Bùi Ngọc Tấn: Không e sợ khi xuân về

Bùi Ngọc Tấn: Không e sợ khi xuân về
TP - Năm qua, tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn đoạt Giải thưởng Lớn trong Festival Sách và biển tại Pháp. Chiến thắng 6 đối thủ có sách vào chung khảo - là các nhà văn chuyên nghiệp Pháp, Canada, Bỉ - có người là giám đốc nhật báo Le Monde vốn là thủy sư đô đốc, nghĩa là rất hiểu biển. Đã gần tám mươi ông vẫn nguyên một tinh thần sảng khoái, điềm tĩnh.

> Về những 'thành phố đi vắng'
> Bùi Ngọc Tấn: Vẫn "Sống để kể lại"

Mỗi lần gặp ở Đại hội Nhà văn thấy ông rất phấn chấn. Sao lần gần đây nhất ông lại vắng mặt?

Một câu hỏi rất hay. Nhưng để trả lời câu này, cho phép tôi ngược thời gian một chút. Xuân nhật do đa mà. Dông dài tí ti, chị đồng ý nhé.

Năm 1973, khi tôi từ rừng núi trở về, các cơ quan chức năng nhiều lần nói với vợ tôi: “Chị đừng nghĩ là anh Tấn nhà chị lại còn được viết văn nữa. Không ai cho anh ấy viết văn nữa đâu! Chị hãy nhớ lấy điều ấy!”.

“Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời”. Đã bao lần tôi nhẩm đi nhẩm lại câu thơ ấy. Tưởng rồi sẽ quên được hẳn tên-dưới-mặt-trời của mình nhưng mới khó làm sao.

Đầu năm 1990, tôi viết trở lại. Viết vì sau nghị quyết đổi mới của Đại hội Đảng năm 1986, có thể viết khác đi. Viết vì những điều tích tụ trong lòng không thể không viết ra. Viết như một sự không khuất phục, chống lại mệnh trời...

 Xuân năm nay tươi và còn tươi mãi mãi mà ta đang chết dần dần. Thời còn đang học phổ thông, đọc câu ấy trong Giọt sương hoa của Phạm Văn Hạnh mà cứ rợn hết cả người. Tôi hiểu rằng tôi đang sống nghĩa là tôi đang chết. Tôi hiểu lẽ sinh, tử trong câu ấy. Tôi hiểu cuộc đời thật đẹp, hãy sống hết mình như một người cần phải sống, được sống trên cuộc đời này. Và sống có ích. Cũng như sau này tôi đọc Léonard de Vinci: Tôi những tưởng rằng mình học sống hoá ra là học chết.

Sau khi công bố hai tập sách (hồi ký Một thời để mất cuối năm 1995 và truyện ngắn Những người rách việc đầu năm 1996) tôi nộp đơn xin vào Hội Nhà văn, nhưng không được kết nạp. Tôi đã định rút đơn. Hai người ký bảo lãnh cho tôi là Vũ Bão và Lê Bầu can ngăn: Tôi lạy ông. Ông cứ để đơn đấy cho chúng tôi nhờ.

Thực ra nếu không vì hoàn cảnh éo le, tôi không nộp đơn. Tôi luôn hiểu viết văn là nỗ lực một mình cô đơn trước trang giấy trắng. Chẳng qua chỉ vì muốn chính thức được công nhận đã đứng dưới mặt trời thôi. Cái danh hiệu “nhà văn quốc gia” như anh em văn nghệ Hải Phòng thường nói, có thể giúp tôi điều ấy. Năm sau, 1998 tôi được kết nạp. Đại hội Đại biểu Nhà văn lần thứ 6 (năm 2000) là đại hội đầu tiên tôi được tham dự. Tuy nhiên đã có ý kiến truất quyền đại biểu của tôi. Cuối cùng tôi vẫn được đi họp. Tôi có nói với nhà thơ Hữu Thỉnh, phó Tổng thư ký Hội Nhà văn lúc ấy về mục đích đi đại hội của tôi: Mình có dự cũng chỉ để gặp lại bạn bè cũ. Nếu không, có khi đến chết cũng không gặp được nhau. Một đại hội vui của tôi. Bạn cũ, bạn mới tay bắt mặt mừng. Tôi không chú ý tới các bản tham luận. Chỉ bắt tay, ôm lấy nhau. Và chụp ảnh...

Năm 2005, Đại hội Đại biểu lần thứ 7, được bầu là đại biểu, việc dự của tôi suôn sẻ. Đã biết đại hội sẽ diễn ra như thế nào rồi, nghĩa là người đọc tham luận cứ đọc, người ngồi dưới cứ nói chuyện, người ra hành lang uống cà phê cứ uống, người đi dạo ngoài sân cứ đi..., niềm vui của tôi là gặp lại Hà Nội của tôi, Hà Nội một thời tươi đẹp nhất của tôi. Cùng Đoàn Lê đi thăm Nguyên Bình ốm nặng. Uống bia, ăn chân gà nướng ban đêm ở một vỉa hè Hà Nội với Dương Tường, Dạ Thảo Phương, “đầu nậu” sách Dương Thắng rồi Phạm Hải Anh vừa từ Hà Lan về. Một mình lang thang Bờ Hồ, ngồi ở gốc cây nơi 32 năm trước đã ngồi khi từ những lòng chảo giữa rừng trở về ăn kem, gặp lại Tháp Rùa...

Đại hội (toàn thể) lần thứ 8 tháng 8 năm 2010 tôi không dự. Bởi những lý do thiết yếu của riêng tôi không còn nữa. Bạn cũ, bạn mới (đã thành bạn cũ) gặp rồi, và suốt 10 năm giữa các đại hội, thường xuyên gặp gỡ, điện thoại, meo đi meo lại cho nhau đủ các thứ chuyện rồi. Còn nhu cầu gặp lại Hà Nội xưa thì thật khó mà thực hiện: Kẹt đường, kẹt xe. Cực kỳ gian khổ. Kể cả nguy hiểm nữa. Người, ô tô, xe máy ở đâu ra mà lắm thế.

Với lại cũng thừa biết các đại hội đều giống nhau. Ăn sáng như thế nào, lên hội trường như thế nào.

Sau đại hội, nhiều người bảo tôi: Anh không đi là đúng.

Ông có e sợ khi mùa xuân về?

Tôi hiểu ý câu chị hỏi. 79 tuổi rồi. Mỗi mùa xuân tới đồng nghĩa với cái khúc còn lại của tôi ngắn đi một ít. Cái kết thúc đang tới gần kề. Thực ra tôi nghĩ tới sự kết thúc từ lâu lắm rồi. Ngay khi còn rất trẻ.

Xuân năm nay tươi và còn tươi mãi mãi mà ta đang chết dần dần. Thời còn đang học phổ thông, đọc câu ấy trong Giọt sương hoa của Phạm Văn Hạnh mà cứ rợn hết cả người. Tôi hiểu rằng tôi đang sống nghĩa là tôi đang chết. Tôi hiểu lẽ sinh, tử trong câu ấy. Tôi hiểu cuộc đời thật đẹp, hãy sống hết mình như một người cần phải sống, được sống trên cuộc đời này. Và sống có ích. Cũng như sau này tôi đọc Léonard de Vinci: Tôi những tưởng rằng mình học sống hoá ra là học chết. Xin chị đừng ngắt lời tôi. Mùa Xuân không nói tới chuyện chết. Dông. Đúng không? Tôi lại thấy ý nghĩa tích cực của những câu nói ấy. Hãy sống như thế nào để đến khi chết đi không còn áy náy gì.

Chẳng phải Paven Korsagin cũng đã nói thế hay sao. Học sống hóa ra là học chết đấy. Cũng có thể nói ngược lại với người khổng lồ Léonard de Vinci: Học chết lại chính là học sống. Tôi không e sợ gì khi mùa xuân về. Bạn bè nhiều người không còn nữa: Vũ Bão, Lê Bầu, Hứa Văn Định, Nguyên Bình, Mạc Lân. Tôi biết họng súng bắn tỉa của Thần Chết đang chĩa vào tôi, chờ đợi cú siết cò và thanh thản ra đi. Bởi những việc cần làm tôi đã làm với hết sức mình. Bởi tuy còn những cái xấu, nhưng tôi không làm hại ai, tôi luôn là người lương thiện.

Bởi sống đến bây giờ là lãi rồi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG