Luật sư Florin Hilbay và Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario dẫn đầu nhóm nghiên cứu cấp cao của Philippines trình bày quan điểm của nước này trong phiên xử kéo dài một tuần, người phát ngôn Abigail Valte của Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết. Trong khi đó, luật sư chính Paul Reichler của Philippines khẳng định, “các quyền lịch sử” của Trung Quốc “không tồn tại” trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Một luật sư khác của Philippines là Andrew Loewenstein cho rằng, dù các quyền này có tồn tại trong UNCLOS, Trung Quốc cũng không thỏa mãn các điều kiện để đưa ra tuyên bố chủ quyền, như không thực hiện việc kiểm soát liên tục và duy nhất trong một thời gian dài trên biển Đông.
Ông Loewenstein đưa ra tám bản đồ, một có từ thời nhà Minh cho thấy khu vực nằm trong “đường chín đoạn” của Trung Quốc chưa từng được coi là lãnh thổ của nước này cho đến hôm nay. Ông nhấn mạnh rằng, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp đã vi phạm quyền tài phán thềm lục địa của những quốc gia như Philippines.
“Andrew Loewenstein đã chứng minh một cách đầy tự tin với những chứng lý trên, rằng đòi hỏi chủ quyền dựa trên quyền lịch sử không thể tồn tại theo UNCLOS… Điều thú vị nhất là các bản đồ của chính Trung Quốc lại không bao gồm biển Đông trong phần lãnh thổ của họ”, bà Valte nói.
Giáo sư Bernard Oxman thuộc Đại học Luật Miami (Mỹ) chỉ ra rằng, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông không có cơ sở pháp lý, bởi nó vượt qua các quyền về biển được quy định trong UNCLOS. Trước đó, tòa xác định vụ kiện không phải về phân định ranh giới biển giữa các nước liên quan như Trung Quốc bám lấy, mà các luận điểm Philippines đưa ra chỉ phản ánh tranh chấp giữa hai quốc gia, liên quan việc diễn giải hoặc áp dụng UNCLOS.
Tòa cũng phản bác lập luận của Trung Quốc rằng tranh chấp chủ quyền phải được giải quyết song phương, và chỉ thông qua đàm phán, lấy cơ sở là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông. Tòa khẳng định, Philippines đáp ứng được yêu cầu của UNCLOS.
Sau phiên xử, tòa án có thể cho phép Trung Quốc một cơ hội trả lời, bất chấp thực tế Bắc Kinh đã từ chối tham gia tố tụng. Phiên điều trần kín dự kiến kéo dài đến 30/11 với sự tham gia của các quan sát viên từ Nhật Bản, Singapore, Úc, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.