Kiểm soát tải trọng xe: 'Cuộc chiến' căng thẳng

Hàng trăm xe tải né trạm cân gây ách tắc dài 3km trên QL 1A tại Phú Yên sáng 14/4. Ảnh: Văn Tài
Hàng trăm xe tải né trạm cân gây ách tắc dài 3km trên QL 1A tại Phú Yên sáng 14/4. Ảnh: Văn Tài
TP - Sau hơn 10 ngày triển khai kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, cán bộ nhiều nơi bộc lộ sự uể oải. Không ít địa phương kém mặn mà, trong khi đó, xe tải nằm chờ đến giờ vượt trạm gây ách tắc nhiều nơi...

Ngày cân, đêm bỏ

Trên tỉnh lộ 494 (Hà Nam), đại úy Trần Tuấn Anh, Tổ trưởng tổ công tác (Phòng CSGT Hà Nam) cho biết, việc cân xe được triển khai 24/24h hằng ngày. Tuy nhiên, theo quan sát của PV Tiền Phong, đến khoảng 22h30 ngày 9/4 trạm cân này đã tháo dỡ thiết bị, bàn ghế vứt chỏng chơ, xe tải nườm nượp đi qua không bị kiểm tra. Khi PV đến trạm cân đặt trên đường tỉnh 495 cũng gặp cảnh tương tự. 

Ông Nguyễn Quang Tuyển, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nam cho biết: Hà Nam đặt 7 trạm cân, trong đó có 5 trạm tại 5 huyện và 2 trạm tại 2 đầu tuyến đường giáp với quốc lộ 1 (đường 494 và 495). Hai tuyến đường 494 và 495 là cửa ngõ của các nhà máy xi măng Xuân Thành, Hoàng Long, Bút Sơn… Tuy nhiên, từ 1/4 đến nay chỉ mới xử lý được 60 trường hợp xe quá tải, phạt 155 triệu đồng.

Tại Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Hanh, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh cho biết, mới thực hiện kiểm tra trọng tải xe trong giờ hành chính (từ 8 giờ đến 17 giờ hằng ngày). “Ninh Bình chưa cân tải xe 24/24 giờ do chưa có sự phối hợp từ các lực lượng liên ngành. Chúng tôi muốn làm nhưng không thực hiện được” – ông Hanh nói.

Kiểm soát tải trọng xe: 'Cuộc chiến' căng thẳng ảnh 1

Ách tắc Quốc lộ 1A sáng 14/4 do nhiều xe tải né trạm cân. Ảnh: Văn Tài

Tại Đắk Lắk lại diễn ra một tình trạng khá lạ đời, chiếc xe chuyên dụng để cân xe (có truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ để kiểm soát các trường hợp bị xử lý) lại bị đắp chiếu; các đội cân xe chỉ sử dụng cân xách tay.

Giải thích việc này, ông Lê Công Chức - Chánh thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk cho biết:

Giá xe 1,3 tỉ/ chiếc đòi hỏi các khoản chi đột xuất để đưa ra lưu hành không nhỏ, ước tới 200 triệu đồng tổng cộng cho các khoản thuế trước bạ, phí đăng kiểm, phí đường bộ, bảo hiểm vật chất cho cả xe và thiết bị cân, đề phòng trước trường hợp kẻ xấu phá hoại... Do vậy, sở vẫn phải “trùm xe”, chờ tiền ngân sách.

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, sau ngày 1/4, mới có 36/63 tỉnh/thành thực hiện kiểm soát tải trọng xe, còn lại chưa mặn mà với việc này. Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục Đường bộ cho biết đang báo cáo với Chính phủ và sẽ có ý kiến với những địa phương đó”.

Lặc lè xe né trạm cân

Nhiều ngày qua, tại trạm cân đặt tại xã An Mỹ (huyện Tuy An, Phú Yên), tài xế đồng loạt cho dừng xe để né tránh lực lượng chức năng, gây ra cảnh ách tắc và kẹt xe kéo dài cả chục cây số (từ xã An Phú-TP Tuy Hòa đến xã An Hiệp-huyện Tuy An).

Kiểm soát tải trọng xe: 'Cuộc chiến' căng thẳng ảnh 2

Xử phạt rồi lại cho xe đi, không phải tiến hành hạ tải. Ảnh: minh đức

Nhất là vào giờ cao điểm, hàng trăm xe tải đậu chiếm gần hết lòng lề đường, khiến việc đi lại của người dân hai bên đường gặp nhiều khó khăn. Một số tài xế chọn giải pháp né trạm cân bằng cách đi tắt vào các đường liên xã để đến tuyến đường ven biển của tỉnh rồi vòng vào TP Tuy Hòa, rẽ trở lại QL 1, gây hư hỏng mặt đường.

Sáng 14/4, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tài xế cho xe nối đuôi nhau, cùng ăn, ngủ vạ vật ven quốc lộ 1 đoạn huyện Tuy An để chờ thời cơ vượt trạm. Thông thường cứ mỗi ngày có khoảng ba đợt xe quá tải qua mặt trạm cân. 

Đó là vào lúc 4 giờ sáng khi lượng xe khách từ các tỉnh phía Bắc chạy vào Nam kéo dài 2-3km. Quốc lộ 1 có nguy cơ bị ùn tắc cũng là lúc cánh xe tải chạy bạt mạng vượt trạm. 12 giờ, khi các lực lượng chức năng thay ca và nghỉ ngơi là lúc đoàn xe lên đường. Kịch bản này được tái diễn vào lúc 18 giờ khi xe khách từ phía Nam ra Bắc nhiều.

Ngoài ra, do lượng xe tải quá tải thường hay né trạm nên ở khu vực gần trạm cân An Mỹ đã xuất hiện một số “cò” dẫn xe. Các “cò” nhận của mỗi tài xế 500 ngàn đến 1 triệu đồng rồi tập hợp đoàn xe 5-7 chiếc dẫn qua trạm với tốc độ cao, mặc cho CSGT ra hiệu lệnh dừng xe. Tài xế nào bị công an bắt lại, “cò” không nhận tiền. Các “cò” cũng dẫn xe đi đường vòng né trạm cân theo đường cơ động ven biển qua các huyện Tuy An và TP Tuy Hòa, giá thỏa thuận.

Cân phập phù, phạt cho đi

Ông Nguyễn Văn Điều, Đội trưởng Đội 1 Thanh tra giao thông (Sở GTVT Ninh Bình) cho biết, từ 1/4 đến nay, trạm đã xử lý 22 phương tiện quá tải. Tuy nhiên ngày đầu do thiết bị cân chập chờn, đến ngày thứ 6 lại gặp trời mưa cũng không xử lý được.

Cũng theo ông Điều, các trường hợp chở quá tải thường phạt xong rồi cho lưu thông tiếp (do không có bãi hạ tải). “Đây là tuyến quốc lộ 1 có quá nhiều phương tiện lưu thông, nếu thuê xe sang tải cũng không thể đáp ứng được” - ông Điều nói.

Thượng tá Đinh Trọng Soạn, Phó trưởng phòng CSGT (CA tỉnh Ninh Bình) cho biết thêm, mặt đường nhỏ, gồ ghề, phải dùng máy phát điện để trạm cân hoạt động; thiết bị cân tải không hoạt động được khi thời tiết ẩm ướt, tài xế trốn tránh... Với những xe chở hàng tươi sống, đông lạnh, việc hạ tải càng khó hơn.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Phú Yên, từ khi hoạt động, trạm cân này gặp nhiều khó khăn do hệ thống mạng 3G thường xuyên bị mất sóng. Từ ngày 1/4 đến 8/4, máy tính của trạm bị “treo” 78 lần, tổng số lần sửa máy mất 1.424 phút (gần 24 giờ). Trong khi đó, mỗi lần bị lỗi, nhân viên trạm phải mất 7-10 phút để khởi động lại máy, có xe phải cân đến 6 lần mới có kết quả.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho rằng chỉ mưa to ngập, thiết bị mới không hoạt động được, mưa nhỏ không ảnh hưởng.

Vừa thu phí vừa cân xe

Tại cuộc họp về trạm thu phí ngày 14/4, Bộ GTVT chỉ đạo, trên các trạm thu phí BOT quốc lộ 1, QL 14 sẽ đồng thời đầu tư lắp đặt hệ thống cân tự động để kiểm soát tải trọng xe. Xe không quá tải mới được qua trạm.

MỚI - NÓNG