Tọa đàm trực tuyến: 'Phòng chống cháy nổ tại các chung cư'

TPO - Chiều thứ Sáu (6/4), báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm trực tuyến: "Phòng chống cháy nổ tại các chung cư", với sự tham dự của đại diện Cảnh sát PCCC, một số sở ngành Hà Nội, chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm...
Phòng chống cháy nổ chung cư

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

06/04/2018 14:52

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Ngọc Tiến, Trưởng ban Thời sự - Chính trị (báo Tiền Phong) cho biết, thời gian gần đây, có nhiều vụ cháy xảy ra, đặc biệt, vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư Carina. Tại Hà Nội cũng xảy ra nhiều vụ cháy lớn nhỏ. Trước thực tế đó, hôm nay báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm để thảo luận sâu hơn về vấn đề này.

06/04/2018 14:54

06/04/2018 14:55

Tọa đàm trực tuyến: 'Phòng chống cháy nổ tại các chung cư' ảnh 1 Nhà báo Ngọc Tiến, Trưởng ban Thời sự - Chính trị (báo Tiền Phong) mở đầu cuộc toạ đàm trực tuyến.

06/04/2018 14:57

06/04/2018 15:10

Nhà báo Ngọc Tiến: Người dân rất lo lắng, đặc biệt ở các tòa nhà tái định cư, chung cư lâu năm ở Hà Nội. Câu hỏi đầu tiên, xin được hỏi Đại tá Trần Văn Vụ, ông có thể cho biết nguy cơ cháy nổ trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt tại các chung cư?. Theo đơn vị đánh giá thì những vụ cháy vừa qua nguyên nhân chính do đâu?

Tọa đàm trực tuyến: 'Phòng chống cháy nổ tại các chung cư' ảnh 3 Đại tá Trần Văn Vụ- Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội.
Đại tá Trần Văn Vụ- Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội: Chúng tôi cung cấp thêm tình hình cháy chung cư trên địa bàn thủ đô trong thời gian qua gồm 87 vụ trong đó cháy chung cư cao tầng gồm 43 vụ, 81 vụ cháy nhỏ, khu vực tầng hầm: 2 vụ, cháy tầng 1 khu vực để xe: 1 vụ, cháy khu dịch vụ, vui chơi giải trí, spa: 3 vụ,…

Nguyên nhân các vụ cháy này có nhiều trong đó:

Thứ nhất, do chập điện, sử dụng thiết bị tiêu thụ điện như bàn là, bếp điện không đúng theo quy định dẫn đến cháy nổ;

Thứ hai, do bất cẩn sử dụng lửa như đốt nến hay quá trình sử dụng bếp ga, bếp điện, quá trình sử dụng dẫn đến cháy nổ.

Thứ 3, do rò rỉ khí ga thoát ra tia lửa điện gặp chất cháy dẫn đến cháy nổ

Thứ 4, do trẻ em nghịch lửa và hiện nay có 10 vụ  do nguyên nhân này đang được điều tra làm rõ

06/04/2018 15:12

Nhà báo Ngọc Tiến: Thưa ông Vụ, với các chung chung cư ở Hà Nội hiện nay thì việc tiếp cận công tác chữa cháy thế nào?

Đại tá Trần Văn Vụ: Trong tổng số hơn 700 chung cư hiện nay được đưa vào hoạt động thì có 690 công trình xe chữa cháy và xe chuyên dụng tiếp cận được trên tất cả các mặt công trình. Còn 27 công trình xe chữa cháy và xe chuyên dụng tiếp cận được nhưng do quá trình khai thác sử dụng chủ đầu tư bố trí cây cảnh, điểm trông giữ xe thêm thì xe chuyên dụng chữa cháy đi vào khó khăn.

Tôi cũng xin bổ sung thêm thông tin là vừa qua, Hà Nội công bố 79 công trình chung cư vi phạm về PCC. Tuy nhiên đã có 50 công trình khắc phục xong các thiếu sót, đã nghiệm thu, còn lại 29 công trình còn tồn tại, chưa được nghiệm thu. Trong số 29 công trình, có 14 công trình có khả năng khắc phục, 15 công trình khó có khả năng khắc phục.

Các cơ quan chức năng Hà Nội vừa qua đã có những chỉ đạo sát sao tới từng địa phương, từng BQT chung cư. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng đã có báo cáo Bộ Công an, Bộ Xây dựng để cho phép bổ sung, thay thế, khắc phục các tồn tại nhưng vẫn phải đảm bảo quy chuẩn PCCC. Lãnh đạo Hà Nội có chỉ đạo và yêu cầu các công trình từ nay đến 30/4 phải trình hồ sơ đầy đủ để cơ quan chức năng phê duyệt.

Chậm nhất đến 30/6 phải thực hiện khắc phục các thiếu sót. Sau đó nếu cố tình không khắc phục thì sẽ chuyển hồ sơ cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

06/04/2018 15:19

06/04/2018 15:30

Nhà báo Ngọc Tiến: Đại tá Trần Văn Vụ vừa nhắc đến vai trò rất quan trọng là chính quyền địa phương. Về chuyên môn, nhiều khi Cảnh sát PCCC đã đến xử lý vi phạm nhưng sự phối hợp vẫn còn yếu. Tôi muốn đặt câu hỏi với ông Khổng Minh Thảo – Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, quận đã phối hợp với PCCC như thế nào, việc xử lý ra sao?

Ông Khổng Minh Thảo - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội): Thực hiện việc quản lý nhà nước về PCCC, quận Thanh Xuân thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Nhiều giải pháp quyết liệt và căn cơ để làm sao giảm số vụ, giảm thiệt hại khi cháy nổ. Từ khi Hà Nội mở rộng, quận Thanh Xuân từ quận ven đô thành vùng lõi, tốc độ phát triển rất cao, kèm theo đó là nguy cơ cháy nổ rất cao. Có 2 phạm trù cần đề cập, đó là quản lý nhà nước và văn hóa chung cư. Văn hóa chung cư mà không nâng cao được thì rất có nguy cơ. Theo thống kê của Cảnh sát PCCC, Hà Nội còn 29 công trình chưa khắc phục thì quận Thanh xuân còn 3 công trình chưa được nghiệm thu.

Cụ thể, Chung cư Thượng Đình, CĐT đang thực hiện các giải pháp thay thế. Sẽ hoàn thành trước 30/4; Chung cư 88 Tô Vĩnh Diện thì xây dựng trước khi có Luật PCCC. Khi đó chưa có tiêu chuẩn, chúng tôi cũng đã xin thực hiện giải pháp thay thế trước 30/4; CC 143 ngõ Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, CĐT cũng đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ trước 30/4. Ngày 2/4, quận Thanh xuân đã ban hành kế hoạch triển khai kiểm tra 100% chung cư trên địa bàn. Hiện đã kiểm tra 4 chung cư, cần rà soát cần nâng cao văn hóa chung cư lên. Quận Thanh Xuân cũng đã có văn bản yêu cầu những chung cư đang hoàn thành xây dựng, yêu cầu CĐT cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nghiệm thu PCCC, chỉ được đưa dân vào sử dụng khi được nghiệm thu PCCC và đảm bảo chất lượng xây dựng.

Tọa đàm trực tuyến: 'Phòng chống cháy nổ tại các chung cư' ảnh 4 Ông Khổng Minh Thảo - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội)
Theo thống kê, có 89 chung cư, tổng cộng 95 công trình nhà cao tầng. Đã có 88 chung cư được nghiệm thu PCC. Chiếm 93%. 7% còn lại có 3 Công trình vừa nói sẽ hoàn thiện sớm. Cố gắng trước 30/4 sẽ hoàn thành 100% Có 14 công trình nhà TĐC được nghiệm thu nhưng chưa đủ điều kiện đáp ứng an toàn PCCC. Không có họng nước, bình nước về vạch đỏ, không đủ điều kiện 4 tại chỗ nên rất khó. Thời gian tới, quận Thanh Xuân tiếp tục kiểm tra các công trình này. Tuy nhiên, chế tài cần hướng dẫn thêm, chúng tôi đi kiểm tra nếu không đủ điều kiện thì có quyền tạm đình chỉ, hoặc đình chỉ chung cư này không? Nếu kiểm tra bỏ đấy thì không giải quyết gì. Cần tăng cường quản lý nhà nước, thẩm quyền trao còn thiếu, chế tài thiếu.

Nhiều cuộc tập huấn PCCC, chủ nhà chỉ đưa người giúp việc xuống tập huấn thì không giải quyết được vấn đề gì. Do đó cần có chế tài cụ thể. Cụ thể như không xét danh hiệu gia đình văn hóa, chỉ khi được cấp chứng chỉ PCCC thì mới được về ở nhà chung cư. Bên cạnh đó, cần có những chế tài cụ thể để quận có thể kiểm tra xử lý các chung cư. Chế tài xử lý thiếu, chỉ bảo nhau là thông báo cho toàn bộ cư dân tòa nhà biết tòa nhà mất an toàn PCCC. Như vậy có vi phạm luật hay không? Quận Thanh Xuân vướng, các ngành kiểm tra cũng vướng.

06/04/2018 15:34

Nhà báo Ngọc Tiến: Thưa ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, Việc PCCC ở địa phận quận Hà Đông gặp những trở ngại, khó khăn gì?

Tọa đàm trực tuyến: 'Phòng chống cháy nổ tại các chung cư' ảnh 5 Ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông
Ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông: Như các bạn đã biết, thì ở địa bàn quận Hà Đông có khá nhiều chung cư cao tầng, khoảng 70 chung cư, công trình cao tầng. Theo đó, còn tồn tại nhiều các chung cư chưa khắc phục xong về quy định PCCC. Cụ thể là 11 công trình. 

Về kế hoạch, công tác triển khai PCCC thì quận Hà Đông luôn tích cực triển khai. Cuối năm chúng tôi ban hành kế hoạch thực hiện.

Về công tác quản lý nhà nước ở địa phương: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, liên tục kiểm tra công tác PCCC.

Về tuyên truyền: thông qua nhiều hình thức như thư khuyến cáo phát tới từng hộ gia đình. Phối hợp với ban quản lý từng chung cư để phổ biến kĩ năng PCCC và kĩ năng cứu hộ, cứu nạn.
Hiện nay, các cư dân ở các chung cư tham gia tập huấn PCCC rất đông. Ý thức của người dân nâng cao, gần 100% đều tham gia các buổi tập huấn.

06/04/2018 15:36

Nhà báo Ngọc Tiến: Với 3 chung cư trên địa bàn Hà Đông chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra thì sự vào cuộc của địa phương như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông: Trước khi hồ sơ của 3 chung cư ở khu đô thị Văn Khê chuyển tới cơ quan điều tra thì chúng tôi liên tục kiểm tra và nhắc nhở nhưng khắc phục chậm. Hết ngày 28/2, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để thực hiện theo quy định của pháp luật.

06/04/2018 15:38

06/04/2018 15:45

Tọa đàm trực tuyến: 'Phòng chống cháy nổ tại các chung cư' ảnh 7 Ông Vũ Trung Kiên - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy
Nhà báo Ngọc Tiến: Thưa ông Vũ Trung Kiên - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy, quận Cầu Giấy có giải pháp gì trong công tác PCCC?

Ông Vũ Trung Kiên - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy: Theo tôi, mức xử phạt sai phạm với các chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy định PCCC chưa đủ sức răn đe. Sau khi khắc phục về quy định PCCC thì cần yêu cầu họ phải công khai với các hộ dân, công khai lên trang chủ về dự án…

Với UBND quận Cầu Giấy, từ tháng 9/2017, chúng tôi tổ chức tập huấn chữa cháy cho tất cả các ban quản trị toà nhà, chung cư trên địa bàn quận. 

Hình thức với các hộ dân thì ngoài các văn bản chỉ đạo, chúng tôi phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản trị công khai số điện thoại để chúng tôi hàng tuần có tin nhắn trực tiếp đến cho Phường, Ban quản trị, Chủ đầu tư có hình thức phát loa, thông báo cho các hộ dân. Với các toà chung cư ngoài đội chữa cháy cơ sở, tổ chức tập huấn PCCC hàng năm và các hộ gia đình đều phải tham gia.

06/04/2018 15:50

Tọa đàm trực tuyến: 'Phòng chống cháy nổ tại các chung cư' ảnh 8 Đại tá Trần Văn Vụ- Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội
Nhà báo Ngọc Tiến:Tôi cũng nghe nhiều đại biểu nói về việc nhiều chung cư chưa nghiệm thu đã đưa dân cư vào ở. Tại sao lại có hiện trạng như vậy, Đại tá Trần Văn Vụ có thể giải thích vì sao có hiện tượng này?

Đại tá Trần Văn Vụ- Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội: Công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy một công trình chỉ phạt 80 triệu. Tôi cho rằng, phạt hành chính như vậy chưa đủ sức chức răn đe với công trình cả nghìn tỉ. Chúng tôi đề xuất nâng chế tài xử lý, nâng mức xử phạt đủ sức răn đe chủ đầu tư.

Trong những năm qua thực hiện nghị định 130, nói về chung cư cao tầng thì từ 2017 đến 3 tháng đầu năm 2018, có 179 chung cư cao tầng thành phố đã mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. PCCC thì kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị bảo hiểm, các chủ đầu tư thực hiện quy định pháp luật. Trách nhiệm là lập biên bản, kiến nghị thực hiện, sau 15 ngày, một tháng kiểm tra lại. 

Theo quy định thì chỉ kiểm tra chung cư trọng điểm thì một năm chỉ 4 lần, nếu kiểm tra tiếp thì phải kiểm tra đột xuất hoặc chung cư mới xuống kiểm tra, hướng dẫn. Trong thời gian 1 tháng, 15 ngày có thể kiến nghị để mua bảo hiểm bắt buộc. Chủ đầu tư không thực hiện, tòa nhà không thực hiện thì chỉ xử phạt hành chính.

06/04/2018 15:55

Tọa đàm trực tuyến: 'Phòng chống cháy nổ tại các chung cư' ảnh 9 Ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT
Nhà báo Ngọc Tiến: Còn quan điểm của ông Đặng Hùng Võ thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT: Tôi chỉ bổ sung thêm một ý đó là hiện nay, chủ đầu tư bán nhà khi chưa có nhà tức là sau đó quyết định như thế nào là do chủ đầu tư chứ không có một tín hiệu là bao giờ hoàn thành, bao giờ nghiệm thu. Còn người dân khi đã nộp tiền cho chủ đầu tư thì chỉ sợ chủ đầu tư bán cho người khác. Tôi cho rằng đây là vướng mắc nhất, nhiều công trình bán xong thì vì sau đó không có một quy định rành mạch nào cả.

Hầu hết mua bán nhà chung cư là mua bán nhà trên giấy hết, chúng ta cho mở bán từ khi đặt móng. Đó là cái khó khiến chủ đầu tư làm chủ hết. Ngày mở bán chủ đầu tư tự quyết định. Chúng ta phải tìm giải pháp nào đó để nâng cao ý thức của người dân lên chứ không vẫn sẽ cứ vẫn lùng bùng như thế này.

Nhà báo Ngọc Tiến: Xin ông Đặng Hùng Võ cho biết thêm ý kiến về quy hoạch đô thị đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy?

Ông Đặng Hùng Võ: Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch ở Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề. Có những tình trạng hiện nay đã phát hiện nhiều chung cư triển khai sai quy hoạch. Có trường hợp được đồng ý cho thay đổi quy hoạch nhưng có trường hợp báo chí đã nói là chủ đầu tư ý điều chỉnh, không ai kiểm tra, không ai phát hiện. Danh sách những chung cư đó ai cũng biết cả mà đến bây giờ vẫn chưa xử lý gì cả. Tôi cho rằng kiểm tra những chỗ đó về công tác phòng cháy chữa cháy sẽ thế nào nữa vì mật độ dân cư gấp đôi, gấp 3 lần.

Tôi cho rằng câu chuyện này cũng là câu chuyện có liên quan đến văn hóa quản lý. Tức là bản quy hoạch đầu tiên rất đẹp, rất chuẩn nhưng qua thời gian được điều chỉnh mỗi lúc một tý mà tôi biết là chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý chứ không mấy khi thấy thay đổi vì mục đích thay đổi phát triển kinh tế xã hội. Có những cái được chấp nhận có những cái không được chấp nhận nhưng chủ đầu tư vẫn thay đổi. Tôi cho rằng cái đó chúng ta phải siết chặt lại. Đã đến lúc cần bàn nhau nâng cấp về cơ chế quản lý quy hoạch theo một quy trình chặt chẽ.

06/04/2018 15:55

06/04/2018 15:58

Tọa đàm trực tuyến: 'Phòng chống cháy nổ tại các chung cư' ảnh 11 Ông Trần Hoàng Linh - Trưởng Phòng Quy hoạch 1 - Sở Quy hoạch Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội
Nhà báo Ngọc Tiến: Thưa ông Trần Hoàng LinhQuy hoạch đô thị Hà Nội hiện nay khi mật độ dân số quá lớn, không thể tiếp cận được khi xảy ra PCCC? Ví dụ như đường Nguyễn Tuân rất nhỏ khó tiếp cận khi xảy ra cháy nổ?

Ông Trần Hoàng Linh - Trưởng Phòng Quy hoạch 1 - Sở Quy hoạch Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội: Quy hoạch là công tác đi đầu. Các đồ án quy hoạch, tổng mặt bằng luôn theo đúng quy chuẩn về xây dựng cũng như quy chuẩn về PCCC. Về cấp phép quy hoạch, tùy theo chức năng CĐT đề xuất chúng tôi xin ý kiến các sở ngành: Cảnh sát PCCC, chính quyền địa phương… 
Quy hoạch, chúng tôi luôn quan tâm đến khoảng cách công trình. Quy chuẩn khoảng dài không được nhỏ hơn 25m. Ví dụ như đường sá, với các công trình cao tầng tầng hầm rất lớn. Chúng tôi đã khuyến cáo CĐT lưu ý tải trọng các xe bên trên. Kể cả việc bố trí sao cho xe chữa cháy đi lại đúng tiêu chuẩn đều đã được quy định. 

Đối với công trình cụ thể, chúng tôi lưu ý luôn CĐT số lượng lối thoát hiểm, bán kính đến thang thoát hiểm, với công năng tùy từng đề xuất thường thì phải bố trí được những thang N1 (thang tiếp cận từ bên ngoài - PV)  tối thiểu 50%. Đối với đường Nguyễn Tuân chẳng hạn, quy hoạch phân khu đã xác định mặt cắt. Hiện quận Thanh Xuân cũng đã có những kế hoạch mở đường Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng đúng theo đề án.

06/04/2018 16:01

 
Tọa đàm trực tuyến: 'Phòng chống cháy nổ tại các chung cư' ảnh 12 Bà Nguyễn Vĩnh Hà, Phó ban Bảo hiểm Tài sản kỹ thuật, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt.
Nhà báo Ngọc Tiến: Đề nghị đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết thực trạng người dân mua bảo hiểm cháy nổ như thế nào?

Đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt: Liên quan đến bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, thông tư của 220 của Bộ Tài chính ban hành cách đây 8 năm quy định rõ, các toà nhà chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Tuy nhiên, việc bán bảo hiểm cho toà nhà chung cư rất thấp do, ý thức và văn hoá người dân mua bảo hiểm chưa cao. Chúng tôi tuyên truyền, chào bảo hiểm nhưng người dân khá e dè và tính toán trong việc mua bảo hiểm. Mặc dù tỷ lệ phí rất nhỏ so với giá trị của toà nhà. 

Sau vụ cháy gần đây thì chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu liên quan tới bảo hiểm cháy nổ hơn. Chủ đầu tư hoặc ban quản trị toà nhà đứng ra làm đầu mối mua bảo hiểm cho toàn bộ chung cư.

Có một hình thức nữa là người dân khi mua căn hộ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để quyền lời của người dân sẽ được đảm bảo. 

Ngoài ra, với sản phẩm Bảo Việt, chúng tôi có thêm gói bảo hiểm như: rủi cướp, rủi ro vỡ ống nước… Mở rộng thêm những rủi ro có thể xảy ra để đảm bảo thêm quyền lợi của người dân.

06/04/2018 16:03

06/04/2018 16:08

Nhà báo Ngọc Tiến: Kính thưa các vị khách mời, sau hơn 1 giờ tọa đàm liên quan đến công tác đảm bảo PCCC chung cư, chúng ta đã nói đến những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước, quy hoạch đô thị, ý thức cư dân và đặc biệt những vấn đề liên quan đến bảo hiểm chung cư. Chúng ta đã có những bức tranh toàn cảnh về phòng chống cháy nổ chung cư ở Hà Nội. Hy vọng chúng ta sẽ cùng phối hợp tốt hơn nữa để PCCC chung cư.

Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình!

Theo thông tin từ cảnh sát PCCC Hà Nội, trong năm 2017 và Quý I năm 2018, toàn thành phố xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ.  Các vụ cháy khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại ước tính 617 tỷ đồng.

Qua công tác kiểm tra, Hà Nội phát hiện nhiều công trình cao tầng còn vi phạm PCCC. Năm 2016, Hà Nội đã công bố danh sách 79 công trình vi phạm PCCC chưa khắc phục vẫn đưa người dân vào ở. Đến nay, còn 29 công trình chưa khắc phục, trong đó có 15 công trình thuộc diện không thể khắc phục được, gây bất an cho cư dân...

Tọa đàm trực tuyến: 'Phòng chống cháy nổ tại các chung cư' ảnh 13  
Sau vụ cháy chung cư Carina ở TPHCM gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác đảm bảo PCCC ở Hà Nội, đặc biệt là các chung cư cao tầng lại tiếp tục nóng lên. Cảnh sát PCCC TP Hà Nội sẽ rà soát, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy toàn bộ 1.100 công trình nhà cao tầng tại thành phố, trong đó có 718 chung cư.

Mới đây, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã chuyển hồ sơ 3 công trình chây ì khắc phục vi phạm PCCC sang cơ quan điều tra. Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, chủ đầu tư các công trình này nhiều năm nợ tiền đơn vị lắp đặt thiết bị PCCC nên hệ thống không được hoàn thiện để bàn giao. Các chủ đầu tư cũng “ôm” hàng tỷ đồng tiền quỹ bảo trì khiến tòa nhà không có kinh phí để sửa chữa, khắc phục hệ thống PCCC. Nhiều vụ cháy chung cư đã xảy ra, rất may chưa có thiệt hại lớn.

Với các chung cư tái định cư, việc đưa vào sử dụng lâu năm khiến hệ thống PCCC có nhiều hỏng hóc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Theo con số mới nhất, 160 tòa nhà tái định cư có các vấn đề về hệ thống đường ống, dây dẫn cứu hỏa hỏng; bình cứu hỏa di động không đủ áp suất; hệ thống báo cháy không hoạt động...

Từ thực tế trên, báo Tiền Phong mời lãnh đạo một số quận huyện, lãnh đạo cảnh sát PCCC, lãnh đạo Sở Xây dựng, các chuyên gia đến tham gia tọa đàm "Phòng chống cháy nổ tại các chung cư", nhằm mục đích hiến kế, đề xuất các giải pháp, hướng khắc phục, quản lý các chung cư cao tầng, chung cư tái định cư trên địa bàn Hà Nội để tránh xảy ra hiểm họa cháy nổ.

Cuộc tọa đàm cũng nhằm mổ xẻ phân tích, nhìn rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc cấp phép, thẩm định, phê duyệt về an toàn PCCC các chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội; những giải pháp của lực lượng PCCC; kỹ năng thoát hiểm của người dân khi xảy cháy chung cư...

Tọa đàm bắt đầu từ 14h30, Thứ Sáu, ngày 6/4/2018, tại Tòa soạn Báo Tiền Phong. 

Dự kiến khách mời:

1. Ông Vũ Ngọc Thành - Phó Phòng quản lý nhà và Thị trường BĐS (Sở Xây dựng Hà Nội) 

2.  Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội

3. GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

4. Ông  Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông

5. Ông Vũ Trung Kiên - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy 

6. Bà Nguyễn Vĩnh Hà - Phó ban bảo hiểm tài sản kỹ thuật (Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt) 

7. Ông Trần Hoàng Linh - Trưởng Phòng Quy hoạch 1 - Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội

8. Ông Khổng Minh Thảo - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội)

Nội dung buổi Tọa đàm sẽ được truyền trực tiếp trên Báo điện tử Tienphong.vn, kênh Youtube, và Fanpage của Báo Tiền Phong (www.facebook.com/www.tienphong.vn)

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi tới các khách về tới địa chỉ Email: online@baotienphong.com.vn

Hoặc gửi câu hỏi ở phần Bình luận dưới bài viết này.

MỚI - NÓNG