Kiểm soát tải trọng xe: Chỉ hiệu quả nếu hết chung chi

Cán bộ bỏ trạm cân tại đường 494 ( Hà Nam). Ảnh : Minh Đức
Cán bộ bỏ trạm cân tại đường 494 ( Hà Nam). Ảnh : Minh Đức
TP - Trao đổi với cánh lái xe tải đang mắc võng dưới gầm xe ngủ bên đường quốc lộ 14, nhiều bác tài kể: Để chấm dứt nạn xe quá tải phụ thuộc nhiều vào quyết tâm dẹp nạn “chung chi”. 

Anh P- một tài xế xe tải có thâm niên chở hàng xuyên Việt cho biết: “Từ trước tới nay chưa từng biết có tài xế nào chở hàng quá tải mà không phải móc tiền đút lót để qua trạm. Việc xử lý xe quá khổ, quá tải từ trước đến nay chỉ ở dạng phong trào, lái xe luôn ở thế bị động kiểu “cá nằm trên thớt” trước những đợt cao điểm thanh kiểm tra, phải trốn”.

Đợt cân xe này, nhiều tài xế xe tải đồng tình khi kiểm soát được triển khai diện rộng, quyết liệt. Bởi vì, nếu xử lý đồng bộ, giá cước tăng hợp lý hơn, công việc nhiều và xe chạy đúng tải, đỡ hao mòn, hư hỏng, đỡ nguy hiểm, giảm tai nạn giao thông.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, chi phí vận tải lâu nay phải cộng thêm các “chi phí đen” cho CSGT, quản lý thị trường... nên vận tải mang tiếng thu cao nhưng lợi nhuận thấp. “Nếu chở đúng tải, giá tăng thêm chút ít, không phải trả các chi phí ngầm, vận tải dễ thở hơn. Các tiêu cực xã hội, hư hỏng đường sá không còn” – ông Thanh nói.

Một lãnh đạo Cty vận tải đường sắt cho biết, lâu nay các chủ hàng “chuộng” đường bộ do có thể chở quá tải, lại còn tránh bị kiểm soát xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, dễ buôn lậu. “Nếu kiểm soát chặt tải trọng, xuất xứ trên đường bộ, hàng hóa tải trọng lớn mới có thể đến với đường sắt, đường thuỷ, hàng hải” – vị này nói.

MỚI - NÓNG