Reuters ca ngợi Triều Tiên đổi mới dưới thời Kim Jong Un

Dưới thời lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, Triều Tiên đang đổi mới
Dưới thời lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, Triều Tiên đang đổi mới
TPO - Dưới thời lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong Un, một cuộc “bùng nổ xây dựng” đang diễn ra trong nước với sự trợ giúp từ Nga và Trung Quốc, hãng tin Reuters nhận định.

Dựa trên những hình ảnh thu được từ vệ tinh và những người đi du lịch thường xuyên tới Triều Tiên, hoạt động xây dựng diễn ra rất mạnh mẽ. Truyền thông Triều tiên cũng thường đưa tin về việc khởi công hay khánh thành các  khu trượt tuyết, công viên giải trí, khu nhà ở.

Không chỉ có thủ đô Bình Nhưỡng, các làng quê và thị trấn nhỏ cũng đang đổi mới. “Các tòa nhà mới cũng đã xuất hiện ở các vùng nông thôn mặc dù ít hoành tráng hơn thủ đô”, một nhà ngoại giao mới đến Bình Nhưỡng cho hay.

Tập trung mạnh vào kinh tế là một thay đổi lớn trong chính sách của ông Kim Jong Un, mặc dù căng thẳng vẫn tăng cao trên bán đảo Triều Tiên.

Chính sách đặt quân sự lên hàng đầu của cố Chủ tịch Kim Jong Il, cha của ông Kim Jong Un khiến đất nước rơi vào nạn đói nghèo vào những năm 1990. “Ông ấy (Kim Jong Un) hiểu được rằng mặt trận kinh tế còn cấp thiết hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân”, ông Park Sang-kwon, giám đốc điều hành công ty Pyeonghwa Motors, công ty kinh doanh ô tô Liên Triều, người từng có cuộc gặp với lãnh đạo trẻ hồi tháng 7 vừa qua cho biết.

Nhờ nhiều năm đầu tư cho quân đội, lực lượng quân sự của Triều Tiên lên tới 1.2 triệu binh sỹ. Theo Reuters, “những người lính- những người xây dựng” đóng góp một phần rất lớn vào việc xây đường xá, khu chung cư…

Theo truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh tài trợ cho Triều Tiên 300 triệu USD để xây dựng một cây cầu bắc ngang qua sông Áp Lục, nối thành phố cảng Đan Đông của Trung Quốc và Sinuiju của Triều Tiên.

“Rất nhiều dự án của Triều Tiên do Trung Quốc tài trợ”, ông Wang Yizhou thuộc viện Nghiên cứu Quốc tế Đại học Bắc Kinh cho biết.

Tháng 9 vừa qua, Nga cũng mở cửa trở lại tuyến đường sắt 54km nối thị trấn biên giới Khasan của Nga tới Rajin của Triều Tiên.

Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy hoạt động xây dựng đường cao tốc dài 100km dọc bờ biển phía đông Triều Tiên nối Hamhung với một khu du lịch ở Wonsan đang được tiến hành.

“Triều Tiên dường như đang tăng cường số lượng và chất lượng đường xá”, ông Curtis Melvin, nhà nghiên cứu tại Viện Mỹ- Hàn thuộc trường nghiên cứu quốc tế John Hopskins cho biết.

Ông nói thêm: “Có vẻ như Triều Tiên muốn liên kết tất cả các khu trung tâm cấp tỉnh với Bình Nhưỡng bằng đường cao tốc và tăng cường hội nhập vận tải đường bộ với nền kinh tế Trung Quốc”.

Việc cải thiện giao thông cũng sẽ củng cố thêm kế hoạch biến Triều Tiên thành một điểm thu hút khách du lịch, động thái có lợi cho nền kinh tế nước này.

Một trong những dự án được công bố rộng rãi đó là khu trượt tuyết Masik ở vùng núi phía tây Wonsan. Triều Tiên nhắm tới mục tiêu lợi nhuận 43,75 triệu USD hàng năm từ khu du lịch này. Dự kiến thu hút 5.000 lượt khách du lịch mỗi ngày khi nó được mở cửa vào năm tới.

Tuy nhiên, Triều Tiên gặp phải nhiều thách thức lớn trong việc thuyết phục các nhà đầu tư. Các nỗ lực thiết lập đặc khu kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài và Trung Quốc trước đây đa phần đều thất bại.

Đầu năm nay, Triều Tiên đóng cửa khu công nghiệp Keasong khi căng thẳng dâng cao giữa Bình Nhưỡng và Seoul. Sau đó, khu này được mở cửa trở lại vào tháng 9.

Thậm chí, mới đây tập đoàn Xinyang của Trung Quốc còn mô tả việc làm ăn ở Triều Tiên “như một cơn ác mộng” sau khi tài sản của tập đoàn bị chính quyền Triều Tiên tịch thu vào năm 2012.

Trong khi đó, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nhân Hàn Quốc cho rằng họ sẽ đầu tư vào nước này khi có cơ hội.

Phan Yến
Theo Reuters

Theo Dịch
MỚI - NÓNG