Tranh chấp tiền tệ với Mỹ có thể là cơ hội cho Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. (Ảnh tư liệu)
Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. (Ảnh tư liệu)
TPO - Vào một thời điểm quan trọng trong những năm 1990, Bắc Kinh đã đóng vai trò định hướng và không quay đầu lại. Lần này họ có thể đi xa hơn nữa.

Mỹ vừa gán nhãn cho Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Nhưng một bài viết trên Bloomberg cho rằng Bắc Kinh không những không bị gạt ra ngoài lề về chính sách tiền tệ như cách nói của chính quyền Trump, mà sẽ tiến thêm một bước trong việc củng cố vai trò lãnh đạo về kinh tế của họ ở châu Á.

Theo các chuyên gia, việc Bộ Tài chính Mỹ gắn mác cho Trung Quốc là nước thao túng chính sách hối đoái không gây ra nhiều hậu quả thực tế. Về bản chất, nó chỉ phục vụ khẩu chiến. Bước đi tương tự vào năm 1994 đã không ngăn được kinh tế Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên phụ thuộc nhau trong thời gian sau đó, một giai đoạn được đánh giá là bình yên nhất của thương mại toàn cầu. 

Bất chấp những ồn ào từ Nhà Trắng, Trung Quốc cho đến hôm 5/8 đã cố chặn đà giảm của đồng nhân dân tệ, chứ không phải khuyến khích nó giảm thêm.

Trung Quốc có lợi ích chiến lược ở khu vực trong việc thể hiện vai trò lãnh đạo về chính sách, phù hợp với dấu chân thương mại của họ trên khắp châu Á và xa hơn nữa. Bắc Kinh sẽ không nới lỏng dây cương hoàn toàn, như khẳng định trong tuyên bố của Ngân hàng trung ương nước này, dù tỷ giá hối đoái trong tuần này đã rơi xuống mức 7 NDT/USD. Điều Bắc Kinh cần làm là ngăn chặn chảy vốn ồ ạt.

Đây không phải lần đầu tiên một cuộc khủng hoảng quốc tế mang lại cơ hội tiềm năng cho Bắc Kinh. Trở lại thời điểm cuối những năm 1990, khủng hoảng tài chính châu Á, xảy ra trong thời gian chính quyền Clinton duy trì chính sách đồng đô la mạnh.

Có một biến cố để chính sách đó kết thúc năm 1998. Tháng 6 năm đó, 1 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á gõ cửa các nền kinh tế như kiểu hiệu ứng domino, Mỹ đã bán đồng đô la để cứu đồng yen Nhật trong bối cảnh các ngân hàng Nhật Bản khủng hoảng.

Khoảng 2 năm sau đó, Mỹ bán đô la và mua euro để ngăn đồng tiền chung của châu Âu rơi xuống dưới mức khởi đầu. Dù những bước đi này không đơn phương, nhưng Mỹ về cơ bản đã hy sinh đồng đô la mạnh để trở thành người bảo đảm về tiền tệ nhằm duy trì sự ổn định toàn cầu.

Điều cuối cùng mà nhiều nước châu Á cần vào lúc đó là Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ. Vì ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc khi đó quá nhỏ bé so với hiện nay. Nhưng đồng nhân dân tệ yếu đi sẽ gây áp lực lớn hơn lên những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu vốn đang rên rỉ vì sức nặng của suy thoái và yêu cầu phải cải tổ để nhận được hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế. Trung Quốc khi đó giữ nguyên giá đồng tiền của họ, ở mức khoảng 8,3 NDT/USD. Đó được coi là bước đi dũng cảm đối với một nước phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Vậy điều gì sẽ đến khi Trung Quốc hạ giá đồng tiền của họ? Chuyển động của các thị trường châu Á sau khi tỷ giá hối đoái của Trung Quốc xuống dưới mức 7 NDT/USD vừa qua đã nói lên vấn đề: Đồng won của Hàn quốc xuống dưới mức 1.200 won/USD lần đầu tiên kể từ tháng 1/2017; giá của đồng rupiah của Indonesia giảm mạnh bất chấp can thiệp của ngân hàng trung ương; đồng ringgit của Malaysia xuống mức thấp nhất trong 6 tuần. Đồng peso của Philippines và đô la Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang chịu sức ép.

Trung Quốc tạo được danh tiếng trong cuộc khủng hoảng châu Á trong những năm 1990 và có thể làm như vậy một lần nữa. Ít người khi đó nghi ngờ khả năng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ. Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong dẫn dắt chính sách là điều nhiều người nghĩ đến. Nhưng điều đó không miễn phí. Trung Quốc sẽ muốn thu về thứ gì đó, về nhượng bộ kinh tế hoặc chiến lược ở châu Á. 

Trong những năm 1990, Trung Quốc vừa là bạn vừa là đối thủ cạnh tranh ở châu Á. Các nước láng giềng phải học cách sống chung với điều đó. 

Khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin bán đồng đô la vào tháng 6/1998, mục đích trước mắt là hỗ trợ Nhật Bản. Nhưng điều đáng nhớ là Tổng thống Clinton nhanh chóng thực hiện một chuyến thăm kéo dài 9 ngày đến Trung Quốc. Điều cuối cùng mà ông muốn trong chuyến đi đó là việc hạ giá đồng nhân dân tệ để phục hồi đồng yen, thay vì một sự kiện mang ngoại giao đưa hai nước đến gần nhau hơn. 

Trung Quốc là bên chiến thắng lớn nhất trong cuộc khủng hoảng năm 1990. Toàn cầu hóa vẫn được được coi là chiều hướng tự nhiên, cùng với sự đồng thuận của Mỹ. Nhưng thế giới ngày nay đã rất khác. Ảnh hưởng kinh tế, chính trị và chiến lược của Bắc Kinh đã tăng theo cấp số nhân. Phương Tây và các hệ thống của nó không còn quyền chỉ huy mặc định. 

Bắc Kinh có rất nhiều thứ trong tay. Là một người trưởng thành trong chính sách tiền tệ sẽ là một khởi đầu mạnh mẽ.

Theo theo Bloomberg
MỚI - NÓNG