Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, nhiều cư dân tại một số toà nhà nằm trong diện từng bị đề nghị hạ chuẩn PCCC của UBND TP Hà Nội vừa qua… không hề hay biết, khi nhận được thông tin mới giật mình bất ngờ.
Bà Đinh Thị Thanh, một cư dân sống tại tòa nhà chung cư 89 Phùng Hưng (Phúc La, Hà Đông), cho biết, các con mua nhà, ông bà về chỉ biết ở, cũng không ai thông tin nên không nắm được vấn đề PCCC của toà nhà nằm trong diện bị hạ chuẩn. Chính vì vậy, khi nhận được thông tin toà nhà của mình nằm trong diện bị đề nghị hạ chuẩn PCCC của UBND TP Hà Nội, bà Thanh rất bất ngờ và vô cùng lo lắng bởi ông bà sống cùng các con nhưng các con đi làm cả ngày, ở nhà chỉ có ông bà, nếu xảy ra sự cố thì không biết chạy đường nào.
Trong khi đó, ông Lê Văn Bình, cư dân sống tại toà nhà CT3, Xa La, Hà Đông, lại tỏ ra khá bất ngờ khi toà nhà mình đang sinh sống lại nằm trong diện bị hạ chuẩn. Ông Bình cho biết, lâu nay thấy… chưa có cháy nổ gì nên không nghĩ tới vấn đề PCCC tại toà nhà có vấn đề, chưa kể cũng không ai thông tin nên ông và người nhà cũng không nắm được.
Trước đó, trong văn bản gửi do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký gửi các Bộ như Bộ Xây dựng, Bộ Công an…, UBND Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có 1.075 nhà, công trình cao tầng, chung cư cao tầng.
Trong đó, đáng chú ý, theo UBND TP. Hà Nội qua kiểm tra hiện nay có 17 công trình nhà chung cư cao tầng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn các tồn tại, vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, “không có khả năng khắc phục” theo yêu cầu của Quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về phòng cháy chữa cháy hiện hành.
Báo cáo của UBND TP. Hà Nội cho thấy Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã đầu tư xây dựng 5 tòa chung cư cao tầng vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy. Bao gồm: tòa nhà CT1 Xa La, tòa nhà CT2 Xa La, tòa nhà CT3 Xa La, nhà chung cư CT4, và trung tâm thương mại và căn hộ chung cư, thuộc khu đô thị Xa La, Phúc La, Hà Đông.
Bên cạnh đó, có 8 dự án do tư nhân bỏ tiền đầu tư gồm: Chung cư mini Bồ Đề (ngõ 193 Bồ Đề), khu nhà ở nhiều hộ gia đình số 76 Cự Lộc, tòa nhà văn phòng cho thuê và để ở (số 88 Tô Vĩnh Diện), tòa nhà chung cư cao tầng (số 46/230 Lạc Trung), tòa nhà chung cư (89 Phùng Hưng - Phúc La, Hà Đông), nhà chung cư 30 tầng BMM khu đô thị Xa La của Công ty Sản xuất thương mại BMM, trung tâm thương mại nhà ở cao tầng số 27 Lạc Trung của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, tháp B văn phòng thuộc tòa nhà hỗn hợp HH1 ngõ 102 Trường Chinh của Công ty CP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam.
Trước thông tin về về việc toà nhà của mình nằm trong diện bị hạ chuẩn, anh Hà Tùng Linh, trưởng Ban quản trị toà nhà BMM khu đô thị Xa La, cho biết: “Chưa có ai thông tin cho chúng tôi về việc toà nhà BMM nằm trong diện bị hạ chuẩn cả. Tất cả những gì chúng tôi nắm được là qua báo chí phản ánh. Toà nhà BMM hiện chưa nghiệm thu được hệ thống PCCC vì hệ thống đầu báo cháy và phun nước tự động từ tầng 5A đến tầng 31 không có. Cả toà nhà của chúng tôi chỉ có một họng nước cứu hoả duy nhất. Nếu xảy ra hoả hoạn hậu quả sẽ rất nặng nề. Hơn 1000 dân không biết phải làm sao với hệ thống PCCC như hiện tại. Chúng tôi hiện rất lo lắng.
Trao đổi với PV Tiền Phong về thông tin 17 chung cư bị đề nghị hạ chuẩn gây xôn xao dư luận thời gian qua, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết: “Trước hết phải khẳng định rằng việc đề nghị hạ chuẩn 17 chung cư vừa qua của UBND TP Hà Nội là chưa hợp lý bởi, vấn đề xây dựng các quy chuẩn về PCCC cho các công trình nhà cao tầng nói chung đã được xây dựng từ rất lâu. Giữa Bộ Xây dựng và Bộ Công an cũng có nhiều Thông tư liên quan đến vấn đề này. Do đó, Luật PCCC 2011 chỉ để nâng tầm hơn tầm quan trọng của vấn đề PCCC. Vì vậy, nếu lấy lý do công trình xây dựng từ trước khi có Luật PCCC 2011 thực tế là chưa đúng và không hợp lý.
Trong quá trình xây dựng có các bước cũng rất rõ ràng. Bước một, giữa các bên sẽ có thoả thuận khi lập phương án thiết kế. Bước hai là nghiệm thu khi đưa vào sử dụng công trình đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Các bước này đã có từ rất lâu. Chính vì vậy, trách nhiệm ở đây có thể thấy là của cả người giám sát, quản lý và sự yếu kém của chủ đầu tư. Vì vậy, không nên vì lý do đó để hạ chuẩn an toàn PCCC được”.
Ông Nghiêm cũng nhấn mạnh, trách nhiệm có thể của Chủ đầu tư và cả người quản lý cũng phải tìm giải pháp để làm sao để đảm bảo an toàn nhất cho người dân. Về cơ bản, sai phạm thì phải sửa chữa, tìm nguyên nhân từ đâu để khắc phục chứ không phải hạ chuẩn là xong. Trước 2005 cả thành phố có 60 công trình nhưng đến 2015 đã nâng lên hơn 700 công trình cao tầng. Vì vậy, vấn đề an toàn PCCC ngày càng vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể quên các quy định trước đó mà chỉ căn cứ vào Luật PCCC 2011 được. Với các công trình vi phạm phải xử lý nghiêm và tìm cách khắc phục cho sự an toàn của người dân.
Trước đó, trao đổi tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 3/4, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng cho biết, không có chuyện hạ tiêu chuẩn PCCC chung cư trên địa bàn thành phố. Thiếu tướng Hoàng Quốc Định nhấn mạnh, vì khó nên phải báo cáo cấp trên, cấp có thẩm quyền để có giải pháp, biện pháp bổ sung thay thế. Nói thế không phải là hạ mức quy chuẩn, tiêu chuẩn mà thay thế bằng các giải pháp khác tương xứng, có những tiêu chuẩn tăng cao hơn, trên góc độ chuyên môn kỹ thuật để chấp nhận được.