động khi xem bức ảnh này của chính mình vì nhiều lý do, và ông ao ước được biết tác giả ảnh để tỏ lời cảm ơn cũng như biết nó được chụp khi nào, ở đâu.
TP - Tháng trước thăm Bùi Ngọc Tấn, tôi nhắc lại câu ông từng nói “Phải sống dai. Sống dai là thắng”. Ông bảo lần này “may ra thì thắng”. Nhà văn của chúng ta đã trút hơi thở cuối cùng lúc 6h15 sáng qua 18/12.

Về Hải Phòng thăm Bùi Ngọc Tấn, tôi nhờ chị Huyền (Vũ Thị Huyền, hai lần giải Nhất thơ Tác phẩm Tuổi xanh) dẫn đi, bởi ông không còn ở số 10 Điện Biên Phủ nữa mà dưỡng bệnh tại nhà con trai, ngõ 800 đường Thiên Lôi - nghe “rất Hải Phòng”. Những cái tên nghe chẳng thơ đâu/Nhưng với ta vô cùng oanh liệt. Như Bùi Ngọc Tấn từng trả lời trên Tiền Phong về một “Hải Phòng xù xì lam lũ, hồn nhiên chân thật, phóng khoáng cởi mở với những tên đất chỉ nghe đã yêu: Ngõ sau Nhà Lốp, nhà thờ Tây đen, bến tầu Tây Điếc, ngõ ông Lý Phình…”.

Ông phát hiện ung thư phổi hồi tháng 5, vào Sài Gòn nơi con gái ngụ cư để chữa rồi trở ra. Lúc tôi đến, ông vừa trải qua lần đầu tiêm mooc-phin cho đỡ đau. Hôm sau, giọng vẫn ấm khỏe, ông gọi điện cáo lỗi để khách ngồi mấy tiếng đồng hồ mà người bệnh không trở dậy bởi “chú đang phê thuốc”. Bà Bích vợ ông sờ nắn gương mặt chồng, nói nó sưng lên nhiều, biến dạng. Ánh mắt lo lắng tuyệt vọng của bà làm tôi nhớ bà Bội Trâm vợ Phùng Quán khi chúng tôi thăm ông lần cuối. Bà Trâm nói Cô hoang mang lắm rồi và nhìn không chớp vào Phùng Quán đang thiếp đi bởi căn bệnh xơ gan cổ chướng giai đoạn cuối.

Lễ viếng nhà văn Bùi Ngọc Tấn từ 10h sáng 19/12 đến 10h sáng 20/12 tại số nhà 30 ngõ 800 đường Thiên Lôi, Hải Phòng. An táng tại nghĩa trang Ninh Hải, Hải Phòng.

Đúng ngày đó năm ngoái, 16/11, Bùi Ngọc Tấn vui tươi khỏe mạnh băng về Nhà hát Lớn Hà Nội dự kỷ niệm 60 năm thành lập báo Tiền Phong. Báo Tiền Phong ra đời được 1 năm thì chàng trai chẵn 20 tuổi Bùi Ngọc Tấn đã đầu quân làm phóng viên mảng nông thôn cho đến năm 1959. Một thời mà như ông viết trong số báo kỷ niệm- “đẹp sánh ngang thời thơ ấu” dù vô cùng thiếu thốn không chỉ phương tiện tác nghiệp.

 

Ông chụp ảnh kỷ niệm cùng các thế hệ đồng nghiệp, dặn tôi “cho chú vài suất báo biếu nữa” (số đặc biệt có bài của ông). Về sau tôi mới biết hôm ấy dù có bạn già Dương Tường đi cùng quấn túm lấy nhau nhưng ông bị trẹo chân một cú trời giáng ngay trước cửa nhà hát. Giờ tôi ngồi, chuyện mãi với vợ ông để thấy thật nghiệt ngã. Mới chẵn 1 năm thôi. Tôi ghi vào bì thư “cháu DPV đồng nghiệp nhỏ báo Tiền Phong chúc chú sức khỏe”, cảm thấy tự hào. Chiếc bàn cạnh giường lả tả những trang bản thảo hồi ký Thời biến đổi gen - cuốn sách cuối cùng của ông.

Tôi đã hơn một lần phỏng vấn Bùi Ngọc Tấn, nhiều kỷ niệm. Có một chuyện khá buồn cười.

Lần đó, tôi gửi câu hỏi xong, ông gọi điện hẹn thời gian hoàn thành bài, có vẻ không vấn đề gì. Thế rồi khi nhận bài, tôi sửng sốt thấy phần câu hỏi không phải của mình, và trả lời những chuyện đâu đâu ấy! Băn khoăn mất mấy ngày, tự hỏi mình làm ăn kém  cỏi thế nào mà chú Tấn phải làm lại hết thế này. Mà sao chú cháu biết nhau đã lâu, chú không nói thẳng ý nghĩ của mình lại lẳng lặng tự hỏi tự trả lời.

Rồi ông gọi điện, rất dè dặt, sao câu hỏi của Vinh chú thấy quen quen, hình như đã trả lời ở đâu đó! Hóa ra ông hoàn toàn lẫn bài của tôi với một người khác. Hai chú cháu ơ a xong rồi cười he he trách nhau nếu có lăn tăn sao không hỏi toẹt ra lại cứ giữ kẽ.

Bùi Ngọc Tấn kể ông và Phùng Quán, Nguyễn Khải từng giao hẹn với nhau: Phải sống dai. Sống dai là thắng. Ông còn thắng nhiều phen lớn nhỏ nữa. Ông ao ước được thấy thế giới, cuối cùng đã thỏa, bởi những lời mời và sự đón tiếp trọng thị. Điều trước đó ông không bao giờ dám mơ, nhất là nhớ lại cái thời Mọi người nhìn tôi không ra quen không ra lạ, không ra chào không ra không/Mọi người nhìn tôi như thể mọi thứ đã kết thúc rồi.

Ông muốn mình là bậc thầy chi tiết, và ông cũng đã làm được. Tháng trước, thành phố Bắc Ninh đặt tên đường Kim Lân, chúng tôi dự cuộc xong rồi dông tuốt lên Bắc Giang, về ấp Cầu Đen thăm nhà và mộ Nguyên Hồng. Đứng trước ngôi nhà đơn sơ cũ kỹ tự dưng tôi nhớ Bùi Ngọc Tấn, nhớ ông đã viết về Nguyên Hồng hay như thế nào, từ nhân vật độc đáo là chiếc xe đạp tên Cún của Nguyên Hồng trở đi, sao mà đáng yêu đến thế!

Bùi Ngọc Tấn nói Tôi căm thù sự giả dối. Điều này có lẽ nhiều người cũng nói được và cũng tỏ ra. Song một con người nhẹ nhàng trầm tĩnh như Bùi Ngọc Tấn lại đặc biệt thuyết phục người khác tin rằng ông thực sự căm thù sự giả dối. Tôi thích nhất câu “Chúng ta đã quen nghe những lời nói dối để qua đó biết được sự thật”.

Thập kỷ 90 khi nhớ về Phùng Quán tôi đã viết “Một người thật nồng hậu phóng khoáng, một của hiếm trong làng thơ” và không nhớ thì thôi, hễ nhớ ông, lại ngập tràn áy náy. Hồi đó chúng tôi gồm nhà báo Thùy Hương, Cẩm Vinh con dâu Bùi Xuân Phái, rồi Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh, Phạm Xuân Nguyên, Xuân Ba, Hòa Vang... thường xuyên ám quẻ nhà Phùng Quán, bắt tội vợ ông cứ lúi húi cả ngày với cái bếp củi, nấu hết món nọ món kia cho chúng tôi xơi chán lại ngả ngớn bên cái chòi ngắm sóng ở hồ Dâm Đàm để mà chuyện trên trời dưới bể. Thế mà những lúc ông guốc mộc áo nâu đến tòa soạn thăm, chúng tôi chẳng phải lúc nào cũng tiếp đón đến nơi đến chốn.

Với Bùi Ngọc Tấn, cũng là cảm giác chưa trọn vẹn. Trong khi ông lúc nào cũng cư xử nho nhã mực thước, sợ làm phiền người khác. Nguyễn Khải viết “già mà biết sống già thì hay lắm chứ”. Hễ trả lời phỏng vấn báo Tết hoặc báo thường, không quên dặn dò “giả dụ có nhuận bút thì giúp chú mua quà cho con”, tức là con gái tôi. 

Lần này tuy bệnh trọng nhưng Bùi Ngọc Tấn vẫn hy vọng “may ra thì thắng” bởi ông được rất nhiều người quen có lạ có quan tâm sức khỏe, gửi biếu những loại thuốc đắt tiền như mật gấu rừng Taiga to bằng bàn tay, hay tinh dầu bọ cạp châu Phi - nghe đồn chuyên chữa ung thư, món đặc hiệu mà Chủ tịch Phidel Castro vẫn dùng. Ngày rỏ 9 giọt dưới niêm mạc lưỡi lúc 8 giờ sáng và 8 giờ tối là đỡ...

Có năm, tôi đến căn nhà số 10 Điện Biên Phủ chúc Tết Bùi Ngọc Tấn, ông khoe chai rượu này của bạn đọc là Việt kiều Mỹ, Đức gửi cho, hộp thuốc này thì của văn hữu trong Sài Gòn... Tôi biết ông rất thích có bạn và cũng rất tự hào mình đông bạn, đông người yêu mến quan tâm. Nên vụ Tết sau tôi nhờ phóng viên Công Khanh quê Hải Phòng mang giùm cây giò mua ở một hàng nổi tiếng Hà Nội để Tết này ai đến chơi, ông có thể khoe nó là chút tình cảm của một “đồng nghiệp nhỏ báo Tiền Phong”, nơi ông đã sống một thời đẹp “sánh ngang thời thơ ấu”.

Bùi Ngọc Tấn từng im lặng suốt 27 năm, bắt đầu viết trở lại đều là cái mốc đáng nhớ với bạn đọc. Nhân cớ ông ra mắt tiểu thuyết Biển và chim bói cá tôi viết bài phỏng vấn, lúc đầu định lấy tựa Bùi Ngọc Tấn - chim bói cá vẫn ở biển. Sau thấy đưa chim chóc vào tít nghe chừng không nhã lắm nên đổi thành cái tít mà Bùi Ngọc Tấn rất ưng: Bùi Ngọc Tấn - vẫn “Sống để kể lại”. Sống để kể lại là tên hồi ký của G.Marquez, còn Bùi Ngọc Tấn là minh chứng điển hình về sự lợi hại của nghề viết, sức mạnh của ngôn từ. Ông đã sống để kể lại. Nhà văn phải giỏi khai thác người khác nhưng khó nhất và quan trọng nhất là khai thác chính mình. 

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.