Hà Nội:

Liên ngành nói không, 'xe vua' vẫn chạy

Hàng loạt xe trộn bê tông Việt Trung chạy trên đường Dương Đình Nghệ vào lúc 15h30 phút chiều ngày 28/8. Ảnh: Ngọc Châu.
Hàng loạt xe trộn bê tông Việt Trung chạy trên đường Dương Đình Nghệ vào lúc 15h30 phút chiều ngày 28/8. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Ngày 4/8, thông tin với báo chí tại Ban Tuyên giáo Hà Nội, đại diện liên ngành Hà Nội khẳng định, Hà Nội chưa phát hiện ra hiện tượng bảo kê “xe vua”. Tuy nhiên thực tế xe đeo biển hiệu vào phố cấm, giờ cấm vẫn diễn ra.

Trước tình trạng xe tải đeo biển hiệu riêng hoạt động rầm rộ trên nhiều tuyến phố cấm Hà Nội, Tiền Phong đã khởi đăng hai loạt bài với tiêu đề “Dấu hiệu bảo kê hung thần xe tải” và “Hệ lụy “xe vua” vào phố cấm”. Sau khi báo đăng, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an và thành phố Hà Nội làm rõ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tiền Phong thời gian qua, mặc dù thành phố Hà Nội đã cấm xe tải từ 10 tấn trở lên hoạt động trong khu vực nội đô, phạm vi cấm từ đường vành đai 3 trở vào; với những xe có nhu cầu chỉ được phép chạy vào ban đêm từ 21h đến 6h sáng hôm sau và phải xin giấy phép của Sở GTVT; tuy nhiên với những biển hiệu riêng, được in trên xe hoặc gắn ở cửa kính trước, nhiều xe tải đã dễ dàng vượt qua nhiều chốt CSGT, Thanh tra giao thông (TTGT) để hoạt động bất kể thời gian nào trên đường.

Biển hiệu mang tên 21 doanh nghiệp được xe tải đeo khi vào các phố cấm Hà Nội, bao gồm: Cty Việt Cường, DN Minh Nguyệt, Cty Xuân Trường, Cty Nam Cường, Trường Kỳ, V-T, Linh Hải, Thu Ngân, Bắc Việt, Bắc Việt JSC, Bê tông Minh Tâm, Transmeco, Bê tông A&P, Anh Đức, Bê tông Anh Đức, T12, Bê tông Việt Xô, HT, Thanh Nguyên CT981, Phú Xuyên, Xây dựng Hà Trang.

Ghi nhận tại nhiều nút giao thông, tuyến đường có nhiều xe tải đi vào phố cấm, giờ cấm trên địa bàn Hà Nội chúng tôi thấy rằng, các xe tải đều có đeo biển hiệu. Các biển hiệu này mang tên của trên 20 doanh nghiệp vận tải, trong đó có các biển hiệu như: Trường Kỳ, V-T, Linh Hải, Thu Ngân, Bắc Việt, Xây dựng Hà Trang, Bê tông A&P, Bê tông Minh Tâm, Transmeco, Cty Việt Cường, Cty Xuân Trường… Gắn những biển hiệu này, nhiều xe tải đi lại trên phố cấm, đường cấm rất thuận lợi. Thậm chí trưa 18/6, xe tải bồn 29C-49619 mang chữ “Bê tông A&P” chạy trên đường Lê Văn Lương bị CSGT dừng xe theo đề nghị của phóng viên, tài xế đã không dừng xe mà còn ép cả CSGT vào lề đường để chạy tiếp.

Sau khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thành phố Hà Nội có chỉ đạo xử lý “xe vua” “xe chúa”, tình trạng xe tải vào phố cấm, giờ cấm có giảm; nhưng việc này giảm không bền vì vào ban ngày trên nhiều tuyến phố cấm hiện nay vẫn thấy xuất hiện nhiều xe tải đeo biển hiệu Thu Ngân, Việt Đức, Bê tông Việt Trung… chạy trên đường.

Hà Nội từng phát hiện logo “xe vua”

Trước việc mua bán lô gô “xe vua” trong TPHCM vừa được Bộ Công an phát hiện, trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Đến nay vẫn chưa xác định được trường hợp nào mua bán logo “xe vua”. “Khoảng 6 tháng trước đã có phát hiện nhưng chúng tôi đã phối hợp với công an xử lý các xe chở quá tải trọng thì không còn tình trạng này. Khi đó có một số trường hợp tự làm logo để “đánh dấu” nhà xe của họ, nhưng chưa phát hiện được các băng nhóm có tổ chức”.

“Lúc đó không hẳn là logo mà là tên nhà xe được in ra dán lên kính. Nhưng sau đó những xe này vẫn bị xử lý vi phạm nên chắc thấy không hiệu quả họ đã tự chấm dứt rồi”, ông Linh nói. Theo quan điểm của ông Linh, dù các xe dán biển hiệu lên kính nhưng vi phạm, chở quá tải trọng, đi vào phố cấm thì đều phải xử lý bình thường.

Ông Linh cho rằng, những băng nhóm này thường hoạt động theo khu vực như ở Nam bộ, miền Trung, chứ khó hoạt động trên diện rộng ra đến Hà Nội được. “Rõ ràng là các logo này phải có hiệu quả thì người ta mới mua. Hiện nay chúng tôi đang kiểm tra xe quá tải và chưa phát hiện được trường hợp nào, kể cả xe chạy trong Hà Nội và xe của các tỉnh lân cận vào Hà Nội”, ông Linh khẳng định.

Liệu tình trạng sử dụng logo “xe vua” có hoạt động tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hay không đang rất cần được cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ.

Cục CSGT nói về đường dây “logo xe vua”

Ngày 28/8, trao đổi với PV báo Tiền Phong, trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông, Cục CSGT cho biết, khi nhận được thông tin về vụ triệt phá đường dây bán “logo xe vua”, Cục đã chỉ đạo phòng CSGT các tỉnh, thành báo cáo về sự việc.

Theo trung tá Nhật, khi nào cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can mới rõ được tội danh của các đối tượng trong đường dây bán logo cho tài xế. Trường hợp “Lợi dụng chức vụ quyền hạn của người khác để trục lợi” phải làm rõ được người có chức vụ và quyền hạn liên quan. Trường hợp không chứng minh được các đối tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi thì có thể là hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc các đối tượng tự tung tự tác để “chiếm đoạt tài sản” thì phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Trung tá Nhật cho rằng, các loại xe dán logo trên thường chở đất, đá hoạt động ở cung đường ngắn, việc này phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra mới rõ, ngoài ra việc bán logo hoạt động ở địa bàn phía Nam, chưa có dấu hiệu hoạt động ngoài Bắc.        

Minh Đức

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.