Nâng cao văn hóa ứng xử trong trường học

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ý kiến nhận định, nâng cao văn hóa học đường sẽ thúc đẩy chất lượng giáo dục. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhiều ý kiến nhận định, nâng cao văn hóa học đường sẽ thúc đẩy chất lượng giáo dục. Ảnh: Quỳnh Anh
TP - Các vấn đề ứng xử giữa thầy và trò, bạo lực học đường, văn hoá trên không gian mạng… được đại biểu bàn sôi nổi trong hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”, do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 21/11.

TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, phát biểu, dư luận xã hội lo ngại về sự xuống cấp đạo đức, lối sống ở một số trường học; bệnh thành tích trong giáo dục; thiếu trung thực trong dạy học, kiểm tra; bạo lực học đường; xâm hại trẻ em trong trường học, thiếu chuẩn mực trong giao tiếp của học sinh, giáo viên…

TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm TPHCM, nói rằng, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng mạng xã hội, chủ yếu là giới trẻ, trong khi văn hoá học đường chịu ảnh hưởng nhiều bởi Internet và văn hoá mạng. Theo báo cáo của Microsoft năm 2020, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia có chỉ số thấp nhất thế giới về văn minh trên không gian mạng. Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội năm 2017 tại Việt Nam cũng cho thấy, 61,7% trường hợp dùng mạng nói xấu, phỉ báng; 46,6% vu khống, bịa đặt thông tin… “Nghiên cứu tháng 10/2021 của chúng tôi cho thấy, có từ 38-42% học sinh đầu và cuối cấp THCS từng nói xấu, đọc tin nói xấu về thầy cô. Trong khi đó, có từ 18-36% giáo viên cảm thấy lo lắng, tiêu cực khi trở thành tâm điểm để nói xấu”, ông Sơn nói.

TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, kể chuyện, khi ông là hiệu trưởng một ngôi trường, buổi sáng ông đến sớm, đứng ở cổng trường theo dõi học sinh đi học và thấy tất cả học sinh đều chào hiệu trưởng, và chỉ có 1 em chào cả bác bảo vệ. Sau đó, ông đã có buổi nói chuyện để học sinh nhận thức lại vấn đề. TS Vinh cho rằng, xây dựng văn hoá học đường trong bối cảnh không gian mạng luôn thay đổi như hiện nay rất khó khăn. Giáo viên hiện nay không còn vai trò là người dẫn dắt mà là người đồng hành, bệ đỡ. Tuy nhiên, trong môi trường mạng, giáo viên tham gia vào các nhóm “chat” cũng là cách gần gũi, gắn kết hơn với học sinh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói rằng, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Văn hóa học đường chính là vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, có những con người có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế.

Một số ý kiến cho rằng, thực tế vẫn có tình trạng bạo lực học đường, không chỉ học sinh đánh nhau mà thầy bạo hành trò. “Giáo viên dạy kiến thức, giáo dục đạo đức mà đánh học sinh là hỏng. Điều này sẽ gây tác hại lớn đối với học sinh nhưng chúng ta cũng đang tạo quá nhiều áp lực cho giáo viên khi sĩ số có lớp 50-60 học sinh; giáo viên dạy 2 buổi/ngày”, một chuyên gia nói.

Chú trọng dạy làm người

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, văn hoá học đường là vấn đề nóng. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ cho rà soát lại chính sách và triển khai các hoạt động để thúc đẩy xây dựng văn hoá trường học. Cụ thể, phải làm thật tốt bộ quy tắc ứng xử trường học, có tiêu chí, tiêu chuẩn để thực thi. Vấn đề học thật, thi thật, nhân tài thật cũng là một trong các vấn đề được hướng đến.

Ông Sơn cũng nêu quan điểm “có thực mới vực được đạo”, khi trường học quá nghèo thì sẽ khó khăn khi nói về văn hoá. “Trường mầm non chưa có nhà vệ sinh, đường thầy cô đến trường còn gian lao, vất vả, lớp học vẫn nhà tranh vách đất thì chuyện văn hoá vẫn còn xa. Hay như muốn kiểm soát không gian mạng, cần có sơ sở dữ liệu mới làm được”, ông nói.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, nhận định, xây dựng văn hoá học đường là rèn luyện nhân cách thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ông Vinh kiến nghị, cần xây dựng chương trình, đề án tổng thể về tăng cường giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn trung và dài hạn. Hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa học đường; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành hiện có. Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên…

MỚI - NÓNG
Học sinh bậc THPT thường gặp nhiều khó khăn, áp lựcẢnh: PV
Học sinh bối rối chọn ngành nghề
TP - Học sinh THPT ở độ tuổi nhạy cảm, dễ tổn thương và gặp khó khăn khi định hướng nghề nghiệp cũng như chịu nhiều áp lực từ học tập, thi cử. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được phát hiện và hỗ trợ tư vấn, điều trị kịp thời.