Chuyên gia Thịnh cho biết: Theo Khoản 2 Điều 3 Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quy định: Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. “Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng. Và mức giới hạn được hiểu là mức tối thiểu đảm bảo an toàn cho cộng đồng”, ông Thịnh bày tỏ.
Trên cơ sở đó, theo chuyên gia Thịnh, nếu còn giảm được (tức hạ chuẩn phòng cháy với 17 công trình ở Hà Nội - PV) thì phải ban hành quy chuẩn mới vì Quy chuẩn Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2010/BXD) chưa phải là những quy định tối thiểu. “Còn nếu QCVN 06:2010/BXD đã chuẩn rồi, các quy định của quy chuẩn này không thể giảm được nữa; nếu tiếp tục cho giảm thì sẽ không bảo đảm an toàn cho cộng đồng”, chuyên gia Lê Văn Thịnh phân tích.